Mai rừng về phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cận Tết, các trục đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Thái Học (thị xã Ayun Pa) lại trở thành nơi họp chợ mai rừng. Hàng chục người Jrai bắt đầu khiêng cành mai rừng khẳng khiu xuống núi, dựng thành hàng dài cả trăm mét như tô điểm cho phố phường thêm chút sắc Xuân…

Chợ mai rừng Ayun Pa. Ảnh: Trần Đức
Chợ mai rừng Ayun Pa. Ảnh: Trần Đức

Anh Siu Nheng (buôn Ma Knik, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) loay hoay lựa thế dựng cành mai rừng tựa vào thân cây bên lề đường Lê Hồng Phong để không bị gãy cành, rụng nụ. Cành mai rừng của anh cao hơn 4 mét, to gần bằng bắp đùi người lớn lại có thế đẹp, cành búp sum suê ngả hướng ra mặt tiền, thuộc dạng “đỉnh” của chợ mai rừng, được anh ra giá “dưới 10 triệu đồng, không bán!”. Anh Nheng cho biết, đã “tia” thấy cành mai này từ năm ngoái nhưng lúc đó vì lạnh quá nó không ra nụ nên “ém hàng lại”. Năm nay, anh đã “canh me” đi sớm hơn mọi người gần chục ngày, mắc võng ăn ngủ dưới gốc cây để chờ đến cận Tết mới bứng về. “Nếu không canh chừng thì người khác đã chặt mất rồi. Tìm được cành mai rừng to đẹp cỡ này bây giờ hiếm lắm!”-anh Siu Nheng cười nói.   

Giá mai rừng năm nay đắt hơn năm ngoái chừng 30%, trung bình 800.000-1.000.000 đồng/cành. Thậm chí, có những cành to bằng bắp đùi người lớn, cành tỏa đều hai bên, dáng đẹp, búp nhiều thì bán đến chục triệu đồng. Người chơi mai chỉ việc mua những cành khẳng khiu trông có vẻ như củi khô ấy đem về đốt gốc, cứa cành, ngâm nước ấm để dưỡng sức và thúc cho mai nứt mầm, bung nụ, nở hoa. Một nét mới là năm nay chợ mai rừng xuất hiện thêm nhiều gốc “lão mai”. Giá của gốc mai rừng đắt hơn cành mai vài triệu đồng. Mặt trái của nó là đã có không ít người săn mai rừng về bán theo cách tận diệt: đào cả gốc rễ cây mai rừng; kể cả những thân mai rừng nhỏ như ngón chân cái, vóc dáng lèo khèo bám vào cục đá cũng bị bứng về, bỏ chậu làm bonsai. Nhiều người chơi mai lâu năm xuýt xoa: Có lẽ chỉ ít năm nữa thôi, Tết về sẽ vắng bóng mai rừng!

 

Cành mai rừng to, đẹp ngày càng hiếm. Ảnh: Trần Đức
Cành mai rừng to, đẹp ngày càng hiếm. Ảnh: Trần Đức

Để có được những cành mai rừng trong dịp Tết, từ khoảng mùng 5 tháng Chạp, những người chơi mai đã bắt đầu lên đường lùng sục khắp các ngọn núi vùng Chư A Thai (huyện Phú Thiện), Suối Đá (thị xã Ayun Pa), Chư Jú (huyện Krông Pa), Pờ Yầu (huyện Mang Yang)… để tìm mai. Ông Rcom Tam-Chủ tịch UBND xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa), một người Jrai có nhiều kinh nghiệm đi lấy mai rừng, nói: Lúc trước chỉ cần leo dăm cây số trên vùng Suối Đá là tìm được cành mai ưng ý mang về. Nhưng vài năm lại đây thì phải leo núi khoảng 20 cây số vào giáp vùng 82 của huyện Ea HLeo (Đak Lak) mới có mai. Người chơi mai phải đi từ sáng sớm, mang theo thức ăn, nếu may mắn tìm chặt được cành mai thì phải dựng lều ngủ lại trong rừng, đến sáng sớm hôm sau mới tỉ mẩn cưa hạ cành rồi vác xuống. Khi về đến chân núi là xế chiều. Vai người nào cũng trầy trụa, ứa máu. Có những đoàn người đi tìm mai rừng về bán đã phải tổ chức những chuyến đi dài cả tuần liền mới mong có được cành mai đẹp. Tầm ngày 12 tháng Chạp là chấm dứt chuyện “đạp núi tìm mai” để vác cành mai về nhà ngắt hết lá, áp dụng các biện pháp dưỡng, thúc khoảng vài tuần mới mong mai nở kịp Tết.
 

Mai rừng bứng nguyên gốc. Ảnh: Trần Đức
Ảnh: Trần Đức

…Ngày áp Tết, dọc các con đường nội thị Ayun Pa, nhiều gia đình đã bắt đầu khiêng cành mai rừng khẳng khiu ra hứng nắng Xuân. Tiết trời se lạnh khiến người chơi mai thấp thỏm phải dành nhiều thời gian hơn để “canh cho mai nở” hòng tránh vận xui vì quan niệm chơi mai rừng không nở sẽ không may mắn. Ông Nguyễn Văn Trung (tổ 4, phường Đoàn Kết)-một người chơi mai rừng, nói: “Từ ngày 12 tháng Chạp, cùng mấy người bạn già rảo khắp chân núi Suối Đá đón các “lão mai” do người dân tộc Jrai đi chặt về mới vác xuống núi. Giá có đắt hơn năm ngoái nhưng đổi lại, cành to cao, dáng thế đẹp, có tả, có hữu, có tiền, có hậu. Với tiết trời lạnh năm nay, người chơi mai cần tuân thủ các bước chăm sóc như: cứa cành, châm nước ấm liên tục và ban ngày đem cành mai ra ngoài trời hứng nắng ấm, đêm đến khiêng vào nhà tránh sương lạnh thì cành mai rừng sẽ nứt mầm, bung nụ…”.

 

Bứng cả gốc mai rừng. Ảnh: Trần Đức
Bứng cả gốc mai rừng. Ảnh: Trần Đức

Mai rừng vùng phía Đông Nam tỉnh vốn nức tiếng vì nhiều cánh (thường là 5 cánh), màu vàng rực rỡ, lâu tàn, hương thơm ngào ngạt, xen kẽ các chồi lộc non xanh mơn mởn. Dáng vẻ cành mai rừng khẳng khiu tự nhiên, mưa nắng phong sương. “Ít ai ngờ cành mai rừng trong dáng vẻ khẳng khiu như củi khô lúc mới mua về ấy lại có thể nứt mầm, bung nụ hoa, vươn lộc non tơ xanh biếc. Cành mai rừng ngày Tết hàm chứa một sức sống mãnh liệt, vươn lên tràn trề sức Xuân”-ông Trung trầm trồ.

Theo quan niệm của những người chơi mai, vào ngày Tết nếu sưu tầm được một cành mai rừng ưng ý chưng trong nhà rồi chăm chút cho nó nở vàng rực rỡ đúng vào Giao thừa thì sang năm gia chủ làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn. Còn nếu như chơi mai rừng không nở thì sẽ kém vui… Chính vì thế, những ngày cận Tết, nếu ngắm chừng cành mai nhà mình không kịp nở đúng Giao thừa thì người chơi mai đành phải tặc lưỡi luyến tiếc mà khiêng cành mai bỏ ra bãi đất trống xa nhà “để tránh vận xui” rồi mở ví rút tiền đi rinh về cành mai khác cho kịp đón Xuân mới.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.