Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trước khí thế sôi sục của Nhân dân từ nông thôn đến thành thị trên cả nước đang vùng lên như nước vỡ bờ, Tri huyện Tân An Phan Sĩ Sàng đã bỏ trốn; quân đội Nhật lặng lẽ rút khỏi An Khê. Đoàn Thanh niên Chấn Hưng cử anh Trần Thông cùng một số thanh niên cốt cán vào Đồn Bảo an gặp Đội Kiệt để giải thích hiện trạng đất nước, địa phương và đề nghị giải giáp vũ khí, giải tán lính Bảo an ở huyện lỵ.

Đại diện Đoàn Thanh niên nói rõ: “Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim sụp đổ, Tri huyện Tân An đã bỏ trốn, các anh như rắn không đầu, còn ngồi đây làm gì, hãy trở về với Nhân dân. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận sự hợp tác của các anh và đề nghị các anh buông vũ khí. Anh em nào theo cách mạng, chúng tôi hoan nghênh, chúng tôi sẽ bố trí trong hàng ngũ vệ quốc quân để chiến đấu bảo vệ đồng bào ta”.

Thăm khu đất được chọn để xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc (xã Cửu An, thị xã An Khê). Ảnh: B.Q.V

Thăm khu đất được chọn để xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc (xã Cửu An, thị xã An Khê). Ảnh: B.Q.V

Đội Kiệt chần chừ chưa đưa ra quyết định dứt khoát. Đại diện Đoàn Thanh niên tiếp tục tấn công: “Hiện tại, huyện nhà chúng ta đang ở trong tình trạng vô chính phủ. Quân đội Nhật, kẻ chống lưng cho các anh đã rút chạy. Lính Bảo an các anh còn lại bao nhiêu, đủ sức để chống trả lại cả vạn dân An Khê này không? Các anh có dám bắn vào bà con, anh chị em của mình không? Chúng tôi khuyên các anh hãy sớm tỉnh ngộ, trở về với Nhân dân, với cách mạng! Chúng tôi sẽ mở rộng vòng tay để đón nhận các anh…”.

Thái độ kiên quyết, lập luận đanh thép có lý có tình của vị đại diện Đoàn Thanh niên khiến Đội Kiệt lung lay ý chí và đứng dậy bắt tay anh Trần Thông, đồng thời yêu cầu toàn thể lính Bảo an ở huyện đường giao nạp vũ khí cho Đoàn Thanh niên Chấn Hưng. Cuộc giải giáp lính Bảo an của huyện Tân An đã thành công ngoài mong đợi.

Sáng 20-8-1945, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng huy động các tầng lớp nhân dân, đồng bào Thượng ở phía Nam và phía Bắc An Khê tổ chức biểu tình, biểu dương lực lượng, có đội vệ quốc quân được trang bị vũ khí tịch thu của địch theo bảo vệ. Đồng bào mang cờ đỏ sao vàng trong tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục cùng hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc, thực dân”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Đoàn biểu tình ngày càng được nối dài bởi sự tham gia các hội đoàn Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thương nhân cứu quốc… Cuộc diễu hành lần lượt đi qua Tòa đại lý cũ của Pháp, ngang Huyện đường, qua chợ Đồn, nhà hàng Vindonbon, trường học… Đây là lần đầu tiên Nhân dân các dân tộc An Khê có cuộc tuần hành đông đảo đầu tiên với khí thế ngất trời thể hiện ý chí nguyện vọng thiết tha độc lập, tự do, đánh đuổi thực dân, phát xít, giải phóng quê hương.

Cũng trong giờ phút quật cường đó, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng đã tuyên bố trước người dân toàn huyện xóa bỏ hoàn toàn bộ máy tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng của Nhân dân, thi hành các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đồng thời, công bố việc thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện An Khê gồm có các ông: Trần Sanh-Chủ tịch lâm thời; Bùi Thế Viện-Phó Chủ tịch; Đỗ Trạc-Ủy viên Thư ký; Trần Thông-Ủy viên Quân sự…

Thừa thắng xông lên, chiều 22-8-1945, được sự nhất trí của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện An Khê, anh Trần Thông chỉ huy lực lượng tự vệ vũ trang tiến về thị xã Pleiku để hỗ trợ Đoàn Thanh niên Gia Lai khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Sau đó, cùng tham gia tổ chức quần chúng mít tinh tại Sân vận động thị xã Pleiku và tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến xã, phường.

Ngay trong ngày, lực lượng khởi nghĩa đã thống nhất lập Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai và đề cử ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch. Tiếp đến, với danh nghĩa Việt Minh Gia Lai, dưới sự lãnh đạo của các ông: Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Trần Thông, Nguyễn Xuân, Đỗ Huyên dẫn đầu lực lượng vũ trang tiến về thị xã Kon Tum để hỗ trợ lực lượng khởi nghĩa ở Kon Tum giành chính quyền về tay Nhân dân.

Như vậy, từ một đóm lửa của những thành viên yêu nước ở An Khê, trong đó có anh Đỗ Trạc, một thanh niên nhiệt huyết, mang lý tưởng cách mạng đã thổi bùng lên ngọn lửa khắp vùng Bắc Tây Nguyên, nhanh chóng đánh đuổi kẻ thù ngoại bang và chính quyền tay sai, cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.