Lý do chậm tiến độ dự án đường tránh hơn 1.500 tỉ ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông qua địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang khá "rối" - trong đó, nổi cộm là việc chi phí đền bù giải tỏa phát sinh hơn 330 tỉ đồng. 

Việc triển khai dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột đang khá rối ren. Ảnh: Phan Tuấn
Việc triển khai dự án đường tránh Đông thành phố Buôn Ma Thuột đang khá rối ren. Ảnh: Phan Tuấn
Tỉnh tự cân đối hơn 330 tỉ đồng phát sinh
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (gọi tắt dự án đường tránh Đông qua thành phố Buôn Ma Thuột) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2020, với tổng mức hơn 1.500 tỉ đồng.
Dự án có chiều dài khoảng 39km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm Chủ đầu tư.
Tại văn bản (số 12412/BGTVT-TTr) của Bộ Giao thông - Vận tải cho thấy, tiến độ thực hiện dự án đường tránh Đông qua địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột còn rất chậm.
Sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng 117,908/971 tỉ đồng giá trị xây lắp, chậm 37,2% so với kế hoạch. Đến nay, Chủ đầu tư mới giải phóng mặt bằng được khoảng 21,4/39,6km (đạt 54%).
Điều đáng nói, phần chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng thêm 331,7 tỉ đồng, tương ứng với 84%. Việc này nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành dự án theo mục tiêu đã đề ra.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Điều này đã làm tăng chi phí ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của dự án. 
Bên cạnh đó, việc thực hiện việc tạm ứng, thông báo khởi công có thời gian dự kiến chưa đúng quy định. Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất đền bù tại một số nơi rất cao.
Cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột hệ số giá đất ở 18,46 (vị trí 2 ở xã Ea Kao), đất trồng cây lâu năm 13,88; huyện Krông Pắk hệ số điều chỉnh giá đất ở nông thôn 13,3, đất trồng cây lâu năm 10,2; huyện Cư Kuin áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất ở nông thôn 5,3; đất trồng cây lâu năm là 10,9.
Mặt khác, thông báo Kết luận (số 511/TB-BGTVT) của thứ Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn về dự án này cho thấy, kinh phí ngân sách Nhà nước từ Trung ương đang rất khó khăn và không có khả năng cân đối được.
Do đó, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 321 của tỉnh xem xét, xử lý theo hướng địa phương rà soát, cân đối ngân sách của tỉnh để hỗ trợ phần kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh.
Việc này nhằm không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh giảm quy mô, kết cấu, tính đồng bộ của công trình và hiệu quả đầu tư của dự án.
Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của các nhà thầu
Đối với công tác thi công, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu, tư vấn giám sát... căn cứ thực tế giải phóng mặt bằng để kiểm soát tiến độ trong quá trình thi công.
Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung thi công 3 ca liên tục tại các đoạn có mặt bằng để bù lại tiến độ đã chậm. 
Đối với các nhà thầu thi công chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, Chủ đầu tư phải kiên quyết có giải pháp xử lý như: Chấm dứt hợp đồng, thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng theo quy định. Thậm chí, Chủ đầu tư có thể công bố rộng rãi nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Chủ đầu tư báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, đánh giá về lịch sử không hoàn thành hợp đồng của các nhà thầu chậm tiến độ khi xem xét, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án tiếp theo do Bộ quản lý.
Đặc biệt, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu Chủ đầu tư có giải pháp kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của các nhà thầu phục vụ việc thi công các gói thầu này.
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm