Mong thêm những tín hiệu tích cực

Cuộc chiến chống Covid-19 ở điểm nóng TP.HCM cho thấy cần phải chuẩn bị thêm nhiều thứ nữa, phải tích cực làm thêm nhiều việc nữa, và phải can đảm thay đổi nhiều quyết sách nữa mới có thể nhìn thấy lối ra.

Gần như các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế phía nam đều dính “trọng thương” vì đợt lây nhiễm Covid-19 lần này. Các tác động xấu đến nền kinh tế và đến nỗ lực ngăn chặn lây nhiễm dịch sẽ tạo hiệu ứng domino rất khó lường. Quá tải trong tổ chức cách ly tập trung, lực lượng y tế bị phân tán và kiệt sức, lực lượng kiểm soát dịch ở cấp cơ sở không kham nổi nhiệm vụ, chuỗi cung ứng hàng thiết yếu cho người dân tăng vọt giá và vượt xa sức chịu đựng của rất nhiều người nghèo vốn đã bị bào mòn sau một thời gian dài chịu đựng dịch bệnh. Lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng cũng nên nhìn vào những tín hiệu tích cực. Cộng đồng chúng ta vẫn luôn giữ được truyền thống nương tựa vào nhau, phát huy tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng đồng cam cộng khổ để giúp nhau, giúp chính quyền ứng phó với dịch bệnh. Chúng ta vẫn còn nguyên đó những tấm lòng thiện nguyện, những hành động xả thân vì cộng đồng của rất nhiều người sẵn sàng tương trợ đồng bào. Chúng ta không thiếu tình nguyện viên dấn thân đóng góp cho cuộc chiến chống dịch. Lực lượng y bác sĩ các tỉnh sẵn sàng lên đường hỗ trợ tâm dịch TP.HCM. Hàng nghìn sinh viên tình nguyện các trường y đã làm việc không biết mệt mỏi để chống dịch. Trung tâm cấp cứu 115 vừa thông báo tuyển tình nguyện viên hỗ trợ chạy xe cứu thương thì không lâu sau đã phải xin không nhận thêm người đăng ký vì quá nhiều. Nhiều đội nhóm thiện nguyện xã hội vẫn không ngừng tổ chức các điểm cung ứng hỗ trợ người nghèo trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội.

Trong hai ngày qua, hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna và AstraZeneca đã về đến Việt Nam, hỗ trợ cấp bách cho cuộc chiến chống dịch của TP.HCM và các địa phương. Từ nay đến cuối tháng sẽ có thêm hàng triệu liều nữa. Chính phủ cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc với mục tiêu đến đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Hoàn cảnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến các địa phương và người dân lâm vào tình cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là người nghèo, các đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương trước các biến động xã hội. Tránh sao được tâm lý hoang mang, lo lắng bao trùm xã hội. Những tín hiệu vui ấy sẽ giúp giữ năng lượng tích cực của sự tin tưởng lạc quan, giúp tinh thần thêm vững vàng trong cuộc chiến khó khăn này.

Và, xin hãy đem về thêm cho nhau những tín hiệu tích cực trong những ngày khó khăn sắp tới! Chính phủ phải mạnh tay loại bỏ bất kỳ ai, bất kỳ điều gì đang tạo rào cản hành chính làm cản trở phương án tiếp cận vắc xin để có thể đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin cho 70% dân số. Ngành y tế cần tập trung năng lực vào điều trị tuyến cuối, trao lại cho người dân quyền được chăm sóc y tế tại nhà trong trường hợp không có triệu chứng bệnh nặng. Và người dân, xin hãy luôn luôn và luôn luôn, tuân thủ 5K để bảo vệ chính mình, và để có thể “sống chung” với Covid-19 trong bối cảnh này.

Theo Nguyệt Huỳnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Sức mạnh của lòng bao dung và vị tha

Sức mạnh của lòng bao dung và vị tha

Thỉnh thoảng, ở trong nhà hay đi ra ngoài, bạn sẽ được nghe những câu nói quen thuộc: "Anh rửa bát hộ em!", "Anh cắm cơm hộ em!", "Anh đón con hộ em!"… Cái chữ "hộ em" (hay theo phương ngữ trong Nam là "giùm em") vô cùng phổ biến và thường được phát ra một cách vô thức ấy, đôi khi được cho là biểu hiện ngầm của sự mất bình đẳng giới.
Phụ nữ hiện đại biết cách để cuộc sống tốt đẹp hơn

Phụ nữ hiện đại biết cách để cuộc sống tốt đẹp hơn

(GLO)- Khác với mẫu phụ nữ truyền thống lấy “công, dung, ngôn, hạnh” làm đầu, người phụ nữ thời hiện đại đã độc lập, tự tin vào tài năng, trí tuệ của bản thân mình hơn. Họ có bản lĩnh gây dựng sự nghiệp, theo đuổi những ước mơ của đời mình, dù ở khuôn khổ trong một gia đình hay vươn cao, xa hơn nữa khi tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức của mình cho đất nước.
“Cái răng khôn” 4.617 tỉ đồng

“Cái răng khôn” 4.617 tỉ đồng

Ví Quỹ bình ổn như "khúc ruột thừa" hay "cái răng khôn" là từ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách. Trên báo Thanh Niên, ngày hôm qua, Tiến sĩ Việt nói: Có thể ban đầu nó có vai trò nhất định, nhưng đến lúc nào đó nó bị bỏ lại, hay nói đúng hơn là một bộ phận “thừa thãi” trong cơ thể đã phát triển mà nhiều khi để nó tồn tại, lại gây đại họa cho sức khỏe con người”.
Khẳng định vị thế phụ nữ

Khẳng định vị thế phụ nữ

(GLO)- Năm 2021 và 2022, lần lượt 2 nông dân của Gia Lai đều vào Top 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh tại một buổi lễ được tổ chức trang trọng ở Thủ đô Hà Nội. Đó là chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) và chị Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang).
Thích ứng chính sách

Thích ứng chính sách

Các nhà quan sát kinh tế đang đánh giá kỹ lưỡng những tác động từ việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu theo Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS). BEPS có sự tham gia của 141 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.