Dù giá trị xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh, nhưng chuyên gia nhận định rằng Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 4,6 tỷ USD năm nay.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2012 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu gỗ vào thị trường Trung Quốc tăng 35,3%, vào thị trường Mỹ tăng 32,3% và vào thị trường Nhật Bản tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là một trong số các mặt hàng đứng trong "Top" các mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Cùng với đó, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã dần thống lĩnh được thị trường Hoa Kỳ với thị phần đạt tới 45%.
Tuy nhiên, Bộ cho biết các nhà xuất khẩu gỗ vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu đang đi xuống, rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu và chi phí đầu vào cao.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng và các thị trường xuất khẩu về đảm bảo sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu khai thác hợp pháp và quản lý đúng đắn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện quy trình kiểm tra và đạt chứng nhận quốc tế về các tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Hiện xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào hai thị trường chính là Hoa Kỳ và EU, nhưng chính hai thị trường đã đặt ra những khắt khe mới. Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho hàng gỗ của Việt Nam từ 1-10-2010 và Quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ có hiệu lực vào tháng 3/2013. Điều này gây khó với cả hai nguồn nguyên liệu. Gỗ nội địa không đủ chứng chỉ quản lý rừng của Hội đồng rừng quốc tế. Ngoài ra, gỗ nhập khẩu không dễ gì kiểm soát nguồn gốc, khi xuất khẩu sản phẩm dễ gặp phải rào cản và khó khăn trong xuất khẩu.
Việc giảm đơn đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam từ khách hàng châu Âu trong thời gian gần đây không loại trừ nguyên nhân do việc khủng hoảng nợ công của cộng đồng này. Muốn chuyển hướng thị trường cũng không thể làm ngay. Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã có mặt bằng mới hợp sức với giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải...đang tăng dây chuyền sẽ công kênh giá thành sản phẩm. Tính đến tháng 4-2012, chi phí bình quân cho 1 container 40 feet tăng trên 50 % so với năm 2011.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 4,6 tỷ USD như đã đề ra, các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm thêm các thị trường mới tại Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, nơi nhu cầu về sản phẩm còn dồi dào.
Theo VOV