Miệng đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lâm xách túi đồ, đứng tần ngần trước ngõ. Dì Mai nhìn thấy, vội chạy ra đỡ túi đồ, nắm tay khẽ bảo: “Đi, đi vào nhà đi cháu. Không sao đâu, có dì với các bác ở đây”. Dì nói rồi cầm tay dẫn đi, Lâm cũng bước theo từng bước nặng nề, run rẩy. Lâm mường tượng cái cảnh mẹ Lâm lao từ trong nhà ra cầm theo chiếc đòn gánh, hoặc xõa tóc chạy ra gào khóc đòi sống đòi chết trước mặt Lâm.

 
 



Lần này về, chiếc bụng bầu đã lớn. Suốt ba tháng nay, Lâm và Tùng dắt nhau sang tận Bắc Ninh làm công nhân, lương cũng được 8 triệu đồng một tháng. Trong 3 tháng ấy, các dì các cậu ở nhà kiên trì thuyết phục mà mẹ Lâm vẫn chưa chấp thuận “đứa con gái chửa hoang”. Nhà trai cùng làng đánh tiếng tới dạm hỏi thì bà đuổi thẳng cổ, không tiếp, còn buông lời cay nghiệt sau lưng, khiến họ không dám bén mảng tới. Nay biết Lâm về thưa chuyện, chắc bà lại gào khóc từ đêm qua tới giờ.

Đúng như Lâm dự đoán, vào tới sân nhà, cảnh tượng đầu tiên Lâm nhìn thấy là mẹ ngồi trên chiếu giữa nhà, áo quần xộc xệch, tóc xõa ra, tèm lem nước mắt nước mũi. Có vẻ bà đã khóc rất nhiều, khóc đến ngất đi tỉnh lại mấy lần. Các dì ngồi xung quanh đang xoa dầu vào thái dương và bóp tay chân an ủi. Lâm òa khóc, quỳ xuống từ giữa sân, nức nở. Các dì thấy vậy không cầm lòng được, cũng quay đi lau nước mắt. Mẹ Lâm thấy thế, lại khóc, lại chửi, lại lả đi. Các dì dìu Lâm vào nhà, dìu mẹ Lâm vào giường nghỉ.

“Cháu xanh thế, có ăn uống được không, thằng Tùng có đưa cháu đi khám thường xuyên không?”, dì Mai lấy nước ấm cho Lâm uống, vừa hỏi thăm dồn dập. Lâm bảo trộm vía, thằng bé con lớn nhanh, khỏe mạnh, đạp ầm ầm. Sáng anh ấy chở cháu đi làm, rồi chiều lại đón về, nấu cơm giặt giũ không ngại việc gì. Chỉ có điều khổ tâm là mẹ cháu cứ vậy, cháu lo mẹ nghĩ quẩn rồi ốm đau thì cháu mang tội.

Nói đến đây, hai hàng nước mắt lại ứa ra. Lâm nghĩ mà tủi. Bây giờ có phải thời xưa đâu mà mẹ cứ khó vậy. Hai đứa ở cùng làng, Tùng là bạn học của anh trai Lâm, hiền lành siêng năng không có điều tiếng gì. Nhà trai cũng muốn tới cưới hỏi chứ không có “chạy làng”, mà mẹ cứ không chấp nhận. Mẹ nói: “Mày cút đi đâu thì đi, đừng về đây nữa, không thì làng xóm họ chửi vào mặt tao”, nhưng kỳ thực làng xóm và họ hàng ai cũng xúm vào khuyên giải mà mẹ không nghe.

Lâm nghĩ có đâu xa, ngay ở đầu làng cách nhà có mấy căn, chị Lam đi học đại học về có bầu mà nhà trai không cưới. Mẹ chị Lam bảo con cứ đẻ ra rồi mẹ nuôi cháu cho, đừng bỏ đứa bé đi tội nghiệp. Làng xóm cũng đâu ai bảo gì, còn thương thằng bé con, mỗi lần nó sang chơi đều cưng nựng cho quà cho bánh. Còn chị Duyên họ hàng xa với nhà Lâm thì trước ngày cưới đẻ rơi con trên đường đi bệnh viện, lễ tiệc phải hủy hết, nhưng anh chị ấy vẫn sống hạnh phúc tới giờ này, có ai bảo gì đâu. Nhưng Lâm chợt nhớ lại, hồi ấy khi những chuyện chị Lam, chị Duyên mới xảy ra, cũng có vài ba người ngồi lê đôi mách, cười cợt dè bỉu, mà hình như người tích cực nhất trong số ấy chính là mẹ Lâm…

Cuộc thương thuyết cuối cùng cũng không đi tới đâu. Nhưng ít nhất thì mẹ Lâm cũng không chửi bới nữa. Đến tháng sau, tức là khi cái thai ở tháng thứ bảy, bà mới làm thinh cho gia đình tổ chức đám cưới cho Lâm. Đám cưới, bà ăn mặc rách rưới ngồi ngay cửa, ai tới mừng bà lại nhếch mép bảo, tôi ngồi đây chịu nhục thay con tôi, có gì mà vui mà mừng. Quan khách thấy thế chẳng dám ngồi lâu, cứ yên lặng ăn qua loa vài miếng lấy lệ rồi về.

Nhưng thôi, thế ít ra Lâm cũng chính thức có chồng, con của Lâm chính thức có cha. Cưới đẻ xong, hai vợ chồng cặm cụi dành dụm vài năm, vay mượn thêm cũng cất được cái nhà nhỏ trên mảnh đất bố mẹ chồng cho. Ở cùng làng nên ngày lễ tết, chợ phiên, hai vợ chồng đều ghé nhà mẹ Lâm, phụ giúp ông bà khi mùa màng, sửa lại điện nước, đảo lại mái ngói lâu ngày thấm dột… Ăn ở đến như thế, gỗ đá cũng phải nguôi ngoai huống chi là người - làng xóm bảo thế, mà thực tế thì mẹ Lâm cũng nguôi ngoai thật, dù ngoài mặt vẫn tỏ vẻ không mặn mà chi lắm.

Anh trai Lâm lấy vợ, ở chung nhà với ông bà. Chị dâu Lâm người làng bên, đẹp người, lại “chính chuyên” không bầu trước, nên mẹ Lâm ưng lắm. Một điều con dâu, hai điều con dâu. Nhưng hình như bà sinh ra đúng vào số khổ - đấy là bà vẫn hay than thở thế. Con dâu sinh cháu nội, nó chê bà chăm con kiểu cũ, mất vệ sinh, không cho đụng vào cháu. Lắm bữa hai người cãi nhau rầm trời, nồi xoong bay loảng xoảng khiến hàng xóm đinh tai nhức óc.

Một hôm trời mưa gió, Lâm mở cửa thấy mẹ xách túi đồ đứng trước nhà. Bà ở luôn đấy, bảo là để chăm cháu ngoại. Cái thằng bé ngày xưa nằm trong bụng Lâm mà bà ngoại không nhìn đến, giờ đã sắp lên lớp 1. Lần này cũng y như những lần trước, làng xóm không nói qua nói lại gì mấy, chỉ mỉm cười. Vài người gặp ở chợ, nói: “Này bà, hồi xưa mà bà cứ không cho con Lâm nó lấy thằng Tùng, thì giờ biết đi đâu mà ở?”. Mẹ Lâm nghe những lời ấy thản nhiên như không: “Cười gì mà cười, kệ họ. Cười hở mười chiếc răng. Con tôi cháu tôi, tôi không ở đấy thì ở đâu?”.

Đấy là lần đầu tiên, Lâm thấy mẹ mặc kệ xóm làng…

Theo KHÁNH TƯỜNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.