Mưa gió thất thường, nông dân trồng bơ ở Tây Nguyên kêu trời vì trái rụng như sung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời tiết bất thường cùng với sâu bệnh đã khiến hàng loạt vườn bơ của nông dân rụng trái. Tình trạng này xảy ra hầu khắp các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều nông dân mất trắng cả hàng ngày cây bơ.
Bơ rụng trụi hoa, quả non
Anh Hoàng Văn Thắng (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có gần 100 cây bơ 034 đang cho thu hoạch. Hai năm trước, vườn bơ của anh Thắng vào thu bói, năng suất được gần 5 tấn.

Vườn bơ 034 của anh Hoàng Văn Thắng, (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) rụng sạch quả. Ảnh: Duy Hậu
Vườn bơ 034 của anh Hoàng Văn Thắng, (thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) rụng sạch quả. Ảnh: Duy Hậu
Thế nhưng năm ngoái, vườn bơ này chỉ thu về chừng hơn 600kg. "Năm nay, thời tiết càng bất lợi hơn, vườn bơ nhà tôi xem như mất trắng. Khả năng vụ này chỉ thu được chừng 200kg"- anh Thắng nói.
Cùng cảnh ngộ, vườn bơ của anh Lê Thanh Sang (thôn 7, xã Ea Tiêu) năm nay cũng không có quả. Ngoài bơ, 034 anh Sang còn trồng them bơ Booth. Tuy nhiên, cả hai loại bơ này đều không đậu quả.
Tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), hầu hết các vườn bơ Booth của nông dân đều rụng sạch quả. Anh Trần Minh Điệp (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cho biết: "Nếu những năm trước hơn 100 cây bơ Booth nhà tôi thu về chừng 50 tấn thì năm nay không đậu được quả nào".

Vườn bơ Booth và bơ 034 của anh Lê Thanh Sang cũng rụng hết quả và hoa. Ảnh: Duy Hậu
Vườn bơ Booth và bơ 034 của anh Lê Thanh Sang cũng rụng hết quả và hoa. Ảnh: Duy Hậu
Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ riêng vườn bơ của anh Điệp mà hầu hết các vườn bơ Booth trên địa bàn xã này đều không có quả. May mắn chỉ còn một vài cây đậu trái nhưng chỉ rải rác.
Tại Đắk Nông, các vườn bơ cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Quảng (thôn, Đức Hòa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) có 5 ha bơ Booth. Những năm trước, gia đình ông thu về hàng trăm tấn bơ. Thế nhưng năm nay, vườn bơ của ông Quảng thậm chí không có trái.
"Cả vườn bơ trơ cành nhìn mà xót xa. Bao nhiêu năm trồng bơ, đây là lần đầu tiên tôi gặp hoàn cảnh này"- ông Quảng nói.
Cơ sự là do ông trời?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này, tại Tây Nguyên có hai loại bơ ra hoa và cho quả. Đó là giống bơ 034 và bơ Booth. Tuy nhiên, vào thời điểm đang ra hoa và bắt đầu đậu quả, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện các trận mưa.

Những trái bơ hiếm hoi còn sót lại tại vườn bơ của anh Lê Thanh Sang. Ảnh: Duy Hậu.
Những trái bơ hiếm hoi còn sót lại tại vườn bơ của anh Lê Thanh Sang. Ảnh: Duy Hậu
"Mưa không lớn nhưng cây bơ bị sốc nhiệt và tích nước nên rụng sạch. Năm nay, toàn bộ người dân trong xã, ai cũng bị tình trạng này"- anh Trần Minh Điệp nói.
Anh Hoàng Văn Thắng, cũng cho biết nguyên nhân khiến vườn bơ của gia đình rụng hết quả là do mưa sớm. 
"Nếu mưa muộn hơn chừng nửa tháng nữa thì vườn bơ của tôi không bị rụng quả như hiện nay. Năm nay, thời tiết rất thất thường, thời điểm cây ra hoa thì bị gió, rụng hoa rất nhiều. Đến lúc cây bơ vừa đậu trái thì gặp mưa, rụng thêm một lần nữa"- anh Thắng nói.
"Những cành cây nằm khuất gió thì còn đậu rải rác vài quả còn những cành nằm ngay hướng gió thì hoa, trái rụng trơ cành. Ngoài mưa và gió thất thường, một nguyên nhân khác khiến cây bơ rụng trái đó là sâu bệnh. Năm nay, nông dân trồng bơ xem như trắng tay"- anh Sang cho biết.
Bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea K'Tur, huyện Cư Kuin, cũng cho rằng, do thời tiết bất lợi nên hầu hết các vườn bơ của nông dân đều không đậu quả.
"Tôi thấy cây bơ năm nay sản lượng rất là kém. Cả bơ 034 cho đến bơ Booth đề không có quả. Một cây chỉ được vài ba quả đến trên chục quả thôi. Nguyên nhân là khi bơ ra hoa thì gặp mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả rất là thấp. Nhiều nhà vườn nói sẽ chặt bỏ bơ để trồng loại cây khác"- bà Huyền nói.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk hiện toàn tỉnh có hơn 9.000 ha bơ các loại với sản lượng hơn 82.000 mỗi năm. Thế nhưng năm nay, thời tiết không thuận lợi đã làm cho các nhà vườn thất thu.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo để khắc phục tình trạng trên, nông dân nên có các biện pháp phủ gốc, che chắn để giảm thiểu tình trạng dư thừa nước, giúp cây có đủ thời gian khô hạn, phân hóa mầm hoa. Ngoài ra, bà con cần bón phân cân đối, không bón vào thời điểm cây đang ra hoa. Khi cây đã đậu trái thì bón đủ các chất cần thiết để tăng tỷ lệ giữ trái.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm