Mùa bắt ốc đồng ở Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặt trời đã đứng bóng nhưng bà H’Nhơ (85 tuổi, làng Wet, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh,tỉnh Gia Lai) vẫn còn ngâm mình dưới đám ruộng ven hồ Ia Nâm để bắt ốc. Bà bảo rằng, ban trưa, trời nắng ấm là thời điểm ốc thường ra khỏi bùn đất nên dễ bắt hơn.
Bà H’Nhơ chỉ có 1 sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Bởi vậy, dù đã 85 tuổi nhưng bà vẫn tranh thủ đi làm thuê để kiếm sống. Riêng những ngày này, làng Wet chuẩn bị đất để trồng lúa, ốc lộ ra dễ bắt nên bà tranh thủ bắt bán kiếm thêm tiền. 8 giờ sáng, bà đã ra khỏi nhà đem theo chiếc rá và vài cái túi ni lông cùng nắm cơm trắng. Cứ thế, bà ngâm mình dưới đám ruộng ven hồ cho tới quá trưa thì nghỉ, đưa ốc đi bán rồi trở lại ruộng tiếp tục bắt ốc cho tới 3 giờ chiều. Thành quả mỗi ngày của bà là 8-10 kg ốc các loại, bán với giá 6-10 ngàn đồng/kg.
Bà H'nhơ tranh thủ bắt ốc cả ban trưa để bán kiếm thu nhập. Ảnh: Hồng Thương
Bà H'Nhơ tranh thủ bắt ốc ban trưa để bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Hồng Thương
Không riêng gì bà H’Nhơ, những ngày này, hầu hết phụ nữ của làng Wet đều tranh thủ lúc đang chuẩn bị đất gieo sạ để bắt ốc. Đến thăm cánh đồng của làng rất dễ bắt gặp hình ảnh những bà, mẹ và các em nhỏ đang cắm cúi bắt ốc. Trên thửa ruộng của mình, bà Chái (làng Wet) đang lần mò bắt từng con ốc rồi phân loại ngay để bán. Trung bình mỗi ngày, bà bắt được 15-20 kg ốc, bán được 100-150 ngàn đồng. “Năm nào tới mùa này mình cũng dành khoảng 10-20 ngày đi bắt ốc trước khi làng gieo sạ xong. Nhờ bắt ốc, nhà mình có cái để cải thiện bữa ăn và có thêm nguồn thu đáng kể. Mỗi đợt như vậy, mình kiếm được 1,5-2 triệu đồng. Số tiền này mình dành dụm mua phân bón cho 6 sào lúa”-bà Chái nói.
Ở một bên vệ đường làng, chị Chanh (làng Wet) đang tranh thủ bán ốc cho khách qua đường. Chị kể, chị thường tranh thủ bắt ốc ban đêm còn ban ngày thu mua ốc của bà con trong làng rồi bán để kiếm thêm thu nhập. Cứ tới 8 giờ mỗi tối, chị cột chiếc đèn pin lên đầu rồi xách chiếc xô cũ kỹ ra đồng bắt ốc cho tới gần 12 giờ đêm mới về. Mỗi tối như vậy, chị bắt được 5-6 kg ốc các loại.
Chị Chanh (bìa phải) tranh thủ bắt ốc ban đêm, còn ban ngày thu mua ốc của người dân để bán. Ảnh: Hồng Thương
Chị Chanh (bìa phải) tranh thủ đi bắt ốc ban đêm, còn ban ngày thu mua ốc của người dân để bán. Ảnh: Hồng Thương
Cũng theo chị Chanh, nhờ có nguồn ốc dồi dào này, người dân trong làng cải thiện được bữa ăn. Riêng những hộ dân không bắt được ốc, đã thành thói quen, cứ tới mùa này, họ lại tìm tới nhà chị hoặc vị trí chị đặt lán để mua ốc. Khách hàng là những người từ phố vào xã công tác mỗi lần đi qua nơi chị bán ốc cũng mua mỗi người một ít. Vì vậy, hôm nào chị cũng bán hết ốc thu mua của bà con ngay trong ngày, trong đó, ốc gạo được nhiều người lựa chọn mua. “Trung bình mỗi ngày, tôi lãi 150-200 ngàn đồng từ việc mua bán ốc, cộng với tiền bán ốc bắt được từ đêm hôm trước, tôi thu 200-250 ngàn đồng”-chị Chanh nói.
Ông Đinh Văn Thủy-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya-cho hay, cánh đồng lúa của các hộ dân làng Wet và một số thôn, làng lân cận của xã nằm bên cạnh lòng hồ Ia Nâm trũng thấp nên hay ngập nước gây khó khăn cho việc canh tác lúa nước. Dù vậy, đây lại là điều kiện tốt để người dân cải thiện thu nhập từ việc đánh bắt cá, ốc tại ruộng và lòng hồ để bán. Hầu như năm nào cũng vậy, cứ tới tháng 2, nước ở hồ Ia Nâm rút cạn, bà con chuẩn bị đất để gieo sạ lúa xung quanh hồ nên đã tranh thủ bắt thêm ốc để bán. Trong đó, tham gia bắt ốc nhiều nhất là các hộ ở làng Wet, thôn Đoàn Kết và Ngô Sơn. Thời gian bắt ốc kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 Dương lịch hàng năm. Hoạt động này đã góp phần giúp người dân có thêm nguồn thu đáng kể để cải thiện cuộc sống, đồng thời hạn chế việc sinh sôi của một số loại ốc phá hoại lúa.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

Những mái ấm ở vùng khó

Những mái ấm ở vùng khó

(GLO)- Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Những ngôi nhà mới không chỉ góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

null