Lời hẹn hòa bình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hai người lớn lên chung một ngôi làng, tham gia kháng chiến rồi yêu nhau giữa mưa bom bão đạn. Tình yêu ấy được thử thách bằng cả không gian lẫn thời gian mà người này chỉ thầm mong người kia còn sống để được gặp thêm lần nữa. Ngày đất nước thống nhất, họ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bên cạnh niềm vui toàn thắng, họ còn có niềm vui riêng đó là sống trọn vẹn với tình yêu của mình.



Đó là chuyện tình đẹp của vợ chồng cựu chiến binh Rơ Châm Hết và cựu thanh niên xung phong Rơ Châm Monh (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Tình yêu của họ đẹp bởi 2 con người chung một quê hương, có chung tình cảm thiêng liêng dành cho đất nước, đồng bào và sẵn sàng hy sinh vì tình cảm thiêng liêng ấy. 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, câu chuyện của họ vẫn khiến bao người xúc động.

Trong niềm vui thống nhất

Năm 1967, bà Rơ Châm Monh tham gia lực lượng thanh niên xung phong cùng các cô gái khác trong làng. Trong suốt 3 năm tham gia cách mạng, bước chân bà Monh đã vượt muôn nẻo đường rừng, tải đạn dược, lương thực. Theo bà, đó cũng là những năm chiến tranh ác liệt nhất, dân làng đều bị Mỹ-ngụy dồn vào ấp chiến lược; nhà cửa, kho thóc bị đốt cháy xơ xác, tan hoang. Làng Kép của bà cũng chung số phận.

Vợ chồng cựu chiến binh Rơ Châm Hết (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) có một tình yêu đẹp từ trong chiến tranh. Ảnh: H.N
Vợ chồng cựu chiến binh Rơ Châm Hết (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah) có một tình yêu đẹp từ trong chiến tranh. Ảnh: H.N



Năm 1970, bà nhận nhiệm vụ hoàn toàn mới: tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực cho cách mạng. Bà kể: “Chúng tôi trồng mì, khoai lang, cà chua, lúa… bằng kinh nghiệm của ông bà xưa kết hợp với cách trồng mới học được từ bộ đội người Kinh. Lo cho bộ đội ăn no đánh giặc là nhiệm vụ lớn nhất lúc này”. Đến năm 1972, bà chuyển về công tác tại Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3), làm hộ lý ở Khoa Ngoại cho đến ngày đất nước giải phóng. “Tôi tham gia kháng chiến 8 năm và đó là những năm tháng không thể nào quên. Những năm công tác ở Bệnh viện Quân y 211, ngày ngày chăm sóc những thương binh nặng mới hiểu sự khốc liệt ngoài chiến trường. Khối lượng công việc của đội ngũ y-bác sĩ nhiều không kể hết, đến giấc ngủ cũng không trọn vẹn, luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận thêm bộ đội bị thương chuyển về”-bà Monh nhớ lại.

Ngay trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ấy, tình yêu đã âm thầm nở hoa giữa cô gái Rơ Châm Monh và chàng trai cùng làng Rơ Châm Hết. Khi bà Monh tham gia cách mạng cũng là lúc ông Hết vào lực lượng du kích địa phương. Cả 2 rất ít có cơ hội gặp nhau. Cựu chiến binh Rơ Châm Hết kể: “Năm 1970, tôi chuyển qua trinh sát địa bàn ở đơn vị K631 (Trung đoàn 66, Bộ Tư lệnh B3) làm nhiệm vụ dẫn đường, dò mìn cho bộ đội trong các cuộc hành quân. Thời gian đó, thỉnh thoảng tôi có tạt về thăm làng. Nhớ làng mà về, chứ lúc ấy làng không một bóng người. Những nhà sàn, kho thóc bị đốt cháy trơ khung, cảnh làng xác xơ hoang vắng lắm”. Nhưng trong một lần như vậy, ông tình cờ gặp bà Monh. Tình yêu chớm nở, nhưng họ chỉ hứa với nhau vội vàng, nếu sau này đất nước giải phóng mà cả 2 còn sống thì sẽ xin già làng về sống chung dưới một mái nhà.

Câu chuyện phải đột ngột dừng lại trước sự tò mò của tôi: Ông bà gặp nhau lần đầu vào năm 1970 khi cuộc chiến đang rất ác liệt, không ai biết chiến tranh khi nào mới kết thúc, đợi đến ngày thống nhất thì biết đến bao giờ? Người cựu chiến binh trầm ngâm giây lát rồi kể: “Những năm đó, hầu như ngày nào đi trinh sát cũng nghe bom dội trên đầu. Lúc ấy, sự sống và cái chết không ai nói trước được. Sau mỗi đợt Mỹ ném bom, chúng tôi thường ngóng chờ tin tức của nhau, không biết người kia sống chết thế nào. Suốt 5 năm yêu nhau trong bom đạn, mỗi năm chúng tôi chỉ gặp nhau 1-2 lần, lần nào cũng vội vàng. Khi đất nước còn gian nguy như vậy, sống chết trong gang tấc, không dám nghĩ đến chuyện riêng”. Bà Monh nghe chồng kể chuyện cũng xúc động nhớ lại: “Lúc ấy, chúng tôi chỉ có một mong mỏi duy nhất là đánh đuổi hết giặc Mỹ, người dân được trở về làng, làm lại nhà cửa, được gặp lại người thân. Càng nghĩ đến ngày ấy, chúng tôi càng cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Nhớ về giây phút lịch sử ngày 30-4-1975, họ nói rằng đó là lúc mọi người đều bật khóc vì hạnh phúc. Trong niềm vui chung ngày thống nhất, cả 2 còn có niềm vui riêng mà bất cứ người bình thường nào khi yêu cũng đều nghĩ tới: về chung một nhà. Cựu chiến binh Rơ Châm Hết bồi hồi: “Khi ấy, tôi đang đóng quân ở Quảng Ngãi, giây phút nghe tin đất nước thống nhất, anh em trong đơn vị ôm nhau mừng vui không nói hết. Đến tháng 7-1975, đơn vị hành quân về Gia Lai và tháng 9 năm đó, chúng tôi làm lễ cưới theo nghi thức truyền thống của người Jrai”.

Cùng tình yêu ở lại

Chiến tranh qua đi nhưng cũng để lại bao mất mát: Nhiều người làng mãi mãi không trở về, cồng chiêng cùng nhiều giá trị văn hóa của làng hư hỏng, biến mất do bom đạn tàn phá, nhà cửa hầu như bị đốt rụi, đồng ruộng xác xơ sau một thời gian dài người dân bị bắt vào ấp chiến lược... Bà con bắt tay gầy dựng cuộc sống bắt đầu từ con số không, từ việc quy hoạch làng, chia đất cho từng hộ, làm lại nhà cửa, trồng cây lúa, cây bắp trên rẫy. Thôn làng, ruộng vườn bắt đầu lên xanh trở lại sau một thời gian “thấm” sức người.

Nghệ nhân Rơ Châm Monh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Nghệ nhân Rơ Châm Monh. Ảnh: Hoàng Ngọc



Ngày đó, bà Monh chọn khung dệt để gắn bó, sau một thời gian thì nổi tiếng khắp vùng cũng nhờ nghề truyền thống này. Ông Hết chia sẻ: “Những năm sau giải phóng, nhu cầu mua khăn, khố, chăn của người dân rất lớn nên các sản phẩm dệt ra tới đâu bán hết tới đó. Tôi thường sang các làng lân cận mua nguyên liệu về cho bà ấy xe sợi, dệt vải. Nhờ nghề dệt mà tậu được trâu, bò, xây được nhà. Cứ 3 tấm chăn đổi được 1 con bò, nếu đổi trâu thì cộng thêm 1 tấm khố nữa”. Nhưng chính vì bà dành thời gian bên khung dệt mà việc nhà cửa, con cái phần lớn đều do ông gánh vác. Dẫu vậy, ông suy nghĩ rất giản dị: “Tôi luôn khuyến khích để bà ấy gắn bó với nghề. Những công việc như đi mua bông, nhuộm sợi… tôi giành phần làm hết để bà ấy yên tâm ngồi dệt”. Theo ông Hết, giữ nghề dệt một phần vì mưu sinh, nhưng hơn cả, ông bà đều không muốn nghề truyền thống thất truyền. “Bà ấy dệt rất đẹp. Người biết dệt vải thì nhiều nhưng giỏi như vậy không nhiều. Cứ vậy mà nghề này được lưu giữ tới hôm nay”-ông nói.

Sự tinh xảo, tỉ mỉ trong từng sản phẩm làm ra khiến bà Monh trở thành nghệ nhân tài hoa nhất vùng. Đến giờ, sản phẩm do bà làm ra đều được săn đón, được khách tìm tới tận nhà đặt hàng. Mấy chục năm qua, bà còn truyền nghề cho nhiều thế hệ con cháu, chị em họ hàng. Ở tuổi gần 70, bà vẫn say mê với khung dệt dù động tác không còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn như xưa. Dưới gầm nhà sàn khung dệt lúc nào cũng sẵn sàng, cho thấy chủ nhân của nó yêu nghề đến mức nào.

Giờ đây, trong ngôi nhà sàn của vợ chồng cựu chiến binh Rơ Châm Hết, chân dung Bác Hồ được lồng khung treo trang trọng cạnh những kỷ vật quý giá. Đó là huân-huy chương kháng chiến của 2 ông bà, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của ông. Thỉnh thoảng có người đến chuyện trò, khơi gợi, ông bà lại bồi hồi nhớ về quãng thời gian mà tình yêu của họ đã lớn lên cùng đất nước, đơm hoa thơm trái ngọt trên cánh đồng hòa bình suốt gần nửa thế kỷ qua.

HOÀNG NGỌC




 

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

'Dân số vàng' và nhân lực trẻ

Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cho biết dự luật sẽ không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định cho mỗi gia đình, gắn với trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy con tốt.
Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Hàng xóm kể gì về kẻ dùng xyanua đầu độc người thân?

Khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi) để điều tra về tội “Giết người”, người dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch nơi nghi phạm cư trú không khỏi bàng hoàng với thủ đoạn tàn độc của người phụ nữ này.
Các đội thi thuyết trình về sản phẩm tái chế của mình trước Ban Giám khảo cuộc thi

Gia đình chị Nguyễn Thị Hường giành giải nhất hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường” thị xã An Khê

(GLO)- Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2024), ngày 24-6, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thị xã An Khê tổ chức Hội thi “Gia đình chung tay bảo vệ môi trường”. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường-hội viên phụ nữ xã Cửu An xuất sắc giành giải nhất hội thi.

Yêu thương người già

Yêu thương người già

(GLO)- Vạn vật đều thay đổi theo thời gian. Người ta sinh ra, lớn lên rồi già đi là quy luật tất yếu. Nhưng tuổi già cùng với sự suy giảm về sức khỏe không khỏi khiến người ta lo lắng.