Mở phiên tòa xét xử công khai kẻ phá hoại chính sách đoàn kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 26-3-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, công khai vụ án Nguyễn Công Chính (tên gọi khác là Nguyễn Thành Long, SN 1969, trú tại tổ 10, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) về tội phá hoại chính sách đoàn kết, theo Điều 87 Bộ luật Hình sự.

Những người dự khán phiên tòa có mặt từ rất sớm. Nhiều con mắt đổ dồn vào chiếc xe của Cảnh sát Quản lý Trại giam T20 đang đỗ xịch trước sân. Một phụ nữ lao về phía ấy la hét. Người ta nhận ra là Trần Thị Hồng (vợ Nguyễn Công Chính) cùng các con. Việc thị Hồng la hét, chửi bới, cản trở các lực lượng chức năng thì nhiều người đã biết từ trước: Lần kiểm tra hành chính, lần thi hành lệnh bắt. Sau khi được giải thích, hướng dẫn nội quy, Trần Thị Hồng thôi la hét và vào dự phiên tòa. Cũng như bao nhiêu người dự khán, trong suốt phiên tòa, Trần Thị Hồng ngồi đó, yên ắng, nuốt lấy từng lời luận tội của Viện Kiểm sát Nhân dân, lời tố cáo của các nhân chứng có mặt tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Công Chính trước vành móng ngựa. Ảnh: Trần Công
Bị cáo Nguyễn Công Chính trước vành móng ngựa. Ảnh: Trần Công

Xin nói thêm rằng: Đây là vụ án được xét xử công khai và theo quy định thì công dân từ 18 tuổi trở lên được tham dự. Trước đó 2 ngày, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo để thông cáo cho báo giới và người dân biết hành vi phạm tội của Nguyễn Công Chính cũng như ngày, giờ Tòa án Nhân dân tỉnh chính thức mở phiên xét xử (thế nhưng, trên một số trang mạng lại tung tin rằng Tòa xét xử kín, xét xử vội...).

Một chi tiết khác tại phiên tòa, giờ nghị án, với tính chất nhân đạo, Chủ tọa phiên tòa đã bố trí một phòng cho Nguyễn Công Chính gặp những đứa con của mình. Tại đây, Nguyễn Công Chính dặn các con bảo mẹ không nên gửi quần áo và thức ăn nhiều... nghĩa là Nguyễn Công Chính được đối xử công bằng như bao bị cáo và phạm nhân khác (ấy vậy, mà một số trang mạng mượn lời lu loa rằng Nguyễn Công Chính bị biệt giam, không biết có nhận được đồ tiếp tế? Không gửi thì không biết ông ăn gì?...).

Ảnh: Trần Công
Đông đảo người dân tham dự phiên tòa xét xử công khai Nguyễn Công Chính. Ảnh: Trần Công

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, quá trình sống tại Pleiku, Nguyễn Công Chính đã lôi kéo, câu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước, móc nối, quan hệ, nhận sự tài trợ của tổ chức phản động lưu vong; cung cấp  thông tin, viết bài tung lên internet, trả lời phỏng vấn với nội dung xuyên tạc sự thật về chính sách tôn giáo; vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, đàn áp người dân tộc thiểu số, vu khống cán bộ cướp đất, cướp nhà của dân...

Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh đã thu giữ nhiều tài liệu, công cụ và phương tiện liên quan đến hành vi hoạt động phạm tội. Trong đó đã trưng cầu Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an giám định file âm thanh về tiếng nói của người trả lời phỏng vấn và kết luận là giọng nói của Nguyễn Công Chính. Và, trưng cầu giám định có kết luận 19/22 đầu tài liệu thu giữ “có nội dung tuyên truyền gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng Công an với tầng lớp nhân dân, chia rẽ giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới nhằm chống chính quyền nhân dân, chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Công Chính hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội. Nguyễn Công Chính đã lôi kéo một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết tham gia bịa đặt, xuyên tạc sự thật, vu khống nói xấu chế độ Nhà nước, chính quyền nhân dân, kích động tham gia biểu tình, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây chia rẽ những người cùng hoạt động trong một tôn giáo, gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng vũ trang với các tổ chức xã hội, gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc Việt Nam, gây ngộ nhận và hiểu lầm dẫn đến  sự chia rẽ giữa nhà nước Việt Nam với các quốc gia trên thế giới... Mặc dù được chính quyền nhắc nhở, giáo dục, kiểm điểm, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng Nguyễn Công Chính không chấp hành mà ngày càng hoạt động chống chính quyền manh động, phức tạp và có hệ thống.

 


Tại phiên tòa, Nguyễn Công Chính đã thừa nhận những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án là của mình. Tuy nhiên vẫn cố tình biện hộ, quanh co, chối tội về những việc làm vi phạm pháp luật như việc vu cáo về cái chết của Thạch Thanh Nô, ở Trà Cú, tỉnh Trà Vinh (Báo Gia Lai đã có bài phản ánh); việc vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, dân tộc...

Trên cơ sở những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, từ lời khai của bị cáo và người làm chứng, sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ cũng như thái độ của bị cáo về hành vi phạm tội của mình, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt Nguyễn Công Chính 11 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết, theo khoản 1, Điều 87 Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trần Công

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.