Mùa "ăn ong"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Độ này, nhiều người Ba Na ở làng xa của các huyện Đăk Pơ, Kon Chro, Kbang (Gia Lai) kéo nhau vào rừng sâu theo cánh ong rừng đang mùa làm mật. .
 
Đốt đuốc tạo khói xua đàn ong khi lấy mật; Anh Đinh Điếp (ở H.Kon Chro) được lộc rừng (ảnh nhỏ). ẢNH: TRẦN HIẾU
Rừng thẳm, núi hiểm cùng bao hiểm nguy rình rập và phần thưởng cho dân “ăn ong” là những tổ ong ngọt hương núi rừng.
Mùa đã vãn. Lúa đã chất vào nhà chòi. Công việc cũng ngơi. Người Ba Na vốn dĩ đã có sẵn trong mình nghệ sĩ tính lại lang thang trong rừng sâu. Chỉ cần cái ná, ít đồ ăn, chai nước, vậy là đủ để vào rừng cả ngày. Cùng với những đôi chân trần, bản tính muốn khám phá rừng núi thâm u, từ bao đời nay, họ còn cái thú vào rừng lấy mật ong. Nay, việc “ăn ong” còn mang cả lợi ích kinh tế!
Vào rừng sâu “ăn ong”
Hẹn hò mãi chúng tôi mới được Đinh Điếp, một thanh niên 30 tuổi ở xã Sơ Ró, H.Kon Chro, đồng ý cho theo vào rừng “ăn ong”. Trời còn tối, nhìn chưa rõ bàn tay, Điếp đã gọi mọi người dậy ăn sáng để kịp vào rừng. Hôm ấy, nhóm của chúng tôi có 4 người. Từ nhà của Điếp, cả nhóm phải vượt hơn 30 km đến vùng rừng sâu của xã Đăk Pling, H.Kon Chro tìm ong. Từ bìa rừng, cả nhóm bỏ xe máy lại rồi tìm đến một con suối. “Ong thường đến đây uống nước rồi bay về tổ. Cứ theo dấu ong bay mà tìm. Hễ ong bay lên cao rồi bay vòng vòng phía trên chứng tỏ quanh đây có tổ. Còn bay đi xa, muốn tìm cũng mệt đấy. Nói chung, thợ săn ong từ bao đời nay có những mánh lới của mình để tìm đến tổ ong”, Điếp nói.
Rất may, cả nhóm sau hơn một giờ băng rừng đã tìm được một tổ ong treo lơ lửng trên một cây cao hơn 20 m. Ước cả ngàn con ong lơ lửng trên cây cao. Ong ruồi! Điếp reo mừng. Sở dĩ vậy là do giá mật ong ruồi được bán với giá khá cao, lên đến 500.000 - 600.000 đồng/lít. Thoăn thoắt, Điếp nhặt những cây nhỏ bó thành bó, lấy lá cây tươi bọc kín bên ngoài. Sau đó, Điếp lấy vài cục phân bò khô chuẩn bị sẵn, bật lửa đốt lên rồi nhét vào bó cây, huơ huơ tròn cho bén lửa.
Mặt đeo một mảnh vải mùng để tránh ong đốt vào mặt; đoạn Điếp cầm bó cây leo thoăn thoắt lên cây cao chỗ có tổ ong. Bầy ong ngửi thấy khói bay túa ra. Rất nhanh, Điếp dùng cây liềm cắt tổ ong bỏ vào túi lưới rồi nhanh chóng tụt xuống. Nói là vậy song để lấy được tổ ong trên cây cao quả là trần ai. Nếu không có sức khỏe, kinh nghiệm thì có lẽ là chỉ nhìn tổ ong và... vô vọng!
Dân Ba Na “ăn ong” thường lấy phần tổ ong có mật, để lại phần cuống tổ và phần ong non để ong có thể trở lại, mùa sau còn lấy tiếp. Xong việc, Điếp cầm dao khắc vài ký tự lên thân cây, ngầm nhắn lại cho những người đi sau là tổ ong này đã có chủ. Hễ cùng dân ăn ong Ba Na với nhau, khắc biết! Cả ngày lang thang tìm kiếm, nhóm của Điếp tìm thêm hai tổ ong khoái nữa nhưng không có mật. Trời sẩm tối, cả nhóm đành quay về. Phần thưởng cho ngày “ăn ong” là hơn 5 lít mật ong ruồi!
“Mùa con ong đi lấy mật”
Vùng đông Trường Sơn là nơi có độ che phủ lớn, trong rừng có nhiều khe suối, sông Ba chảy qua nên thuận lợi nhiều thứ. Thực tế đó kéo theo cả những sản vật rừng khá phong phú, như các loại nấm lim xanh, cổ cò, linh chi... và trong đó, không thể thiếu mật ong rừng.
Hệ thống những thác nước hùng vĩ ở H.Kbang như K50, Ba Tầng... luôn ăm ắp nước vào mùa khô là điều kiện lý tưởng để hàng ngàn bầy ong tìm đến làm tổ. Đinh Văn Đại ở xã Sơn Lang năm nay 25 tuổi thì có gần 15 năm vào rừng “ăn ong”. Từ nhỏ, Đại đã theo người lớn vào rừng. Chỉ cần nhìn ong bay vài vòng sau khi chúng xuống suối uống nước là Đại đã biết tổ ong ở xa hay gần. Đại cho biết mùa mật này đã kiếm được kha khá.
 
Tổ ong luôn nằm khá cao, thách thức bất cứ dân “ăn ong” nào
Dỡ can mật ong khoảng hơn 10 lít từ trên xe xuống, Đại rót ra một ly nhỏ, quảng cáo: “Mật ong vùng này được nhiều người tìm mua vì chất lượng tốt. Ở đâu em không biết chứ thanh niên các làng ở xã Sơn Lang chịu khó lắm. Hết làm rẫy, làm vườn lại vào rừng lấy nấm, tìm mật ong...”.
Khu vực thác Ba Tầng, một thắng cảnh nổi tiếng ở H.Kbang mùa này cũng thu hút dân “ăn ong”. Nhiều bầy ong chọn những cánh rừng già, thác nước cuồn cuộn quanh năm làm tổ. Ở đây rừng già với những tàng cây dày ken kín phía trên. Thi thoảng mới có những tia nắng hiếm hoi hắt xuống. Phía dưới cây cối chằng chịt. Những con dốc trơn trượt. Đại dẫn chúng tôi vào rừng và luôn nhắc mọi người cẩn thận kẻo ngã và đề phòng rắn, bọ cạp, vắt. Từ trung tâm xã Sơn Lang vào thác Ba Tầng thuộc xã Đăk Rong phải mất gần 40 km. Đến một tổ ong đã phát hiện từ hơn tháng trước, Đại nói: “Em đã đánh dấu rồi. Giờ anh xem, phía gốc tổ ong đã phình to, chứng tỏ có nhiều mật”.
Chỉ chưa đến 30 phút, với những động tác thành thạo, Đại đã lấy được tổ ong từ độ cao gần 40 m so với mặt đất. Tổ ong khoái này khá nhỏ, chỉ được trên dưới 3 lít mật. Trước đó, Đại dặn chúng tôi là hễ bị ong tấn công thì ngụp luôn người xuống suối kẻo bị ong đốt. Đã từng có dân “ăn ong” bị ong đốt sốc phản vệ phải nhập viện.
Dọc đường, chúng tôi gặp vài nhóm người Ba Na cũng vào rừng “ăn ong”.
Lộc yàng
Thanh niên các làng vùng đông Trường Sơn hầu hết đều biết vào rừng “ăn ong”. Người ít thì vài năm, người nhiều cũng vài chục năm “ăn ong”. Ông Đinh Vêu, năm nay đã hơn 70 tuổi, ở xã Đăk Roong, H.Kbang, kể: “Ngày trước tổ ong còn nhiều. Mình nhớ có khi gặp tổ ong to như cái thuyền nhỏ, lấy được cả vài chục lít. Mật ong lấy về đổi cho người Kinh ở mạn đồng bằng lấy muối, cá... Giờ thì khỏi lo, đám trẻ lấy mật về là có người ở cửa rừng đón mua. Thích thì đem về nhà, bán được giá hơn. Lộc Yàng (trời) mà!”.
 
Việc trèo lên cao 40 - 50 m là chuyện thường với dân “ăn ong”
Mỗi làng đều có những thanh niên hợp cạ với nhau, cứ mỗi nhóm từ 3 - 5 người, đến mùa là vào rừng tìm tổ ong. Mật ong tìm về bán chia đều cho mọi người, không kể ai làm nhiệm vụ gì trong khi lấy mật. Rất sòng phẳng, công bằng! Trung bình mỗi nhóm, cứ đến mùa “ăn ong” cũng kiếm được kha khá, ít thì vài chục lít, nhiều lên cả hàng trăm lít mật ong. Vì đây là lâm sản phụ, người bản địa khai thác từ bao đời nay và không xâm hại cây rừng nên lực lượng chức năng cũng du di cho người dân, ít có cấm đoán. Miễn là họ không có những hành động gây ảnh hưởng đến rừng.
Ông Vêu nói, nếu tìm được cây rừng có nhiều tổ ong, mọi người sẽ phải làm lễ tạ ơn, cảm ơn Thần rừng đã ban lộc. Lễ vật đơn giản, chỉ là con gà nhưng đó là cả ý thức tâm linh, thành kính.
Tuân thủ luật bất thành văn
 
Anh Đinh Xuân (ở H.Kbang) với chiến lợi phẩm

“Thanh niên Ba Na vùng này tuân thủ nhiều điều cấm kỵ khi lấy mật rừng mà cha ông truyền lại. Họ tuyệt đối không được cắt hết cả tổ ong có con non, chỉ được cắt phần sáp có mật; không được chỉ tay vào tổ ong rồi đoán nhiều hay ít mật; không bôi mật ong vào thịt gà để nướng; không đóng đinh vào thân cây để trèo lên vì chỉ một thời gian cây sẽ chết khô. Người ta quan niệm nếu vi phạm một trong các điều cấm kỵ trên thì sẽ khó tìm tổ ong hay nặng hơn là gặp họa như ong đốt nặng hoặc ngã khi trèo lấy mật”, anh Đinh Xuân, một người Ba Na có thâm niên “ăn ong” nói.

Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…