Một thời cưới… nợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng đã ngót hai chục năm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ lệ tục lần đầu được thấy trong đời ấy…
Sống với nhau 18 mùa rẫy, đã có 7 con, bấy giờ vợ chồng anh chị Kpă Pai-H'Puông (buôn Chư Te, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) mới làm đám cưới. Một dãy hơn 50 chiếc ghè nối nhau từ đầu đến cuối nhà sóng sánh rượu; làm thịt 2 con bò, chưa kể heo, gà. Cả làng đến dự không sót một ai. Căn nhà dài chật cứng nên phải dồn khách xuống dưới sân. Không gian sực nức mùi rượu, ồn ào, đông vui. Anh Pai cuống quýt đầu nhà cuối sân, lúc bổ sung thức nhắm cho nhóm này, nhóm kia, lúc phát quà cho họ hàng. Quà ở đây là quần áo, truyền thống có, bình thường có. Hơn 60 người được nhận quà nhưng hình như vẫn có sự thắc mắc, bởi tôi thấy thỉnh thoảng Pai lại cau mặt, làu bàu điều gì vẻ bực bội.
 Phục dựng một lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: internet
Phục dựng một lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: internet
Mãi đến lúc lên đèn, khách khứa đã ngơi, tôi mới kéo được “chú rể” ra để hỏi chuyện. Ngập ngừng một thoáng, anh Pai kể: Hồi “bắt” anh về làm chồng, nhà H'Puông nghèo lắm, vì trước đó phải chia của cho các chị gái hết rồi. Vậy nên chỉ có con gà với ghè rượu là về ở với nhau. Tục lệ người Jrai vùng này cho phép ai nghèo thì chỉ cần đơn giản thế. Tuy nhiên, không có nghĩa như vậy là xong. Mọi lễ nghi của một đám cưới đích thực được họ hàng cho nợ lại. Không quy định thời gian bao lâu, hễ khi nào vợ chồng đủ điều kiện thì phải tổ chức cưới lại. Đám cưới trả nợ đó, người ta gọi là “Pô knô”.
Thoạt nhìn bề ngoài, đám cưới của người Jrai vùng này có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế thì lại không giản đơn chút nào, nếu không muốn nói là gánh nặng. Theo lệ tục, nhà gái phải biếu mỗi người bên họ nhà chồng một bộ váy, khố, áo truyền thống; rồi những ai cùng họ với chú rể trong làng, nhà gái cũng phải có quà tặng. Nếu nhà trai họ hàng đông đúc, có khi phải hàng chục bộ mới đủ… Tiếp theo, lễ vật bất di bất dịch của nhà gái phải là 2 con bò. Một con dành cho mẹ chồng, một con để đốt mời họ hàng. Ngoài quà tặng, lễ vật, nhà gái lại phải lo toàn bộ đồ ăn, thức uống trong suốt 2 ngày diễn ra đám cưới. Cũng phải hàng chục ghè rượu, hàng chục cân thịt bò, heo, gà mới đủ. Nếu thất thố có thể dẫn đến cãi vã, thậm chí là hủy đám cưới. Trong khi đó thì đóng góp vào sự vất vả, tốn kém này, nhà trai chỉ mất một con heo nhỏ, gọi là “đốt tiễn con trai” (về nhà vợ vĩnh viễn)!
Có thể có người nghĩ rằng, khi cặp trai gái đã chung sống với nhau, hơn nữa lại chung sống một thời gian dài, họ có thể “lờ” đi gánh nợ Pô knô. Nhưng khi tìm hiểu thì tôi được biết, không đơn giản vậy. Cặp vợ chồng nào không tổ chức Pô knô sẽ bị họ hàng khinh rẻ, xa lánh. Hơn thế, nếu con gái chưa trả được nợ cưới, cha mẹ muốn làm lễ mừng thọ sẽ không được “đốt” bò. Những đứa em kế tiếp nếu bắt vợ, bắt chồng cũng không được làm lễ cưới. Trong thời gian còn nợ... cưới, giả sử cô dâu chết thì còn rầy rà to: Họ nhà trai sẽ làm khó dễ không cho tổ chức đám ma. Còn nếu chú rể chết thì nhà gái không được bỏ mả, cô dâu không được đi bắt chồng... Tuy nhiên, không mấy ai phải đợi đến thế. Đám cưới là danh dự của mỗi dòng họ, mỗi gia đình, dù khó đến đâu thì cũng cố lo cho bằng được. Thế nên, những gia đình có nhiều con gái, mẹ cha làm lụng cực nhọc cả một đời, rốt lại chỉ để cho con một căn nhà trống rỗng. “Lo xong đám cưới, vợ chồng mình như cởi được hòn đá đang đeo. Cha mẹ thì già rồi, nghĩ thương ông bà với lũ em nên vợ chồng động viên nhau cố làm, cố dành dụm. Để có gần 20 triệu đồng cho đám cưới trả nợ này, vợ chồng mình phải khổ cực suốt 17 mùa rẫy đấy”-anh Pai bùi ngùi kể.
Theo dòng thời gian, cuộc sống nay đã thay đổi, Pô knô có chăng chỉ còn tồn tại ở lớp người từ 40 tuổi trở lên. Thực ra, Pô knô là một tục lệ mang tính nhân văn giúp những gia đình nghèo, gia đình nhiều con gái có điều kiện chu toàn hạnh phúc cho con nếu ta thoạt nhìn nó ở mặt hình thức. Tuy nhiên, trên thực tế, do đòi hỏi mang tính chủ quan của từng buôn, từng dòng họ, lệ tục này vô tình đã trở thành gánh nợ chung thân. Chính vậy mà bấy giờ đã có người lợi dụng lệ tục để chống lại lệ tục. Và thật ra, cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều, nếu đám cưới lại chỉ là để… trả nợ!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.