(GLO)- Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, lực lượng Quản lý Thị trường Gia Lai đã mở đợt cao điểm chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở làm bánh Mỹ Lệ. Ảnh: D.Q |
Nhìn 2 chiếc bánh Trung thu, một chiếc hiệu Kim Ngân Đồng Khánh (TP. Hồ Chí Minh) và một chiếc bánh giả thương hiệu trên do cơ sở bánh Mỹ Lệ (tổ 3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) sản xuất, người tiêu dùng rất khó phân biệt bởi cả 2 chiếc bánh bề ngoài rất giống nhau. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở bánh Mỹ Lệ-bà Huỳnh Thị Lệ thừa nhận cơ sở đã sản xuất bánh Trung thu giả hiệu Kim Ngân Đồng Khánh, sau đó bỏ mối các chợ trung tâm huyện với giá 25.000-30.000 đồng/chiếc.
Theo ông Hà Quang Tuấn-Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường lưu động (Chi cục Quản lý Thị trường Gia Lai), ngay khi nhận được thông tin về bánh Trung thu giả, sáng 1-9, lực lượng Quản lý Thị trường đã bất ngờ kiểm tra cơ sở bánh Mỹ Lệ và phát hiện 10 chiếc bánh có ghi bánh Trung thu Kim Ngân Đồng Khánh (địa chỉ sản xuất: 35B/2, ấp 2-An Phú Tây-Bình Chánh-TP. Hồ Chí Minh); 7 kg bao bì ni lông và 29 kg vỏ hộp giấy có nhãn ghi bánh Trung thu Kim Ngân Đồng Khánh… Nghi ngờ cơ sở này còn giấu bánh, chiều cùng ngày, Đội tiếp tục kiểm tra thì phát hiện thêm 331 chiếc bánh giả hiệu Kim Ngân Đồng Khánh.
Bức xúc vì nhãn hiệu bánh của cơ sở bị làm giả, ông Nguyễn Ngọc Sơn-chủ cơ sở bánh Kim Ngân Đồng Khánh cho biết: Cơ sở bánh Mỹ Lệ trước đây là bạn hàng của hãng, đã phân phối bánh của hãng 4-5 năm nay trên thị trường Gia Lai và Kon Tum. Thế nhưng, từ mùa Trung thu năm 2015, cơ sở này chỉ nhập vài lô đầu, sau đó không nhập nữa với lý do bán ế và doanh số giảm đến 50%. Đầu tháng 8-2016, cơ sở bánh Mỹ Lệ cũng chỉ đặt mua một đơn hàng nhỏ rồi thôi. Đâu ngờ, lợi dụng mối quan hệ có sẵn với các đại lý và hồ sơ pháp lý của hãng bánh Kim Ngân Đồng Khánh, cơ sở này chỉ mua mẫu rồi tự làm giả bánh, xuất ra thị trường với số lượng lớn. Mong cơ quan chức năng sớm xử lý vì nếu để lượng bánh giả không đảm bảo chất lượng này trên thị trường sẽ gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến uy tín của bánh chính hãng.
Ngoài bánh Trung thu giả, trong đợt kiểm tra cao điểm, Đội Quản lý Thị trường lưu động đã liên tục phát hiện nhiều mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc. Cụ thể, ngày 24-8, tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Việt Tuấn (103 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), Đội đã phát hiện lô hàng quần áo gồm 569 sản phẩm giả nhãn hiệu Việt Tiến. Với hành vi vi phạm trên, cơ sở kinh doanh Việt Tuấn đã bị cơ quan chức năng xử phạt 20 triệu đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở làm bánh Mỹ Lệ. Ảnh: D.Q |
Qua kiểm tra cơ sở kinh doanh Mỹ phẩm Halo (119 Wừu, TP. Pleiku) ngày 25-8-2016, Đội Quản lý Thị trường lưu động đã phát hiện 216 sản phẩm mỹ phẩm các loại có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Đồng thời, cơ sở này còn kinh doanh sai địa điểm đăng ký và lập Website thương mại điện tử bán hàng trên internet mà không báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Với những lỗi vi phạm trên, cơ sở đã bị xử phạt tổng cộng 13 triệu đồng.
Cũng theo ông Hà Quang Tuấn, qua kiểm tra cho thấy, ngay cả mặt hàng thiết bị vệ sinh cũng đã xuất hiện hàng giả trên thị trường. Cụ thể, đơn vị vừa phát hiện 5 bộ thiết bị vệ sinh hiệu Caesaret tại một cơ sở kinh doanh trên đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku), dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Caesar của Công ty cổ phần Thiết bị Vệ sinh Caesar đang được bảo hộ tại Việt Nam. “Vụ việc này đã được chủ thể quyền xác minh là hàng giả và đang tiếp tục xử lý. Trong thời gian tới, lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ thể quyền kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em trên thị trường, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa thị trường”-ông Tuấn nhấn mạnh.
Dã Quỳ