(GLO)- Cả trăm hộ dân thuộc các thôn: Cao Lạng, Đồng Tiến, Pắc Bó của xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đang chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ sở hữu, canh tác từ năm 2009 đến nay. Hàng trăm nỗi cơ cực bủa vây người nông dân xuất phát từ sự chưa được thừa nhận này.
Người dân thôn Cao Lạng đang thu hoạch mì. Ảnh: Lê Hòa |
Tháng 9-2009, các thôn: Cao Lạng, Đồng Tiến và Pắc Bó được thành lập. Đây là các thôn phần lớn do người dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào làm ăn sinh sống và lập nên. Tuy được công nhận là đơn vị hành chính, song hàng trăm hộ dân sinh sống tại các thôn này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền trên đất.
Anh Đinh Minh Hoàng (trú tại thôn Cao Lạng) cho biết: Năm 2002, anh di cư từ Bắc vào đây lập nghiệp. Gia đình anh sở hữu một mảnh vườn có nhà trên đất diện tích 400 m2, ngoài ra còn 7 sào ruộng và 1 ha đất rẫy trồng mì, tất cả đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). “Năm 2009, sau khi có quyết định thành lập thôn Cao Lạng, chúng tôi phấn khởi lắm vì thấy có đoàn cán bộ về thôn đo đạc hiện trạng đất của từng hộ dân, nhưng từ đó đến nay, cả thôn chúng tôi vẫn chưa có hộ nào được cấp bìa đỏ. Đợi lâu quá, chúng tôi lên xã hỏi thì được cán bộ xã giải thích là do phần đất thuộc diện đất lâm nghiệp nên không được cấp bìa đỏ”.
Tương tự, hộ anh Hoàng Văn Lợi (trú cùng thôn Cao Lạng) cũng chưa được cấp bìa đỏ dù sở hữu tới trên 4 ha đất do anh mua lại từ năm 2002 khi rời quê vào đây lập nghiệp. “Đất đai, nhà cửa không được cấp bìa đỏ, chúng tôi phải xoay xở vất vả lắm mới có vốn làm ăn”-anh Lợi than phiền.
Theo chia sẻ của anh Hoàng và anh Lợi, vì không có bìa đỏ để có căn cứ xác định quyền sở hữu hợp pháp về tài sản nên bao năm qua, mỗi khi đến mùa, bà con ở đây cần vốn đầu tư lại phải vay mượn bên ngoài hoặc mua chịu vật tư, phân bón của các đại lý để sản xuất với lãi suất “cắt cổ”. “Không có vốn đầu tư nên từ năm 2014 trở về trước, mình cứ phải đi mua chịu phân bón, thuốc… của đại lý về để đầu tư, lãi suất tính 5%/tháng. Có lần con đau ốm, cần tiền gấp đi chữa trị, mình phải “vay nóng” bên ngoài với mức lãi 8-10%/tháng. Riêng năm rồi, mình phải vay lãi ngoài 70 triệu đồng lấy tiền đầu tư, mức lãi suất là 3%/tháng. Tính ra, mỗi tháng mất 2,1 triệu đồng tiền lãi. Ở đây, hầu như ai cũng phải xoay xở như thế, đến mùa thu hoạch thì trả nợ. Vậy nên lời lãi sau mỗi mùa còn lại chẳng là bao, chỉ làm giàu cho đại lý thôi”-anh Hoàng cho biết. Chưa kể, vì chưa có sổ bìa đỏ nên các hộ dân trong thôn Cao Lạng chưa đủ điều kiện để làm hợp đồng mua bán điện. Để có nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 219 hộ dân trong thôn phải gom góp tiền kéo điện về thôn nhờ đường dây của thôn khác, giá điện vì thế tăng cao, trung bình 1.800-1.900 đồng/kWh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Tiến Lợi-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu cho biết: Thực hiện chủ trương của Nhà nước về đẩy nhanh tiến độ cấp bìa đỏ cho các hộ dân, xã Ia Lâu đã nghiêm túc thực hiện và được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác này trên địa bàn huyện Chư Prông. Đến nay, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với các hộ đủ điều kiện được cấp trên địa bàn xã đạt 97,1% với 1.785 trường hợp được cấp. Tuy nhiên, đối với trường hợp các hộ dân tại thôn Cao Lạng, Pắc Bó, Đồng Tiến, qua kết quả điều tra, khảo sát thì đây là những trường hợp thuộc diện di cư tự do, phần diện tích đất ở và đất canh tác của họ nằm trên diện tích đất lâm nghiệp nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Trước tình hình thực tế này, chúng tôi cũng đã nhiều lần trình bày, kiến nghị lên cấp trên và xin ý kiến chỉ đạo hướng giải quyết. Vấn đề này cũng được người dân đề cập nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp tại địa phương. Chúng tôi mong rằng, các cấp ngành chức năng xem xét, sớm đề ra hướng giải quyết để giúp các hộ dân trên sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất, bởi các hộ dân này hầu hết đều chăm chỉ làm ăn, có ý thức chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước”-ông Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu nêu quan điểm.
Lê Hòa