Mặt Trời phát nổ, nứt rãnh dài gấp 8 lần đường kính Trái Đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một hẻm núi lửa khổng lồ vừa hình thành trên bề mặt Mặt Trời, được mô tả là có bề rộng gấp đôi lãnh thổ Mỹ và chiều dài gần bằng 8 Trái Đất xếp cạnh nhau.

Theo Live Science, thung lũng lửa rộng lớn này được hình thành sau một vụ nổ plasma cực lớn xảy ra cuối ngày Halloween (31-10). Các nhà khoa học cho rằng đó chính là lời nhắc nhở rằng Mặt Trời đang đạt đến "đỉnh bùng nổ", tức thời kỳ hoạt động mạnh nhất trong chu kỳ 11 năm.

Vụ nổ kinh hoàng tạo ra "thung lũng lửa" khổng lồ mới của Mặt Trời - Ảnh: NASA/ESA
Vụ nổ kinh hoàng tạo ra "thung lũng lửa" khổng lồ mới của Mặt Trời - Ảnh: NASA/ESA

Theo dữ liệu từ các đài quan sát, vào những giờ cuối cùng của ngày Halloween, một vòng plasma từ hóa đã phát triển ở bán cầu Nam của ngôi sao mẹ chúng ta.

Nó nhanh chóng trở nên không ổn định, vỡ ra và phóng thành một luồng plasma cực mạnh vào không gian.

Khi vụ bùng nổ dữ dội chấm dứt, hẻm núi khổng lồ đã được hình thành.

Vĩ đại hơn nhiều so với các thung lũng đứt gãy của Trái Đất, nó rộng khoảng 10.000 km và dài gấp 10 lần. Độ dài này tương đương gần 8 lần đường kính địa cầu.

Khe núi plasma này có bề rộng và chiều dài đều gấp 50 lần so với Valles Marnieris nổi tiếng ở Sao Hỏa.

Đây không phải lần đầu tiên những "hẻm núi lửa" này được mở ra trên Mặt Trời, sau những cú phát nổ dữ dội.

Vào tháng 4-2022, một hẻm núi dài gấp đôi đã xuất hiện. Vào tháng 9 cùng năm, một rãnh khác kinh hoàng hơn, dài tới 385.00 km ra đời sau một vụ bùng nổ kinh hoàng. Cả hai hẻm núi của năm 2022 đều sâu khoảng 20.000 km, tức 1.800 lần so với rãnh Mariana.

Các hiện tượng này sẽ ngày một nhiều và dữ dội hơn khi Mặt Trời tiến đến đỉnh của chu kỳ hoạt động, một quá trình mà trong đó các đường sức từ của thiên thể bắt đầu rối tung lên.

Các đường sức từ chính là "dây ràng" cho plasma. Vì vậy, sự hỗn loạn khiến các "quả bom plasma" có cơ hội giải phóng.

Nó cũng là nguyên nhân của một số cấu trúc dị hình mà các đài quan sát của NASA, ESA (các cơ quan vũ trụ của Mỹ và châu Âu) quan sát gần đây. Ví dụ một một cơn lốc xoáy cao bằng 14 lần đường kính Trái Đất, một thác plasma phi logic trút mưa lửa xuống bề mặt...

Có thể bạn quan tâm