Mùa săn ươi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ 4 năm một lần, khi đến hè, các cánh rừng ở miền núi Quảng Nam lại vào mùa ươi chín. Khi quả ươi khô gặp gió, lìa cành cũng là lúc từng đoàn người từ khắp nơi đổ về những cánh rừng nguyên sinh tìm quả ươi bay.

Cho thu nhập đáng kể

Trong số 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, các huyện Phước Sơn và Nam Giang là 2 địa phương còn cây ươi cổ thụ nhiều hơn cả. Năm nay, quả ươi ở tỉnh Quảng Nam được mùa nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Ở những cánh rừng dọc theo đường Hồ Chí Minh, cảnh thu lượm quả ươi bay, buôn bán nhộn nhịp chưa từng có.

 

Cây ươi vào mùa rất dễ nhận diện do rụng trơ lá, chỉ còn cánh hoa vàng rực nổi bật giữa cánh rừng già xanh mướt
Cây ươi vào mùa rất dễ nhận diện do rụng trơ lá, chỉ còn cánh hoa vàng rực nổi bật giữa cánh rừng già xanh mướt


6 giờ sáng một ngày cuối tháng 6, chúng tôi khởi hành từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) theo chân cán bộ kiểm lâm và cán bộ lâm nghiệp xã để đến chốt kiểm soát khai thác ươi. Dọc đường là cảnh cả ngàn người dân trong huyện lẫn ngoài địa phương chạy xe máy từ các nơi về xã Phước Xuân để lượm quả ươi.

Anh A Lăng Trường (thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) cho biết, từ ngày ươi bắt đầu chín rộ, cả 5 người trong gia đình anh đã đi lượm quả ươi hơn 10 ngày nay. Ngày nào gặp khu rừng ươi rụng nhiều thì 5 người có thể lượm được 10kg quả khô - bán được hơn 2 triệu đồng, hôm nào ít cũng được chừng 3kg.

“Năm nay ươi giá cao, ra khỏi rừng bán ngay cho thương lái đã được 210.000 đồng/kg quả khô nên nhiều người đi lượm lắm. Mùa này khô hạn không làm được gì, may có quả ươi nên gia đình còn có chút thu nhập, tích cóp để lo cho mùa mưa bão sắp tới”, anh Trường phấn khởi nói.

Để nhặt được quả ươi, người thu lượm phải đi hàng giờ đồng hồ, băng rừng với chằng chịt cây bụi mới đến nơi có vạt rừng tập trung nhiều cây ươi. Đến nơi, sau khi lượm hết quả rụng vào những cơn gió đêm hôm trước, những người “đi ươi” lại ngồi hàng tiếng đồng hồ dưới tán rừng chờ những cơn gió thổi qua làm ươi rụng xuống. Sau mỗi “cơn mưa ươi” là tiếng í ới gọi nhau đến lượm vang cả một góc rừng.

Già làng A Mã (thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) kể, ngày xưa bà con cũng không biết hạt ươi có giá trị kinh tế, khi đi rừng cứ bỏ vài hạt vào vỏ bầu, ca nước cho nở bung ra để uống giải khát và chỉ lượm một ít về trữ nơi gác bếp dùng dần. Sau này thương lái dưới xuôi lên mua bảo làm thuốc, giải khát thì bà con mới biết. “Gia đình nào khỏe, đi sâu vào rừng để lượm có thể kiếm được vài chục triệu đồng một mùa, cao hơn cả một mùa rẫy làm lụng vất vả. Bây giờ cây ươi còn ít vì những năm trước, người từ nơi khác đến chặt phá để lấy quả tươi nên số cây giảm sút. Tôi thấy việc bảo vệ cây ươi là cần thiết, nhất là việc ngăn người địa phương khác tới khai thác theo kiểu chặt hạ cây để lấy quả”, già A Mã nói thêm.

Chung tay giữ “lộc rừng”

Vì quả ươi có giá trị kinh tế cao nên nhiều năm trước, người dân các địa phương khác đã ồ ạt lên khai thác hạt ươi ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang. Muốn có số lượng ươi nhiều, đỡ mất công lượm nhặt, nhiều đối tượng đã nhẫn tâm chặt hạ cây ươi hàng chục năm tuổi, cao 20-30m để lấy hạt.

Đỉnh điểm vào năm 2014, vấn nạn chặt hạ để tận thu ươi tươi xảy ra tràn lan ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, trong đó có huyện Phước Sơn, khiến nhiều năm sau ươi bị mất mùa. Đến nay, sau hơn 7 năm, quả ươi đã trở lại từ những cây còn sót lại nhưng chỉ phân bố rải rác chứ không tập trung dày như trước.

Từ ngày ươi bắt đầu rụng hạt đến nay cũng gần một tháng, anh Nguyễn Văn Thể, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Phước Xuân, cùng công an, dân quân luôn túc trực chốt chặn ở các cửa rừng, không cho bà con đem các dụng cụ như cưa máy, rìu vào rừng. Ai vào rừng thì chỉ được thu nhặt những quả ươi bay, không được tác động đến cây ươi.

Trước đó, anh Thể tham mưu cho UBND xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, vận động đến từng thôn để bà con cố gắng bảo vệ cây ươi với hình thức chỉ lượm, nhặt những quả ươi bay. Các hộ, cá nhân muốn lượm ươi đều đăng ký với chính quyền địa phương, khi đi qua chốt để vào rừng thì trình “giấy thông hành”. Người địa phương khác đến cũng phải đăng ký tương tự, không có ngoại lệ.

“Thời gian đầu vụ mùa, bà con cũng khó chịu vì mỗi khi ra khỏi rừng là bị kiểm tra gùi, ba lô, bởi họ chỉ lượm chứ không làm gì sai. Nhưng mình kiên nhẫn giải thích rằng kiểm tra để phát hiện những người chặt cây, phá cành lấy ươi tươi nên bây giờ bà con rất vui vẻ. Không những thế, bà con còn giúp lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng chặt phá lấy ươi kiểu tận thu”, anh Thể kể.

Một thương lái thu mua ươi cho biết không mua loại ươi chặt cành phơi khô, vì nếu bị chính quyền phát hiện thì sẽ bị phạt, tịch thu và đối tác cũng không quan tâm đến loại này dù giá rất rẻ. Đồng bào người Giẻ Triêng ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang mỗi khi đi nhặt ươi thấy đối tượng chặt phá cây rừng (trong đó có cả cây ươi) đều báo với cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng xử lý, vì họ biết rằng giữ cây ươi cũng là giữ sinh kế giữ cho chính họ và con cháu đời sau.


Để bảo tồn, sử dụng bền vững cây ươi, UBND huyện Phước Sơn cũng như UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản, công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý khai thác quả ươi và các loài cây lâm sản ngoài gỗ. Địa phương rà soát khu vực có cây ươi, lập danh sách người thu lượm theo từng địa phương. Các đối tượng mang cưa, rìu vào rừng khi bị phát hiện đều bị tịch thu tang vật.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ năm 2014, năm nay, ngoài việc tuyên truyền khi ươi bắt đầu vào mùa thu hoạch ở một số khu vực thì UBND huyện thành lập 3 tổ công tác tuần tra kiểm soát. Các tổ này tăng cường bám sát địa bàn, kiểm tra chặt chẽ người vào rừng thu lượm. Đến nay, tình hình quản lý trên địa bàn cơ bản đảm bảo. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm trường hợp chặt hạ, mé cành, buôn bán ươi tươi trên địa bàn”.


Theo NGUYỄN CƯỜNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…