Loạn "thần y" - Bài 2: "Thần y" có độ thế?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những vị “thần y” là ai mà ở đâu cũng xưng tụng được ông trời giúp, để cứu nhân độ thế? Câu chuyện mà chúng tôi kể ra sau đây sẽ cho thấy cách mà những “thần y độ thế” có được lòng tin của một bộ phận người dân.  
“Thánh sống” tự xưng 
Lâu nay, người dân tại một số tỉnh, thành phía Bắc truyền tai nhau về bà Trần Thanh Tuyền (ở số 16, tổ 10, phố Đầm Xanh, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) có biệt tài “chữa khỏi 100% tất cả các loại bệnh, kể cả ung thư”. Ngay từ đầu phố Đầm Xanh, hàng tốp xe hơi biển số các tỉnh xếp hàng vào những ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật, là những ngày bà Tuyền mở cửa. Người bán tạp hóa trước ngõ nhà bà Tuyền kể: “Thuốc bà Tuyền đắt lòi mắt, nhưng rất nhiều người đến, không hiểu vì sao!?”. 
Chúng tôi chọn đi vào ngày “ngoài lịch” để được gặp bà Tuyền sớm. Thật bất ngờ, trước mắt chúng tôi là một dinh thự nguy nga hàng ngàn mét vuông. Sau một hồi năn nỉ xin gặp vì bệnh tình người nhà trầm trọng, chúng tôi cũng được bà Tuyền “ưu ái” cho gặp để tư vấn chữa bệnh. Bà Tuyền sau khi xem qua bệnh án mà chúng tôi mang tới đã thao thao bất tuyệt về phương pháp chữa trị của mình.
Mặc dù bệnh án của chúng tôi mang tới có kết luận bệnh nhân bị sỏi thận, nhưng bà Tuyền vẫn khẳng định: “Đã rối loạn chuyển hóa canxi thì có cắt nữa, mổ thế mổ nữa, tán thế tán nữa cũng không hết được. Ở bệnh viện, họ toàn cho uống thuốc tây dẫn đến suy nội tạng mà chết. Ung thư, ung bướu thì có thằng nào truyền và xạ trị mà sống đâu? Muốn chữa được tận gốc bệnh phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết”. 

Bà Trần Thanh Tuyền (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) rao giảng về cách chữa bệnh ung thư và cho xem clip những bệnh nhân đã từng chữa ở cơ sở của bà
Bà Trần Thanh Tuyền (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) rao giảng về cách chữa bệnh ung thư và cho xem clip những bệnh nhân đã từng chữa ở cơ sở của bà
Trong lúc tư vấn cho chúng tôi, bà Tuyền tự nhận mình là “đa khoa, đa ngành”, bệnh nhân của bà có địa chỉ từ khắp các tỉnh thành, thậm chí cả bác sĩ cũng tìm tới bà để chữa bệnh. Bà nói có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư. Nói sâu về cách chữa ung thư, bà khẳng định các khối u là nơi chứa các chất độc cơ thể, cắt chỗ này sẽ mọc chỗ khác. Muốn giải quyết được thì phải “thông từ đầu tới cuối cơ thể, làm sạch từng tế bào; còn việc truyền hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư không khác gì giết chết cả tế bào lành”. 
Như thể khẳng định mình là “thánh sống” cứu người, bà Tuyền cho chúng tôi xem nhiều tin nhắn, hình ảnh, thậm chí cả video về những ca bệnh mà bà đã từng chữa. Và để người bệnh tin tưởng hơn về tài năng của mình, bà Tuyền liên tục khẳng định mình từng đi qua 50 nước trên thế giới, là học trò của những thầy thuốc giỏi nhất thế giới… 
Ở Thái Nguyên, biệt danh “Cô Phú Bồ Tát” - bà Phạm Thị Phú (ở xã Vinh Sơn, nay là phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cũng được nhiều người biết tới bởi biệt tài giẫm đạp, xoa bóp truyền năng lượng chữa bách bệnh. Tuy nhiên, cách chữa bệnh nhảm nhí này đã bị chính quyền địa phương nhiều lần xử lý. Để hợp thức hóa hoạt động, bà Phú đã lập cơ sở Ban Mai, đăng ký hành nghề tẩm quất. 
Mặc dù vậy, theo người dân địa phương, bà Phú thường xuyên tụ tập đông người để tiến hành chữa bệnh theo cách kỳ lạ - giẫm đạp lên người bệnh. Trong vai người có người thân mắc bệnh, chúng tôi được người giúp việc của bà Phú nhắc phải gọi bà Phú là “Cậu Cò”, không gọi là “Bồ Tát” như mọi khi. Vừa thấy chúng tôi, “Cậu Cò” thốt lên một câu đồng cảm: “Thấy chúng mày thế, cậu thương lắm!”.
Miệng ngậm que tăm bông, bà nói rằng dạo này bà phải lên núi lấy kinh và vừa truyền năng lượng cho vài người, nên giờ người còn mệt. Mặc dù vậy, sau khi xem bệnh án sỏi thận chữa nhiều năm không khỏi, bà phán muốn chữa được bệnh trước hết phải xem phần âm gia đình. Bởi theo bà, phần âm sẽ quyết định khỏi bệnh hay không. Bà nói, nếu người bệnh không đến được, bà cũng có thể nhìn qua hình dáng người bệnh thông qua video call để “cảm nhận tâm linh”. 
Để chứng tỏ năng lực siêu phàm của mình, bà Phú cho xem nhiều đoạn video về các bệnh nhân từng đến chữa bệnh. Bà Phú khoe, mùng 5 Tết vừa rồi có gần 6.000 người đến chữa bệnh.
“Những hình ảnh này cô không bao giờ đưa lên Facebook với Zalo, cô không quảng cáo đâu; chữa bệnh cũng chả đòi hỏi ai cái gì, nhà chỉ có cái hòm, ai muốn đặt thế nào thì đặt, cô không quan tâm vấn đề đó, chỉ quan tâm chữa khỏi bệnh, đời cô cũng mổ ngược mổ xuôi, cắt ngang cắt dọc”, bà Phú diễn giải. Trong các đoạn video mà phóng viên được xem, có những bệnh nhân đưa cho bà Phú 10 triệu đồng, thậm chí còn phàn nàn: “Cậu Cò lấy ít quá, cậu phải lấy thật nhiều cho con mừng”. 
Đánh vào niềm tin
“Tin thì chữa còn mà đã không tin thì thôi, đừng hỏi nhiều” là câu nói chúng tôi nhận được thường xuyên khi đến các cơ sở chữa bệnh kiểu “thần y” thời gian qua. Có thể nói, vẫn còn rất nhiều người dân tin rằng có những “vị thầy”, “thần y” có siêu năng lực chữa bệnh do được “ông bà bắt phải làm việc cứu người” và họ tin tưởng vào cách chữa bệnh của những người này, dù thực tế rất nhiều cách chữa bệnh quái gở. 
Bà Đặng Thị H. (60 tuổi, ngụ phường Tân Quý, Tân Phú, TPHCM) kể, gia đình bên ngoại nhà bà từ trước tới giờ vốn rất tin các thầy được mời từ xa về chữa bệnh.
“Tôi cũng có bệnh đau nhức xương khớp trong người nên có vài lần ông anh bà con đằng ngoại mời thầy đến nhà chữa cho, thầy về chữa miễn phí luôn. Theo ông anh kể thì ông thầy ở tuốt miền Tây được mời lên đây với 2 đệ tử. Họ hàng thân quen cũng được thông tin tới đông lắm. Khi chữa bệnh, thầy sẽ bấm huyệt, thậm chí bẻ chân, bẻ tay… Bệnh nhân rên la dữ lắm vì thầy chữa kiểu gì mà như đánh đập, theo kiểu người ta mắc bệnh vì người âm?! Có một điều là ai cũng ráng chịu đau để mong cho hết… đau”, bà H. kể.
Nói là chữa bệnh miễn phí nhưng thật ra, theo bà H., vị thầy và 2 đệ tử được người mời tới lo lắng, cung phụng dữ lắm.
Bà H. nói: “Thấy thầy bỏ công, bỏ thuốc men rất nhiều nên gia chủ lúc nào cũng dọn phòng riêng cho ở, cho 3 người 3 chiếc xe máy. Chưa kể, khi nghe ông thầy kể nhà ổng rất nghèo, không có tiền vẫn ra chợ mua chịu các thứ để về làm thuốc trị bệnh miễn phí cho người dân thì lần nào mời lên thành phố chữa bệnh cũng… nhét cho 20 triệu đồng”. 
Bà H.S. (46 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) khá bức xúc khi kể lại những câu chuyện tương tự tại nhà mình: “Có lần má tui và mấy người họ hàng rước ở đâu một ông thầy ở tận Buôn Ma Thuột về thành phố. Thuê khách sạn cho ở, cho tiền để ông đó tới bấm huyệt chữa bệnh. Ông đó bị cụt 2 tay bẩm sinh, mà không hiểu sao ai đồn ổng có khả năng bấm huyệt, massage bằng phần cụt, giúp nhiều người hết bệnh đau lưng, nhức mỏi, xương khớp các thứ. Tui là tui không tin”.
Hết lần đó, bệnh đâu có thuyên giảm bao nhiêu, chị S. còn tỏ ra bực bội khi lần khác người nhà lại mời thêm một ông thầy ở tỉnh về chữa bệnh tiếp.
“Cũng cho tiền, lo ăn uống, chỗ ngủ nghỉ đàng hoàng tươm tất. Mà lạ là, ông này nhìn ai cũng ra bệnh, cứ cô này bị bạch huyết, anh này bị trầm cảm… Rồi ai bệnh gì ổng cũng đưa cho chai thuốc tỏi để chữa. Sau mọi người kia mới sinh nghi. Tui vốn không tin từ đầu, mà nói đâu có ai nghe nên mặc kệ. Ngộ lắm, người nhà nói không tin, tin mấy ông thầy đâu đâu không hà. Cứ bệnh, đau nhức rồi ai chỉ đâu cũng đi mời”, bà S. kể lại.
Có một thực tế là những điểm khám bệnh kiểu “thần y” như chúng tôi phản ánh đều không đưa ra mức tiền thu cho mỗi lần khám chữa bệnh. Như ở chùa Ưu Đàm (TP Thủ Đức), mất 15.000 đồng mua sổ khám bệnh và thuốc tê; qua khu vực xung điện cũng không có quy định số tiền phải đóng, nhưng ai cũng “ngại” nên khám chữa bệnh bằng “dao lam” xong hầu như ai cũng bỏ tiền vào thùng “tùy tâm”. Có bệnh thì vái tứ phương, tiếc gì vài ba trăm ngàn đồng nên hầu như ai đến đây cũng để lại tiền và đó là nguồn thu không hề nhỏ…
Tương tự, ở các điểm khám chữa bệnh khác đều không quy định mức đóng, tất cả được “thiên biến vạn hóa” bằng hình thức “thùng tùy tâm”, “cho nhiêu cho”… Ở những điểm chữa bệnh có tính chất… thần bí với các “cậu”, các “cô”, tiền mà người đi “vái tứ phương” mất chính là những phần lễ dâng (bằng hiện vật và đóng tiền làm lễ). Phần lễ bằng hiện vật thường được bán ngay tại cơ sở chữa bệnh với giá không hề thấp. Ngoài ra, các thùng công đức, thùng tùy tâm cũng là cách kiếm tiền dễ dàng tại những cơ sở chữa bệnh theo kiểu mê tín dị đoan. Chẳng hiểu sao vẫn có một bộ phận người dân “dính bẫy”… 
Trước phản ánh của PV Báo SGGP, ông Trần Đình Thìn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cho hay, bà Tuyền từng đi bán hàng đa cấp và hiện tại vợ chồng bà có đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng. Ông Thìn cũng cho biết, về thông tin bà Tuyền tổ chức khám chữa bệnh phản khoa học, trái phép, chính quyền địa phương vẫn “đang nghe ngóng”. 
Trong khi đó, qua tìm hiểu tại UBND phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi được biết bà Phạm Thị Phú trước đây buôn cá ngoài chợ, sau đó chuyển sang hoạt động bói toán, đồng bóng và từng bị Công an TP Sông Công triệu tập. Bà Phú từng có thời gian bị bệnh tâm thần, phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên cho biết đã yêu cầu cơ sở của bà Phú ngừng hoạt động khám chữa bệnh kiểu “giẫm đạp”, nhưng vì cơ sở này có giấy phép hoạt động kinh doanh tẩm quất, kèm dịch vụ ăn uống nên bà Phú vẫn lén lút tổ chức chữa bệnh phản khoa học và hoạt động mê tín dị đoan. Sở đã đề nghị địa phương thường xuyên kiểm tra cơ sở này…
Ngày 22-3, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, cho biết, liên quan đến việc ông Trịnh Xuân Vượng (ở tổ 8, khu phố 2, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) tự xưng là “ông trời” để chữa bệnh mà Báo SGGP phản ánh ngày 22-3, Sở Y tế đã có văn gửi Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
NHÓM PHÓNG VIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.