Mưa khuya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi sống ở Pleiku đã hơn ba mươi năm. Chừng ấy thời gian, tôi chứng kiến những mùa mưa đi qua, nhưng kỳ lạ là không mùa mưa năm nào giống năm nào. Có năm thì mưa dai dẳng, sụt sùi như con gái thất tình. Nhưng cũng có năm đợi mãi chẳng thấy mưa, rồi một vài trận mưa lớn xuất hiện cùng với cơn bão kéo dài cả tuần, sau đó lại ngưng để cơn oi bức của mùa đi qua.
Đêm qua, trời lại trở mưa. Đây không phải là mưa đầu mùa nhưng là cơn mưa có được sau nhiều ngày nắng nóng. Tôi thao thức nghe từng tiếng mưa, kéo vội tấm chăn để giữ cho hơi lạnh bên ngoài không thấm dần vào da thịt.
Nằm nghe mưa, tôi nhớ căn nhà gỗ cũ, nơi gắn bó hết khoảng trời tuổi thơ. Mỗi mùa mưa tới là tất cả thau chậu đều được trưng dụng để đựng nước mưa do nhà bị dột. Có những đêm, mưa dột ngay giường, hai chị em đang ôm nhau ngủ bỗng tỉnh giấc bởi nước mưa rơi vào người. Vào những ngày mưa tầm tã, mẹ thường nhóm lò than để hong khô quần áo, lâu lâu lại lùi củ khoai, nướng trái bắp. Lũ chúng tôi vừa ăn vừa hít hà, quần áo hong khô còn vương lại mùi khói của bếp, của khoai, của bắp, thơm nồng đến lạ.
Lũ trẻ chúng tôi rất thích được trốn ra ngoài trời tắm mưa. Con trai, con gái tuổi mới lớn chưa biết ngại ngùng, cùng nhau nô đùa, rượt đuổi thỏa thích, đứa nào cũng ướt như chuột mà vui biết bao. Về nhà, ai cũng bị la, nặng thì bị đánh đòn nhưng hôm sau lại trốn bố mẹ đi tắm mưa. Những chiếc thuyền được gấp bằng giấy vở kẻ ô ly, mang đầy những điều ước chẳng bao giờ thành hiện thực trôi theo dòng nước. Rồi chúng tôi lớn lên, mỗi người chọn cho mình một hướng đi riêng, nhưng mỗi lần gặp nhau lại nhắc nhớ đủ chuyện của ngày xưa.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Thời sinh viên, mùa mưa của Sài Gòn cũng cùng thời điểm như ở Pleiku, nhưng khác là cơn mưa chóng vánh qua nhanh, để lại những vũng nước lớn trên đường. Mỗi lần tan học, để về được đến phòng trọ, toàn thân tôi đều ướt vì phải dắt xe lội bộ qua con đường ngập nước. Có những hôm, nằm trong phòng nghe mưa mà phải bật quạt vì tiết trời vẫn nóng bức. Những lúc ấy, tôi nhớ mưa Pleiku da diết, chẳng hiểu vì sao mình nhớ mưa đến thế. Chỉ biết đó là những cơn mưa trong trẻo, giữa tiếng mưa tôi được cuộn mình trong chăn ấm để tha hồ ngủ nướng, dù có đôi lần cũng mong trời đừng mưa nữa vì sự dai dẳng của nó.
Nhớ một đêm mưa tháng 7, ba bị tai nạn trên đường đi làm về. Mấy chị em tôi đi trong mưa mà nước mắt cứ chảy, hòa vào trong mưa những lo lắng, day dứt. Rồi cũng thở phào nhẹ nhõm khi ba qua cơn nguy hiểm. Những đêm ở bệnh viện với ba, mới thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh nhường nào. Vào bệnh viện rồi mới hiểu cuộc sống của mỗi con người không có gì quý hơn sức khỏe và tình yêu thương.
Cháu trai và cháu gái của tôi cũng được sinh ra trong những ngày mưa, trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Những kỷ niệm về mưa có lẽ chẳng bao giờ kể hết, vui có, buồn có, mãi nhớ trong lòng nên mỗi mùa mưa tới, những kỷ niệm lại xếp chồng lên ngày một nhiều thêm.
Cơn mưa đêm ngày càng nặng hạt hơn, nhẩm thấy thời gian trôi thật nhanh. Tôi-đứa trẻ của hôm qua, nay đã là mẹ của những đứa trẻ, đã biết truyền hơi ấm của mình cho con, đã biết ôm ấp, dỗ dành, xua tan sự sợ hãi của con khi cơn mưa giông ập đến. Và tiếp tục để những trải nghiệm về mưa ắp đầy tiếp nối trong tuổi thơ của con trẻ.
LÊ VI THỦY

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.