Trường học do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam tổ chức vào chiều 7-7; thu hút gần 40 nhà khoa học, nghiên cứu viên trẻ và sinh viên đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh tham gia.

Trường học năm nay tập trung vào chủ đề hình thành và tiến hóa của các thiên hà. Đây là lĩnh vực đang phát triển nhờ những khám phá mới của kính viễn vọng không gian James Webb và hệ kính thiên văn ALMA.
Bên cạnh các bài giảng lý thuyết, Trường học còn cung cấp những kiến thức thực hành phân tích dữ liệu quan sát, sử dụng công cụ phần mềm hiện đại, giúp học viên tiếp cận đầy đủ các nội dung giảng dạy.
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Sơn-Phó Giám đốc ICISE, Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn là sáng kiến do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam và ICISE khởi xướng, tổ chức lần đầu vào năm 2013.
Mục tiêu là góp phần định hướng và bồi dưỡng thế hệ các nhà khoa học trẻ yêu thích thiên văn học, mang đến cơ hội tiếp cận kiến thức tiên tiến, công cụ và kỹ năng nghiên cứu hiện đại, tạo môi trường kết nối học thuật, thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế đối với lĩnh vực này.

Phó Giám đốc ICISE cũng nhấn mạnh: Ngày nay, thiên văn học đã trở thành giao lộ của nhiều nhánh khoa học từ vật lý hạt nhân, nguyên tử, quang học, vật lý plasma, vật lý vật chất ngưng tụ đến hóa học và sinh học.
Những câu hỏi hóc búa nhất của vật lý đương đại, như vật chất tối hay sự giãn nở tăng tốc của vũ trụ đều đang được “giải mã” trong phòng thí nghiệm.
Trường học Việt Nam về Vật lý Thiên văn lần thứ 9 năm 2025 sẽ diễn ra đến hết ngày 12-7.