Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào danh sách Kỷ lục Bất biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp theo 20 Kỷ lục Bất biến đã được giới thiệu, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức công bố 20 Kỷ lục tiếp theo trong “Hành trình tìm kiếm và công bố top 100 Kỷ lục Bất biến của Việt Nam” (lần thứ nhất - năm 2022) dưới góc nhìn Kỷ lục. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có tên trong danh sách này.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

 
Năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) triển khai thực hiện “Hành trình tìm kiếm và công bố top 100 Kỷ lục Bất biến của Việt Nam” (lần thứ nhất) nhằm giới thiệu, quảng bá các Kỷ lục không thể thay thế và không hoặc khó bị phá vỡ của đất nước và con người Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp phần tôn vinh các giá trị độc đáo của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.
 
Theo đó, trong danh sách lần này, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng) được đề cử kỷ lục Lò phản ứng hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
 
Theo VietKings, năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên: Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại khu vực có diện tích 21 ha bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt.
 
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4/1961 và được hoàn thành vào tháng 12/1962. Đây là một công trình do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình. Mục tiêu xây dựng Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt là sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ để nghiên cứu trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế… cũng như thực hiện các nghiên cứu cơ bản về vật lý lò phản ứng và an toàn bức xạ.
 
Từ đó đến nay, các nhà khoa học hạt nhân Việt Nam đã vận hành an toàn và khai thác thành công thiết bị hạt nhân này vào những mục tiêu hòa bình trong đời sống và công cuộc xây dựng đất nước.


 

Các nhà khoa học nghiên cứu trong Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Các nhà khoa học nghiên cứu trong Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt


Cùng với Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, trong danh sách lần này còn có: Mỏ than Kế Bào (Quảng Ninh)  – Mỏ than đầu tiên tại Việt Nam; Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) – Vườn quốc gia bảo tồn hệ sinh thái rừng Khộp duy nhất tại Việt Nam; Bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh) – Bãi biển dài nhất Việt Nam; Động Thiên Đường (Quảng Bình) – Hang động khô dài nhất Việt Nam; Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) – Làng gốm Chăm cổ nhất Việt Nam; Quần thể hang Chư Bluk (Đắk Nông) – Hang động núi lửa dài nhất Việt Nam…
 
Theo VietKings, các Kỷ lục Bất biến được tổng hợp và ghi nhận nhằm giúp người dân Việt Nam thêm hiểu và tự hào về những giá trị đặc biệt của đất nước. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy để những giá trị ấy mãi mãi song hành cùng thời gian.

http://baolamdong.vn/khoahoc/202209/lo-phan-ung-hat-nhan-da-lat-vao-danh-sach-ky-luc-bat-bien-3134218/
 

Theo NAM VIÊN (baolamdong)

 

Có thể bạn quan tâm

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.