Mùa ớt bay...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Món gia vị không thể thiếu khi chế biến thức ăn, thức chấm; được đánh giá là thực phẩm sạch vì kháng mọi sâu bệnh; phát triển tốt dù ở môi trường hoang dại hay chăm trồng; vị cay thanh dịu, hương thơm nồng. Ngon lắm, ớt bay!

Không phải vì ớt biết “bay” mà chính sự phát tán hạt nhờ loài chim biết ăn ớt như quành quạch, chào mào, khướu, nhồng… nên ớt bay được danh từ hóa. Còn có nhiều tên gọi khác dựa vào đặc điểm sinh trưởng, hương vị đặc trưng hay xuất xứ nguồn gốc mà gọi: ớt đồi, ớt rừng, ớt hiểm, ớt xiêm… Ở Tây Nguyên thì còn có thêm loại “ớt đồng bào”. Tháng tám, tháng chín, mùa ớt bay chín rộ, khắp chợ cùng quê đâu đâu cũng gặp ớt bay!

 

Cây ớt bay. Ảnh: K.N.B
Cây ớt bay. Ảnh: K.N.B

Ớt bay được xem là loài cây dại. Nó có mặt ở khắp gò hoang, bụi rậm cả nơi đất cằn khô, len mình vươn ra tìm ánh sáng mà xanh lá, đơm hoa kết trái chẳng cần chăm bón, tưới tắm; cho quả quanh năm, nhất là khi mưa nắng giao hòa. Sự hoang dại và mạnh mẽ ấy là tích tụ những gì tinh túy nhất của đất, của trời cho vị cay thanh, hương thơm nồng đượm, hấp dẫn đâu chỉ vị giác con người mà còn thu hút nhiều loài chim ăn quả chín đỏ, rồi phát tán hạt theo phân chim. Gặp nơi đất ẩm, hạt cứ thế nảy mầm, phát triển.

Ở nơi lũ lụt không ngập đến, ớt bay sống được dăm năm. Mùa khô trụi lá, trơ thân cành bạc thếch tưởng chừng như đã chết, chỉ cần qua trận mưa đầu mùa là mầm non lập tức nhú ra đều khắp, vươn mình độ non tháng đã đơm bông trắng ngần, nhụy vàng li ti, kết trái. Những vùng nhiều đồi núi, ớt bay mọc hoang dại thành rừng, là nguồn thu nhập của cư dân quanh đó. Họ rủ nhau thu hái “lộc trời” suốt nhiều tháng trong năm, trừ độ mưa dầm. Người quê thường tranh thủ buổi làm nương rẫy, chăn thả bò, chặt củi, hái rau dại cho heo hay hái rau tập tàng còn tìm hái ớt bay dùng trong bữa ăn gia đình, được nhiều còn đem ra chợ bán.

Với hương vị thơm ngon rất đặc trưng mà các loại ớt khác không thể sánh được, quả ớt bay tươi xanh đựng trong đĩa nhỏ và cả ngâm chua ngọt có mặt các quán ăn, nhà hàng lớn bé hầu khắp cả nước, thỏa mãn khẩu vị thực khách. Khi nhu cầu tăng, ớt bay thu hái tự nhiên không thể đáp ứng, nhà nông bắt đầu trồng cây ớt bay. Người ở phố thị, trong “khu vườn” rau sạch cũng có cây ớt bay, trồng đơn giản trong chậu đất, thùng xốp đều được. Được chăm trồng, ớt bay cho năng suất cao, quả to hơn, bóng lưỡng rất bắt mắt.

Ớt bay luôn có giá bán cao, chí ít là gấp đôi các loại ớt cao sản trồng theo hướng công nghiệp. Tuy thế, điểm yếu về trọng lượng/quả, lại mất nhiều thời gian thu hái, thị trường xuất khẩu chưa biết đến (lý do: lấy đâu ra nhiều để xuất khẩu), nên nhà nông cũng chỉ trồng “cầm chừng”. Nhưng trong giới hạn “cầm chừng” ấy, dù chỉ khiêm tốn nép mình bên bờ giậu đôi hàng, ớt bay thu hoạch mang ra chợ cũng quy đổi được mớ cá tươi cải thiện bữa ăn gia đình. Có những vườn cây công nghiệp như hồ tiêu, cà phê… được trồng xen ớt bay. Dưới bóng râm yếu ớt tia nắng trong ngày, hưởng nguồn dinh dưỡng vương vãi, chẳng nhiều công chăm sóc song cây ớt bay vẫn đơm hoa kết trái tạo thu nhập.

Để kích thích và cả đánh lừa vị giác, vị cay là gia vị không thể thiếu trong “tổ hợp” gia vị của dân mình, vì thế mình chọn ớt bay!

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm