Lãng đãng Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ “lãng đãng” chắc chắn sẽ gợi cho người ta nghĩ về những khoảng sương mờ mù mịt, phiêu diêu, bồng bềnh, hư thực…
Năm nay mưa muộn, tiết trời có phần khắc nghiệt. Giữa tháng 6 mà mưa chỉ thi thoảng ghé qua, như người bạn đã bận rộn còn đãng trí. Mưa qua miền đất này mang theo tiết trời se lạnh. Khi đâu đó rực rỡ nắng hạ, vạn vật như bỏng lên dưới ánh mặt trời thì Pleiku cứ thanh thản lãng đãng gió sương. Những buổi trời mù mù, xúng xính xuýt xoa trong áo khăn, lòng người như cũng dịu hẳn xuống.
Tôi thích những buổi mai thật sớm, không khí thanh sạch, trong veo, cảnh vật như còn ngái ngủ trong sương sớm. Những sớm mai như vậy, ngồi bên vỉa hè nhỏ xinh, dưới những tán cây xanh mướt, gọi một ly cà phê thật nóng. Áp ly cà phê giữa lòng bàn tay và hít thật sâu thứ hương thơm dịu nhẹ vừa lơ lửng tan ra, quyện sánh với hương ban mai thanh khiết, như ôm vào lòng mình cả một miền đất ăm ắp nhựa sống. Thỉnh thoảng, một giọt sương từ trên vòm lá buông nhẹ xuống, đậu trên người, nghe cái lạnh se sắt loang ra. Những ngã ba, ngã tư người xe vẫn qua lại, mỗi người một việc, nhưng tuyệt nhiên không thấy vẻ huyên náo, xô bồ.
Hàng thông 2 bên đường dẫn xuống thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: INTERNET
Hàng thông 2 bên đường dẫn xuống thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: INTERNET
Một sớm nọ, cũng là một buổi mai vừa chớm và mưa lạnh sắt se, không gian lãng đãng mù sương, lãng đãng nhạc xưa, lãng đãng thơm hương cà phê ngày mới. Tự nhiên trong quán cà phê xuất hiện một người tầm trên 80 tuổi ôm guitar ngồi hát. Ông mặc vest, đầu tóc gọn ghẽ, phong thái lịch lãm, ngồi sát cửa, quay mặt ra phía mưa và hát tình khúc “Diễm xưa” trong ánh mắt vời vợi xa xăm. Giọng ông không còn rõ lời, tiếng đàn cũng bập bùng, khi thanh, khi đục lẫn trong tiếng mưa, mọi người chỉ có thể nghe được giai điệu để đoán định bài hát. Cái dáng ngồi ôm đàn của ông và lời bài hát như mang đến cho người xung quanh sự gặp gỡ một Pleiku trong tiềm thức cũ xưa, một Pleiku nồng nã bụi đỏ chiến chinh, dưới những vòm thông cổ thụ và lất phất mưa mù trên những con phố hiu hắt đèn vàng của nhiều thập niên về trước. Chúng tôi lân la hỏi chuyện, ông rất tự nhiên, kể lại những chuyện xa xưa, quãng nhớ, quãng quên, chắp nối rạc rời, nhưng chứa chan nhiệt huyết và hoài niệm. Ông thuộc lớp người đầu tiên góp mặt ở Pleiku sau giải phóng, góp phần tạo ra những nét riêng cho đất và người xứ này. Thỉnh thoảng sau đó, chúng tôi quay lại với buổi sớm mai lãng đãng như vậy, ngồi thật lặng lẽ chỉ để nghe một người không quen biết ôm guitar cất lên một bài hát, quãng nhớ, quãng quên…
Thỉnh thoảng, bạn bè tôi ghé qua Pleiku, trong lúc ngồi chờ một chuyến bay đêm và có thời gian ngắm nhìn thành phố, đã buông một lời nhận xét: Pleiku thật yên bình! Pleiku sẽ không hợp với những người năng động, không hợp với những người thích náo nhiệt, không hợp với những người sợ cô đơn. Bởi Pleiku quanh năm lãng đãng, sự lãng đãng không chỉ nằm ở khí trời, mà phần khác, nó còn luôn hiện hữu trong chính con người, những con người Pleiku thứ thiệt.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...