Mưa mùa hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mưa cứ thế trút xuống cuốn tung những hạt đỏ bazan thành dòng chảy đỏ ngầu sóng sánh. Mưa gội rửa những hạt bụi bám trên tán lá, thân cây. Mưa cuốn bay cái nóng oi ả của ngày nắng hạn. Có đôi lúc, mưa lướt thướt rắc những giọt lã chã tựa sương đêm, ẩm và mềm!
Mưa xuống, tôi thích cái cảm giác ngồi bên hiên nhìn ra đường đếm những chiếc áo mưa xanh đỏ lướt qua. Hiển hiện trước mắt tôi là sự vui nhộn của sắc màu và những hối hả của dòng chảy cuộc sống.
Mưa gợi lại kỷ niệm của tuổi thơ với những ngày chăn trâu trên cánh đồng trải dài màu lúa. Ấy là những năm quê hương nắng hạn, nhìn cánh đồng xơ xác, hanh hao chờ mưa mà lòng không khỏi xót xa. Cây cối khát mưa. Đất khát mưa. Con người cũng khát. Rồi bất chợt một ngày cơn mưa ập đến không báo trước, tưới tắm cho cả cánh đồng một bữa nước luênh loang. Lúa vươn mình xanh trở lại, người nhẹ lòng thở ra nhìn nhau cười, quên hết mỏi mệt.
Ấy là những buổi trưa trời chang chang nắng, lúa phơi đầy sân, mưa lại bất chợt đổ xuống. Cả nhà vội vã mang lúa vào nhà, cô em út 5 tuổi cũng lon ton chạy đến đòi giúp sức mà vẫn không kịp. Ấy là những buổi tan trường tôi cùng mấy đứa bạn che cùng nhau một tấm áo mưa, chẳng đủ rộng nên đứa này kéo thì đứa kia ướt. Cuối cùng cả nhóm xúm nhau lại gói sách vở vào tấm ni lông ấy rồi đội mưa về nhà, đứa nào cũng lạnh tím môi nhưng vẫn cười đùa.
 Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Những chiều tối khi cơn mưa vừa ngớt, ba mẹ đi làm về muộn, mấy chị em chúng tôi đứng tần ngần bên hiên nhà chờ đợi. Mưa ngấm vào mái tranh, rắc rả rích từng giọt xuống nền đất thành những chiếc lỗ nhỏ như tổ con cun cút. Nhẹ nhàng đưa bàn tay ra hứng, mưa thấm vào da thịt mát lạnh. Nhen bếp nấu cơm, củi mục ngấm nước mưa cứ ì xèo không chịu bén lửa, khói nghi ngút cay xè cả mắt. Mùi khói lẫn trong mùi tranh cũ, củi mục, rơm khô… tạo thành thứ mùi nồng nồng, ngai ngái cứ vương vấn mãi đến tận bây giờ.
Mưa gợi lại kỷ niệm những ngày tôi cùng ba đẩy xe kéo lên tận một xã cách nhà gần 30 cây số để mua ngói về lợp nhà. Đó là năm 1998, khi một trận mưa kèm theo gió lốc đi qua quét trọn ngôi nhà tranh. Ba quyết định xây nhà ba gian, lợp ngói. Hồi đó xây nhà chẳng thuê thợ thầy gì, thợ chính là ba cùng thêm mấy chú bác hàng xóm đến giúp. Những việc nhỏ đã có mẹ và hai chị em. Ngày đổ móng, xây tường, tối đến lại đi chở ngói. Những ngày ấy thật vui bởi nhiều nhà trong xóm cũng đi chở ngói trong đêm về để kịp xây nhà mới, vừa đi vừa nói chuyện ríu ran cộng với sự chộn rộn, hồi hộp trong lòng vì sắp có nhà mới ở, không sợ mưa dột, gió giật. Nghĩ thế thôi mà quên cả mệt nhọc. Những viên ngói đỏ thắm được nâng niu, bảo quản rất cẩn thận, có hôm hai cha con đẩy xe ngói về đến nhà đã hơn 2 giờ sáng. Thế nên, sau này khi có viên ngói nào nứt bể phải thay, ba đều giữ lại làm kỷ niệm.
Mưa nắng Tây Nguyên đỏng đảnh như cô gái mới biết yêu, buổi sáng có khi trời mưa như trút hờn trút giận vào đất nhưng chiều về lại nắng ráo dịu dàng. Có lúc ngược lại, mưa đêm rồi sáng ra trời quang đãng. Bởi thế mà thi thoảng ai đó đến Tây Nguyên lần đầu vẫn ngỡ ngàng: “Ông trời thật lạ, cùng một đoạn đường mà bên này mưa, bên kia lại nắng”. Tôi mỉm cười vì gặp lại câu hỏi của chính mình trong lần đầu đến vùng đất này.
Với tôi, ngày có mưa nhè nhẹ là một ngày thật đẹp. Bạn hãy cứ thử tưởng tượng nhé, một chiều mưa bay bay, bạn tự pha cho mình ly cà phê hay loại thức uống gì mình thích, mở cửa sổ ngồi nhìn ra ban công ngắm mưa. Thêm cuốn sách nữa thì thật thú vị. Trong cơn mưa, ta nhận ra nên sống thật chậm để cảm nhận, để lòng lắng lại và để biết trân quý những ngày đã qua.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.