(GLO)- Không chỉ là cầu nối giúp nạn nhân nắm những kiến thức cần thiết để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi bị đe dọa, các mô hình “Địa chỉ tin cậy” còn kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, trực tiếp góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Ảnh: Đ.T |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình, một trong số đó là bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, chênh nhau về trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nghiện rượu, cờ bạc, ngoại tình, ghen tuông, không thỏa mãn tình dục,… Có nhiều kiểu bạo hành, như: thân thể, tinh thần, tình dục, kinh tế và nạn nhân của bạo hành đa phần là phụ nữ, trẻ em, người già. Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đa số nạn nhân bị bạo hành thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị, sợ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”…
Trước thực trạng trên, năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng với nhiệm vụ tiếp nhận nạn nhân khi bị bạo lực gia đình, giúp động viên tinh thần, tư vấn cho nạn nhân những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, đảm bảo an toàn cho nạn nhân khi tạm lánh, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về vụ việc... Các “địa chỉ” được chọn để xây dựng mô hình thường là những người có uy tín cao trong cộng đồng, có kiến thức, kỹ năng và năng lực hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, có cơ sở vật chất để có thể bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân… Đồng thời, các tập thể, cá nhân khi trở thành “địa chỉ tin cậy” sẽ được tham gia bồi dưỡng các kỹ năng tiếp nhận, tư vấn cho nạn nhân khi bị bạo hành và tham gia các lớp tập huấn về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới…
Chị Nguyễn Thị Mận-Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc” kiêm “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng thôn 5, xã An Thành (huyện Đak Pơ), cho biết: Nếu như trước đây tỷ lệ gia đình hội viên phụ nữ đạt gia đình văn hóa chỉ chiếm trên 60%, bạo lực gia đình mỗi năm có 10-15 vụ thì đến nay, nhờ có mô hình “Địa chỉ tin cậy” và Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, tỷ lệ gia đình hội viên phụ nữ đạt gia đình văn hóa toàn xã chiếm trên 80%, nhiều cặp vợ chồng biết yêu thương, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, chăm lo xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, nạn bạo lực gia đình giảm hẳn… Hay các mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông) cũng đã phát huy tác dụng, kịp thời giúp đỡ những nạn nhân bị bạo lực gia đình. Cách đây chưa lâu, “Địa chỉ tin cậy” của xã đã tiếp nhận trường hợp chị Nguyễn Thị V. tìm đến nhà trưởng thôn trong tình trạng hoảng loạn. Nguyên nhân là trong lúc chồng chị V. say rượu đã không làm chủ được bản thân nên xách dao chém lung tung. Sau khi tiếp nhận sự việc, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và các thành viên trong “Địa chỉ tin cậy” đã động viên tinh thần, giúp nạn nhân bình tĩnh và tìm đến nhà để gặp gỡ, giải thích để người chồng nhận ra đúng sai rồi đến đưa vợ về nhà.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 888 mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại 143 xã, phường, thị trấn, trong đó có 308 địa chỉ tập thể và 580 địa chỉ cá nhân. Đến nay đã có 149 nạn nhân bị bạo lực gia đình được tư vấn, cung cấp thông tin, kiến thức về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; hỗ trợ nơi tạm lánh, cung cấp thức ăn, nước uống, chỗ nghỉ, thuốc y tế… Đồng thời, các địa chỉ cũng đã tư vấn, tuyên truyền, thuyết phục và phối hợp với cơ quan chức năng giáo dục, răn đe 113 trường hợp gây ra bạo lực gia đình; xử lý hình sự về bạo hành gia đình đối với 30 trường hợp. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò, vị thế gia đình trong xã hội, như: ra mắt góc tư vấn về giáo dục tiền hôn nhân và đời sống gia đình; thành lập, duy trì các câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình không khói thuốc”, “Gia đình không có người tự tử”… Tuy nhiên về lâu dài để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình thì cần phải có sự chung tay giải quyết cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, đặc biệt, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Anh Huy