Quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử Gia Lai: Thỏa mãn cung-cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 12-11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tổ chức ra mắt sàn thương mại điện tử OCOP Gia Lai tại địa chỉ http://ocopgialai.vn. Việc đưa sàn thương mại điện tử này vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP của mình, đồng thời tạo cơ hội cho người tiêu dùng có thêm kênh mua sắm hàng hóa chất lượng.  
Kênh quảng bá hiệu quả
Lần đầu thấy thông tin, hình ảnh sản phẩm viên tinh bột nghệ mật ong, sữa ong chúa của cơ sở Trần Vọng (86 Phạm Văn Đồng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) do mình làm chủ xuất hiện trên sàn TMĐT OCOP Gia Lai, anh Nguyễn Minh Chuân không khỏi vui mừng. Anh cho biết: “Trước giờ, tôi chỉ bán hàng qua kênh truyền thống, chưa biết cách tiếp cận kênh online nên nguồn khách hàng còn hạn chế, thị trường chưa phát triển rộng. Nay được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại mời tham gia sàn TMĐT OCOP Gia Lai, hỗ trợ tạo lập một gian hàng, đồng thời tập huấn kỹ năng bán hàng trực tuyến trên sàn TMĐT này, tôi hy vọng sẽ mở ra một hướng đi mới trong tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình là mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, viên tinh bột nghệ mật ong”. Cũng theo anh Chuân, thông qua sàn TMĐT này, anh có cơ hội được tìm hiểu các sản phẩm cùng chủng loại của các nhà sản xuất khác để tự hoàn thiện sản phẩm của cơ sở mình nhằm phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.
 Sàn thương mại điện tử OCOP Gia Lai đi vào hoạt động sẽ giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu rộng rãi  sản phẩm của mình. Ảnh: V.T
Sàn thương mại điện tử OCOP Gia Lai đi vào hoạt động sẽ giúp các đơn vị sản xuất kinh doanh quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm của mình. Ảnh: V.T
Cũng mong muốn sản phẩm của đơn vị mình được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn khi tham gia sàn TMĐT OCOP Gia Lai, anh Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) chia sẻ: Hợp tác xã đang liên kết với nông dân để sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương như: tinh dầu sả, tinh dầu bơ, tinh bột nghệ, trà măng tây, mủ trôm, bột ngũ cốc… Mặc dù các sản phẩm này được đánh giá cao nhưng do đang từng bước tiếp cận thị trường nên đầu ra cũng gặp một số khó khăn. Được tham gia sàn TMĐT sẽ là cơ hội rất lớn cho Hợp tác xã nói riêng cũng như các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương mình, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm của địa phương đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, thậm chí vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, người sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm khi mạng lưới bán hàng chủ yếu là kênh phân phối truyền thống. Do đó, việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ thông qua sàn TMĐT sẽ giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh mở rộng thị trường mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Bên cạnh đó, người tiêu dùng lại có cơ hội mua hàng hóa chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả sẽ đảm bảo tốt nhất.
Mở ra cơ hội giao thương cho sản phẩm OCOP
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, sàn TMĐT OCOP Gia Lai ra đời sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động mua-bán những sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh. Đây thực sự là một giải pháp linh hoạt cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. “Trước khi chính thức đưa sàn TMĐT vào hoạt động, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã có những chuyến khảo sát ở nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp để tham quan, tìm hiểu về mô hình sản xuất kinh doanh, từ đó nắm bắt thêm thông tin về các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Các sản phẩm, dịch vụ đăng lên sàn phải có chất lượng tốt để phục vụ người tiêu dùng. Trong đó, sản phẩm tập trung ở các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, may mặc, hàng lưu niệm, trang trí, du lịch, dịch vụ nông thôn”-bà Thu cho biết thêm.
Sàn thương mại điện tử OCOP sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các nông sản đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Sàn thương mại điện tử OCOP sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các nông sản đặc trưng của Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Đánh giá về tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm thông qua sàn TMĐT OCOP Gia Lai, ông Y Nguyên-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, cùng với củng cố chất lượng sản phẩm, việc tìm đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm được đặc biệt quan tâm đối với ngành nông nghiệp. Vì vậy, sàn TMĐT đi vào hoạt động là một hướng đi mới để giúp người sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Từ đây, người sản xuất có thêm một kênh bán hàng hiệu quả. Qua đó thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng để đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn.
“Tất cả những sản phẩm được lên sàn TMĐT này phải được công nhận từ 3 sao trở lên. Còn những sản phẩm mới đạt 1-2 sao, đề nghị các cơ sở củng cố để đạt chất lượng tốt hơn nhằm xây dựng một sàn TMĐT có hoạt động mua bán hàng hóa chất lượng, uy tín, tạo thương hiệu cho Gia Lai”-ông Y Nguyên nói.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.