Mật ong, cá lăng đuôi đỏ Sêrêpốk... sẽ được Đăk Lăk ưu tiên đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ nay đến năm 2030, tỉnh Đăk Lăk sẽ chia làm 2 giai đoạn để phát triển Chương trình OCOP. Trong giai đoạn I (2019-2020), tỉnh sẽ ưu tiên nơi trưng bày SP gắn với tuyến du lịch tại TP.Buôn Ma Thuột và 8 huyện trọng điểm (Ea Súp, Cư M’Gar, Krông Năng, Ea H’Leo, Buôn Đôn, Buôn Hồ, Krông Păk, Lăk).
 
Hồ tiêu là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Đăk Lăk được ưu tiên phát triển thành sản phẩm OCOP trong giai đoạn đầu.  Ảnh: T.T
Tại TP. Buôn Ma Thuột, sẽ phát triển các sản phẩm gắn liền với du lịch hồ Ea Kao, các lễ hội, du lịch cộng đồng Buôn Akõ Dhông... như mật ong Đăk Lăk, dệt thổ cẩm Tơng Bông, cá lăng đuôi đỏ Sêrêpốk. Đối với mật ong Đăk Lăk, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển SP, thực hiện các chính sách bình ổn giá, hướng dẫn người dân chú trọng vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng SP và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với khách du lịch.
Đối với dệt thổ cẩm Tơng Bông, tỉnh sẽ chú trọng vào việc xúc tiến thương mại cho SP. Hỗ trợ các gian bán hàng cố định, các gian hàng trưng bày ở các khu du lịch của các huyện, các lễ hội văn hóa, lễ hội cà phê trong toàn tỉnh. Đối với cá lăng đuôi đỏ Sêrêpốk (xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột), tỉnh sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật nuôi, các công nghệ sau thu hoạch để vận chuyển đi các khu du lịch sinh thái trong toàn tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận.
Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh sẽ chú trọng phát triển phát triển các làng nghề, các khu du lịch sinh thái gắn liền với du lịch Buôn Đôn. Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ để hoàn thiện mô hình du lịch cũng như mở rộng vườn bảo tồn lan rừng tự nhiên Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn). Bên cạnh đó hỗ trợ phát triển thêm các SP phụ trợ phục vụ du lịch như heo mọi, gà, cá...
Đối với làng nghề bánh tráng (HTX Hoài Nhơn), tỉnh sẽ cho phép khách du lịch đến tham quan làng nghề kết hợp với bán hàng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ mở các gian bán hàng ở trung tâm huyện, tăng cường quảng bá SP đến với du khách, cũng như người dân ở các vùng lân cận. Cán bộ OCOP sẽ tư vấn về việc tạo thương hiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác.
Tại huyện Ea Súp, 2 SP đặc trưng của huyện là xoài, cá lăng vàng. Thị xã Buôn Hồ, sẽ phát triển chợ Buôn Hồ, Đèo Hà Lan, Buôn Tring, Lễ hội dân tộc thiểu số, trái cây Buôn Hồ (bơ, sầu riêng...). Huyện Krông Năng sẽ phát triển lễ hội dân tộc thiểu số, chợ huyện, trái cây (nhãn vải, hồ tiêu, cà phê...). Huyện Ea H’leo sẽ tập trung phát triển hồ tiêu, cà phê hữu cơ, cà phê bột nguyên chất, tinh dầu sả Java, hương nhu; du lịch sinh thái: Khu bảo tồn thông nước Ea Ral; Trang trại phong điện Tây Nguyên. Huyện Lăk sẽ tập trung phát triển SP kết hợp với du lịch hồ Lăk.
Tại huyện Krông Păc, tỉnh sẽ phát triển SP địa phương kết với với khu du lịch hồ Ea Nhái và các khu du lịch lân cận trên địa bàn huyện Ea Kar và TP.Buôn Ma Thuột. Riêng đối với SP trà mãng cầu Nguyễn Văn Sơn (xã Ea Kly, huyện Krông Păk), tỉnh sẽ hỗ trợ tìm đầu ra, trưng bày, mua bán SP ở các tuyến đường du lịch, trung tâm thành phố và các huyện lân cận; quảng bá SP ra các tỉnh, thành khác, đặc biệt là các địa điểm du lịch.
Tại huyện Ea Kar sẽ phát triển SP địa phương kết hợp với du lịch hồ Ea Kar. Trong đó, chuỗi du lịch nông nghiệp văn hóa nông thôn Ea Kar (HTX dịch vụ nông nghiệp và du lịch hồ Ea Kar) là một mô hình du lịch mới, đang định hướng đầu tư để thực hiện. Mô hình này sẽ thúc đẩy quá trình phát triển du lịch cũng như quá trình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.   
Tiến Thịnh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm