Mẹ chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thùy về làm dâu bà Vinh đã ngót mười năm rồi. Vậy mà chưa lần nào chị và mẹ có thể nói chuyện được với nhau lâu.
Bà bảo tuổi của chị khắc bà, hai mẹ con không hợp nhau. Là bà nói một mình vậy, chị nghe được. Ngồi nói chuyện với con cái một lúc y như rằng bà lại quay ra nói một mình. Chị nhớ đợt mới về làm dâu, hai mẹ con mới nói được với nhau vài ba câu, bà nói gì đó chị nghe không rõ, bèn hỏi lại, bà gắt:
- Im! Tao không nói với mày.
Khuôn mặt đang tươi cười của chị bỗng nhiên ngắn lại. Chị ngơ ngác không hiểu tại sao. Sau dần chị đành phải thừa nhận mẹ chồng mình không bình thường, dở hơi. Lúc tỉnh táo khôn ngoan, lúc mê man hoang tưởng - như chồng chị đã từng nói từ lúc hai đứa mới yêu nhau. Nhưng một điều chị chắc chắn rằng bà càng ngày càng ghét chị. Ghét lắm. Đến nỗi nhiều lần khi anh không có ở nhà, bà nói to lên cho chị nghe thấy:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
- Con người chứ có phải mớ rau đâu mà tôi mang đi tôi đổi. Nhẽ là mớ rau, tôi đã đổi rồi. Thằng kia nó ưng, đòi cưới chứ tôi có được kén chọn gì đâu.
Điệp khúc đó thi thoảng bà Vinh lại nhắc lại khiến Thùy thuộc luôn. Lúc đầu nghe chị buồn rũ rượi, nằm khóc mà nước mắt quện bê bết cả mớ tóc mai bên má.
- Kệ, mẹ nói gì thì nói. Mẹ có bình thường đâu, em chấp làm gì. Thương anh, em đừng để bụng.
Rồi anh kể về cuộc đời của mẹ. Mẹ sinh anh khi đã ngoài bốn mươi. Ngoài bốn mươi, cái tuổi có thể nói là đã bước qua bên kia triền dốc của cuộc đời, đâu còn khỏe nữa. Ngoài bốn mươi mẹ chênh vênh một bóng, không nơi nương tựa, vất vả một mình nuôi con. Anh là niềm an ủi, niềm sống duy nhất của mẹ trên cõi đời. Vậy mà người ta - người mang danh là cha anh còn đòi cướp anh khỏi vòng tay của mẹ. Nhưng mẹ đời nào chịu. Vậy là người ta quay lưng lại với mẹ con anh. Anh thành thằng không cha. Một mình mẹ gồng gánh nuôi dạy anh qua giông tố cuộc đời. Mẹ ngày đó cam chịu tất cả chỉ mong cho anh được yên bình lớn lên. Người ta bắt nạt mẹ, mẹ nhịn hết: "Một điều nhịn, chín điều lành con ạ". Mẹ rơm rớm nước mắt nói với anh như vậy. Anh lớn dần, ý thức được sự hà hiếp quá đáng của nhiều người với mẹ, muốn ra mặt bênh vực mẹ, mẹ ngăn đi, vẫn chỉ một câu nói: "Một điều nhịn, chín điều lành con ạ". Khi anh có khả năng lo cho mẹ cũng là lúc nhận ra mẹ dần không còn tỉnh táo. Mẹ hay nói một mình, hay lẩn vào thế giới của riêng mình.
- Ở thế giới đó, mẹ là bá chủ em ạ. Mẹ có thể hô mưa gọi gió, làm gì cũng được kiêng nể, nói gì mọi người cũng phải nghe theo. Ở đó, không ai bắt nạt được mẹ nữa. Mẹ có thể bảo vệ gia đình mà không sợ bị đánh. Chỉ ở đó, mẹ mới cảm thấy yên bình em ạ. Nên hãy thương mẹ như em đã thương anh. Đừng đòi mẹ phải như những người mẹ khác, đừng bắt mẹ ra khỏi thế giới riêng của mẹ. Cả cuộc đời mẹ đã quá khổ rồi.
Mỗi lần Thùy nghe chồng kể về mẹ lại một lần lòng chị lặng đi. Ngày xưa mẹ khổ, chẳng lẽ mẹ cũng muốn mình khổ như vậy mới chịu?
Ngày mới về làm dâu, có lần Thùy đến tháng, bụng đau quằn quại, nằm trên giường ôm bụng rên rỉ. Chồng Thùy định đi mua thuốc, bà Vinh biết liền gạt đi. Bà vội đi ra bờ giậu trước nhà, ngắt một nắm đọt cây cúc tần về rửa sạch rồi cho vào nồi, hì hụi nhóm lửa đun. Lát sau bà bưng lên một tô vừa nước vừa cái lá cúc tần còn nóng hổi nói Thùy uống rồi ăn hết đi. Thùy uể oải chống tay ngồi dậy, vừa bê bát nước đưa lên miệng, ngửi thấy cái mùi hăng hăng cùng vị đăng đắng đã rùng mình. Định bỏ xuống nhưng thấy mẹ chồng đứng nhìn chằm chằm vào mình như để canh chừng nên Thùy cố nhắm mắt nhắm mũi uống. Rồi mẹ lại đưa cho Thùy đôi đũa, giục:
- Đây, ăn luôn chỗ lá đó. Hơi đắng một tí nhưng bảo đảm hết đau. Thuốc đắng dã tật con ạ!
Thùy muốn bỏ nhưng mẹ chồng cứ đứng đó. Một miếng, vị đắng của nó muốn lôi ruột gan chị ra. Thấy vợ nhăn nhó, chồng chị bảo thôi, khó ăn thì để đi mua thuốc tây uống cho nhanh. Bà Vinh mắng:
- Đàn bà con gái, bị thế là chuyện thường. Thuốc thì phải đắng, cố gắng một tí nó khỏi. Thuốc nam quanh mình thì đầy ra, không chịu. Cái gì cũng thuốc tây, hơi tí là thuốc tây. Chỉ có việc nằm chơi ăn sẵn mà cũng không xong. Đúng là chẳng được tích sự gì.
Thùy nghe mà nước mắt chảy dài. Chị nghĩ mẹ có bao giờ thương mình chưa? Tại sao mẹ lại ghét mình thế, sao mẹ lại hà khắc với mình như thế? Lúc nào mẹ cũng dò xét, để ý. Lúc nào cũng gắt gỏng, nạt nộ. Chị có nói lại thì bà bảo: "Mày là nàng dâu không phải là mẹ chồng". Đến khi chị không muốn nói nữa, thì bà lại bảo: "Sai rồi không há họng ra được". Nhiều khi chị cảm thấy chán nản. Đi làm không sao, vất vả không sao nhưng về nhà là thấy áp lực. Bà còn không cho chị giao tiếp với hàng xóm xung quanh. Lúc đầu, chị không chịu, định cự, anh khuyên:
- Mình nói khó với hàng xóm. Anh nghĩ mọi người sẽ hiểu và thông cảm thôi. Mình vẫn chơi với mọi người nhưng đừng để cho mẹ biết là được. Đừng trách mẹ. Ngày xưa ở quê, mẹ bị hàng xóm bắt nạt nhiều quá, giờ tinh thần không được bình thường cũng là vậy. Mẹ sợ em bị người ta bắt nạt, bị hại, bị thua thiệt…
Và anh lại thủ thỉ kể những chuyện ngày xưa của anh và mẹ. Đó là những tháng ngày chẳng khác gì địa ngục trần gian. Mẹ đã chống chọi hết những gai góc, mỉa mai, cay độc của cuộc đời để bao bọc anh, giờ anh không muốn mẹ phải lo lắng bất cứ điều gì. Dù đó là sự lo lắng dở dại.
Rồi Thùy sinh con. Bà Vinh vui lắm. Bà tự tay nấu cháo chân giò, gạo nếp, đỗ xanh cho chị ăn. Nói là để cho nhiều sữa. Nhưng thực sự Thùy chẳng thể nuốt nổi. Cháo đặc quện, lại quá béo, không hợp với chị. Chị không ăn nổi bữa thứ hai. Vậy là bà làm um lên:
- Ngày xưa tôi mà được mẹ chồng nấu cho một bát cháo đã mừng rơi nước mắt. Chị bây giờ được hầu đến tận miệng mà còn õng ẹo. Chị ăn còn có sữa cho cháu tôi bú chứ không phải tôi nấu cho chị.
Thùy khóc. Vừa ôm con vừa khóc. Anh vỗ về:
- Đừng buồn. Món đó mẹ rất thích. Mẹ bảo ngày xưa mẹ sinh anh còn chẳng có cháo trắng mà ăn. Mẹ chỉ muốn tốt cho em và con thôi.
Thời gian con nhỏ, chị phải thức đêm nhiều, mệt mỏi, xanh xao. Anh thấy vậy thì xót nên chăm hơn bình thường. Bà Vinh nói dỗi:
- Mày có vợ rồi chỉ biết đến vợ.
- Kìa mẹ, vợ con chăm con nhỏ, thức đêm thức hôm mệt mỏi…
Bà ngắt lời:
- Ai nuôi con nhỏ mà chẳng như vậy. Mười người thì đến chín người ốm o. Có ai mà béo lên được. Ngày xưa tôi nuôi anh còn héo hon đi ấy chứ, người còn đúng cái chét tay…
Lại là những chuyện ngày xưa được kể. Đúng là những ngày tháng trước kia của mẹ khổ thật. Trăm ngàn thứ khổ. Đói ăn, thiếu mặc, thân cò một bóng nuôi con. Mẹ dửng dưng kể chuyện mình. Mẹ không khóc, Thùy khóc. Nước mắt Thùy cứ lã chã rơi. Mẹ thấy, lại mắng:
- Chị không phải khóc. Tôi nói thật, chị còn sướng bằng vạn tôi ngày xưa ấy chứ.
Mẹ nói vậy rồi bỏ đứng dậy. Mẹ có biết Thùy khóc không phải cho mình mà khóc cho cuộc đời mẹ.
Một bữa, mẹ đưa đôi trứng gà mới luộc bảo anh đưa Thùy ăn:
- Trứng luộc lòng đào, tốt lắm đấy. Bảo nó ăn cho nóng.
Thùy không ăn, kiểu nửa sống, nửa chín như vậy chị sợ. Mẹ biết vậy, giằng đôi trứng từ tay anh, bực dọc:
- Không ăn càng còn. Ngày xưa tôi muốn cũng chẳng ai cho được một miếng.
Thấy Thùy buồn buồn, anh cười:
- Mặc mẹ đi em. Mình không ăn được thì thôi. Mẹ thích nhất là món trứng luộc lòng đào đấy.
Thùy cười buồn. Mẹ toàn cho Thùy những thứ mẹ thích, lo cho Thùy vậy, thế sao mẹ lại cứ nói con dâu khác máu tanh lòng, cứ chê Thùy hay ốm yếu, không bằng người này người kia? Mẹ chẳng bao giờ ưa những thứ thuộc về Thùy. Thùy không nói gì nữa, chị không muốn chồng phải khó xử khi ở giữa mình và mẹ. Dù sao chị cũng chỉ là một nàng dâu, đâu phải con gái của bà mà bà thương, bà xót.
Thùy đi dạy bổ túc vào ban đêm ở trung tâm của huyện, cách nhà 7 km. Chín rưỡi đêm mới tan học. Đoạn đường làng 2 km rẽ về nhà không đèn điện, lúc nào cũng tối om om, đêm vắng người, lại rậm rạp cây cối hai bên. Thùy sợ lắm. Lần nào đi dạy về chồng chị cũng phải ra tận đó đón. Bữa nay anh đi công việc, không kịp về, cô sợ. Vừa rẽ xe vào con đường tối, nghe tiếng lá cây hai bên rào rào lẫn trong tiếng gió Thùy đã run lên. Cô hét lên sợ hãi khi trong lờ mờ ánh đèn xe cô nhìn thấy một bóng đen đứng bên vệ đường. Tay lái cô lạng quạng rồi cả người và xe đổ uỳnh xuống. Ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt Thùy:
- Thùy phải không?
Thùy nhận ra tiếng mẹ chồng, vội lồm cồm bò dậy, dựng xe:
- Mẹ đi đâu ra đây ạ?
- Đi đón chị chứ đi đâu. Tối nay, bố nó không về. Tôi cho thằng bé ngủ xong, nhắm chừng giờ chị về nên đi ra đón.
Thùy bỗng ôm lấy mẹ chồng, nói lời cảm ơn. Bà đẩy ra, giục:
- Vẽ chuyện. Nếu không phải chị sợ ma tôi mặc xác. Thôi, về nhanh không thằng bé nó dậy lại khóc um lên.
Bà Vinh ngồi sau xe hai tay ôm chặt lấy eo Thùy. Lâu lâu bà lại nói vài câu với những người trong thế giới của riêng bà. Thùy mỉm cười mà đôi mắt bỗng nhòa đi. 
Truyện ngắn của Trương Thị Thúy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.