Một cô giáo nợ hàng chục tỉ đồng, không trả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều người đã làm đơn tố cáo vợ chồng 1 cô giáo khi nợ hàng chục tỉ đồng, không có khả năng trả.
Ngày 12-5, một lãnh đạo Công an huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết cơ quan công an đang tiến hành xác minh đơn của nhiều người dân tố cáo vợ chồng bà Nguyễn Thị Lệ Nga (SN 1974, giáo viên Trường tiểu học Ea Khăl, huyện Ea H’leo) và ông Nguyễn Năng Cương (SN 1972, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Ktây - xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
 
Ông Dư Văn Ngọc, một người bị nợ tiền bức xúc. Ảnh: Cao Nguyên
Theo cơ quan công an, từ ngày 26-3 đến ngày 22-4, Đội CSĐTTP về kinh tế, ma túy (Công an huyện Ea H’leo) tiếp nhận 4 đơn của người dân trên địa bàn huyện Ea H’leo tố cáo vợ chồng bà Nga và ông Cương có hành vi vay mượn tiền và không có khả năng trả nợ.
Cụ thể, vợ chồng bà Nga bị tố nợ bà Huỳnh Thị Thu Thủy (SN 1963, ngụ thị trấn Ea Đrăng) 1,15 tỉ đồng và 40 tấn cà phê nhân; nợ bà Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1977, ngụ thị trấn Ea Đrăng) số tiền 1 tỉ đồng; nợ bà Nguyễn Thị Cảnh (SN 1977, ngụ xã Ea Khăl) 19,765 tỉ đồng; nợ bà Đặng Thị The (ngụ thị trấn Ea Đrăng) số tiền 223 triệu đồng. Tổng cộng số tiền và tài sản bị nợ theo đơn tố cáo là hơn 22 tỉ đồng và 40 tấn cà phê nhân.
Ông Dư Văn Ngọc (ngụ thị trấn Ea Đrăng) cho biết tháng 8-2017, trong lúc ông đi làm xa thì bà Nga hỏi vay tiền của vợ ông là bà Vũ Thị Dừa (dạy cùng trường với bà Nga). Bà Nga nói tiền để đó không làm gì, cho bà vay kiếm thêm đồng tiền lãi. Do đó, vợ ông Ngọc đã cho bà Nga vay 550 triệu đồng và thỏa thuận đến tháng 8-2018 sẽ trả đủ. Tuy nhiên, đến hẹn gia đình ông đã nhiều lần tìm gặp vợ chồng bà Nga nhưng đến nay vẫn chưa lấy được đồng nào.
Theo ông Ngọc, số tiền trên là mồ hôi, công sức bao nhiêu năm xa nhà làm ăn tích góp được. "Vợ chồng bà Nga đều là nhà giáo, không buôn bán, kinh doanh gì nên không có chuyện làm ăn thua lỗ, nợ nần mà chủ tâm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" - ông Ngọc quả quyết.
Trong khi đó, làm việc với cơ quan điều tra, bà Nga cho rằng từ năm 2012 đến nay, bà kinh doanh trong lĩnh vực nông sản và buôn bán tạp hóa. Quá trình kinh doanh, bà có vay tiền của các hộ dân để đầu tư nhưng do quá trình làm ăn thua lỗ nên bà không có khả năng thanh toán số tiền đã vay.
Theo một nguồn tin, ngoài số tiền vay mượn của những người trên, gia đình bà Nga còn vay mượn của nhiều người với số tiền rất lớn. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân là cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục nên chưa làm đơn tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và vẫn còn tâm lý sẽ được trả nợ.
Theo lãnh đạo Công an huyện Ea H’leo, sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh rồi chuyển những đơn tố cáo này lên Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk. Gia đình bà Nga hiện còn một số tài sản nhưng đã thế chấp ngân hàng hoặc sang nhượng cho chủ nợ. "Chúng tôi cũng nghe thông tin gia đình bà Nga đang nợ số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó có những người là cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, đến nay cơ quan công an huyện chỉ mới tiếp nhận 4 đơn tố cáo nói trên" - vị lãnh đạo công an huyện này nói
Gây hệ lụy lớn đối với ngành giáo dục

Ông Đoàn Tử Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, cho rằng nhận thấy vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến đội ngũ thầy cô giáo, gây ra hệ lụy lớn đối với ngành giáo dục nên UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo cơ quan công an và ngành giáo dục vào cuộc điều tra và sớm ổn định tình hình. "Thông tin dư luận cho rằng nhiều cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục là nạn nhân nhưng quá trình xác minh thì những người này không dám tố cáo, gây khó khăn cho công tác điều tra" - ông Minh cho biết thêm.

Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.