Mất việc tuổi 30 - Kỳ 3: Để không bị sa thải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo các chuyên gia, lao động bị sa thải tuổi 30 không còn là chuyện nhỏ. Nếu không có giải pháp kịp thời trong vài năm tới, sa thải lao động sẽ trở thành “làn sóng”.

Cần có thêm nhiều chính sách đễ hỗ trợ công nhân
Cần có thêm nhiều chính sách đễ hỗ trợ công nhân



Công nhân phải tự đổi mới

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, chỉ 2 - 3 năm tới, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra làn sóng quét tất cả lao động (LĐ) từ 30 tuổi trở lên, số LĐ không có công ăn việc làm sẽ tăng lên rất nhiều. “Chuyện chấm dứt quan hệ việc làm trước tuổi đã xảy ra và ngày càng tăng lên, cấp độ nhanh hơn cùng với quá trình công nghiệp hóa.

Bây giờ chúng ta chỉ gặp 5 - 7 người thất nghiệp đi tìm việc, nhưng tới đây, chúng ta sẽ phải chứng kiến những dòng người thất nghiệp. Sự tan vỡ quan hệ LĐ khó có khả năng cưỡng được, nhưng nếu dự báo trước, chúng ta có thể hạn chế những đổ vỡ của thị trường LĐ, giúp người LĐ nhanh chóng tìm lại được việc làm”, ông Thọ cảnh báo.

 

"Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung luật LĐ chặt chẽ hơn, để tránh câu chuyện DN vắt chanh bỏ vỏ người LĐ lớn tuổi"-ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Thọ còn cho hay, người LĐ khi vào khu công nghiệp (KCN) chỉ với 2 bàn tay trắng, khi ra khỏi KCN cũng vẫn là 2 bàn tay trắng: không nhà cửa, không tiền, không của cải dự trữ. Nếu không dự báo và có chính sách quyết liệt bảo vệ họ thì việc bị thay thế bởi robot, bị đào thải là đương nhiên.

Ông Hoàng Đức Khang, Phó chủ tịch xã Kim Chung (H.Đông Anh, Hà Nội), bày tỏ: “Chúng tôi thường xuyên làm việc với các nhóm công nhân nòng cốt ở KCN Bắc Thăng Long và nhận thấy rằng, công nhân nào có ý tưởng, đổi mới sáng tạo, cải tiến quy trình sản xuất sẽ được khen thưởng, được doanh nghiệp (DN) giữ lại. Vì vậy, công nhân phải chứng minh năng lực của mình, tự nghiên cứu, hoàn thiện bản thân thì công ty không thể thanh lý được hợp đồng”.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết ở một số nước khi tham gia thị trường LĐ, người LĐ được chuẩn bị một số nghề khác nhau, để khi thất nghiệp có thể chuyển đổi sang công việc khác mà không bị “sốc”. Còn ở VN, người LĐ phải tự “cứu” mình, suy nghĩ, chủ động chuẩn bị kiến thức tay nghề cho tương lai.

Cần rà soát lại chính sách

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có hơn 6 triệu LĐ từ 18 đến trên 30 tuổi làm việc trong các KCN. Dự báo, trong 10 năm tới, sẽ có khoảng 2 - 3 triệu LĐ bị đào thải, phải quay về quê nhà hoặc tìm kiếm việc làm khác.

Theo ông Phạm Minh Huân, có thể thời điểm này việc sa thải LĐ chỉ xuất hiện ở vài nơi, nhưng tới đây sẽ là bài toán cần phải giải quyết. Không chỉ có LĐ ngoài 30 mà tới đây LĐ trẻ cũng có thể bị thất nghiệp khi nhân công LĐ tăng, năng suất LĐ bị giới hạn, DN buộc phải thay đổi dây chuyền sản xuất.

Về khía cạnh pháp lý, ông Huân cho rằng, hệ thống pháp luật VN hiện nay không thể cấm được DN sa thải LĐ. “Chúng ta chỉ có thể vận động DN vì trách nhiệm xã hội, thay vì sa thải LĐ nếu thấy vị trí việc làm của LĐ không thích hợp có thể điều chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn, đào tạo lại, cố gắng tạo thêm việc làm cho người LĐ, đừng đẩy họ ra ngoài đường”, ông Huân bày tỏ.

Để bảo vệ người LĐ, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn các KCN - khu chế xuất Hà Nội, đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều trong bộ luật LĐ năm 2012 để DN không thể “lách” luật, sa thải người LĐ độ tuổi 30. Đồng thời, công đoàn cơ sở cần đưa nội dung này vào trong thỏa ước LĐ tập thể nhằm xây dựng đội ngũ công nhân LĐ có tay nghề, tác phong công nghiệp, bảo đảm việc làm ổn định.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng đây là vấn đề lớn. “Chúng tôi một mặt đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc cách mạng 4.0 để người LĐ hiểu những vấn đề thách thức đặt ra. Mặt khác, thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình sa thải LĐ tại các địa phương, trên cơ sở đó có những kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, bộ ngành các chế tài, quy định pháp luật của nhà nước phải chặt chẽ hơn, nếu không đây sẽ trở thành vấn đề xã hội trong thời gian tới. “Chúng ta cần phải quy định bằng pháp luật chứ không thể bằng ý chí, nghị quyết hay vận động. Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung luật LĐ chặt chẽ hơn, để tránh câu chuyện DN vắt chanh bỏ vỏ người LĐ lớn tuổi”, ông Cường nói.

Tổ chức Đoàn tiếp tục chăm lo và hỗ trợ pháp lý người lao động


Chị Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Thanh niên công nhân và Đô thị T.Ư Đoàn, cho biết hiện một bộ phận không nhỏ thanh niên công nhân làm việc trong các KCN - khu chế xuất, các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có nhiều điều kiện học tập, vui chơi giải trí và phát triển nghề nghiệp, ít có cơ hội vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.

Trước bối cảnh đó, năm 2014, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã có đề án “Hỗ trợ thanh niên công nhân đến năm 2020” nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân tại các KCN - khu chế xuất. Qua 4 năm triển khai, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Tuần lễ thanh niên công nhân; Ngày hội thanh niên công nhân; Tiếp sức người LĐ, thanh niên công nhân; hỗ trợ vé tàu, xe cho công nhân về quê ăn tết... Công tác nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, từng bước trí thức hóa thanh niên công nhân được các cấp bộ Đoàn triển khai sâu rộng. Hằng năm, T.Ư Đoàn tổ chức Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc, qua 8 lần tổ chức giải thưởng đã tuyên dương, tôn vinh, khen thưởng 508 gương “Người thợ trẻ giỏi” trên các lĩnh vực học tập, LĐ, sản xuất...

Tuy nhiên, theo chị Giáng Hương, việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong DN ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn. Việc sa thải LĐ tuổi 30, T.Ư Đoàn cũng đã nắm được tình hình, dự kiến cuối tháng 8 này, T.Ư Đoàn sẽ ký kết chương trình phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động VN trong các hoạt động chăm lo, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công nhân, đặc biệt là thanh niên công nhân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn về luật LĐ, luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với tổ chức công đoàn giám sát việc thực hiện luật LĐ tại DN...

Thu Hằng (Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.