Lo ngại hoa Trung Quốc mượn danh hoa Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có một số người từ Hà Nội vào Đà Lạt thuê đất dựng nhà kính. Trước tết khoảng 5 tháng, họ nhập hồ điệp từ Trung Quốc chở vào Đà Lạt nuôi dưỡng để kịp nở dịp tết. Lúc này họ quảng cáo là hồ điệp Đà Lạt sẽ khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Ngày 25.12, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên vụ hoa Tết Nhâm Dần diện tích canh tác các loại hoa đều giảm so với năm trước. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12.2021 các công ty trồng lan hồ điệp, vũ nữ, hoa hồng môn đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội và các tỉnh. Sang tháng 1.2022, các đơn vị này sẽ đóng gói để vận chuyển hoa tới các tỉnh phía bắc để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
 
Lan hồ điệp Đà Lạt. Ảnh: Lâm Viên
Lan hồ điệp Đà Lạt. Ảnh: Lâm Viên
Theo ông Sang, vài năm gần đây lan hồ điệp Đà Lạt được thị trường cả nước ưa chuộng vì chất lượng vượt trội và chưng được lâu hơn so với hoa nhập từ Trung Quốc. Thế nên nguy cơ hồ điệp Trung Quốc mượn danh Đà Lạt bán ra thị trường là rất lớn. Thực tế gần đây có một số người từ Hà Nội vào Đà Lạt thuê đất dựng nhà kính. Trước tết khoảng 5 tháng, họ nhập hồ điệp từ Trung Quốc chở vào Đà Lạt nuôi dưỡng để kịp nở dịp tết. Lúc này họ quảng cáo là hồ điệp Đà Lạt sẽ khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, tết năm nay có khoảng 400.000 chậu hồ điệp Trung Quốc được nuôi dưỡng tại Đà Lạt và bán ra thị trường cả nước. Trong khi để đáp ứng nhu cầu tết, các trang trại chuyên sản xuất hồ điệp như Ysa Orchid Farm, Trường Hoàng xuống giống từ 300.000 - 500.000 chậu/đơn vị. Do vật tư sản xuất như phân bón, giá thể, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, cùng chi phí thuê nhân công tăng nên giá hoa hồ điệp năm nay tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Ông Bùi Văn Sang, chủ trang trại hoa Mười Lời (Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết tết năm ngoái ông nghiên cứu lai tạo thành công vài chậu đào tam sắc. Tết năm nay lần đầu tiên ông đưa ra thị trường 50 cây hoa đào “tam sắc” hồng - trắng - đỏ với giá bán hoặc cho thuê để trưng bày dịp tết từ 3 - 10 triệu đồng/cây, có một số cây đặc biệt giá cho thuê 20 triệu đồng/cây. Ngoài ra, với vườn hoa rộng 5 sào, ông Sang sử dụng 3 sào để trồng 500 gốc đào thất thốn, lai tạo giữa đào Nhật Tân và đào lông Đà Lạt... Hầu hết đào trong vườn đều có tuổi đời từ 20 - 30 năm, có cây đào lão đã đón 50 mùa xuân. Giá bán và cho thuê đào thất thốn năm nay tương đương tết năm trước, từ 2 - 20 triệu đồng/cây (tùy tuổi đời và lớn nhỏ).
Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, cho biết ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa vụ Tết Nhâm Dần 2022 chỉ đạt khoảng 70% so với những năm trước, với gần 800 ha; riêng hoa lily giảm hơn 30%. Nguyên nhân là thời điểm xuống giống hoa lily và giống cúc vụ tết, Đà Lạt đang phải đối phó với dịch Covid-19 nên các công ty và các cơ sở ươm giống ngại ngần trong việc nhập giống lily và nhân giống hoa cúc cung cấp cho nhà vườn.
Một nguyên nhân khác là giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng vọt đẩy chi phí đầu tư vụ hoa tết tăng cao, chưa kể thiếu nguồn lao động phổ thông. Ngoài ra, một số người dân thuê đất trồng hoa không còn trụ được nên đã trả lại vườn hoặc một số chuyển đổi qua trồng rau chi phí đầu tư nhẹ hơn. Chính quyền địa phương cùng Hội Nông dân Đà Lạt đã khuyến cáo các nông hộ vừa sản xuất hoa, vừa sản xuất rau các loại nhằm hạn chế thiệt hại nếu hoa khó tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Quân (làng hoa Vạn Thành, P.5, TP.Đà Lạt) trong năm đã hai vụ nhổ bỏ hoa do dịch Covid-19, nay chỉ dám đầu tư 50.000 củ lily, giảm 2/3 so với vụ tết mọi năm. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (Đà Lạt), thông tin toàn xã Xuân Thọ có hơn 450 ha canh tác hoa quanh năm, riêng vụ hoa tết này nông dân đầu tư sản xuất hơn 100 ha, trong đó chủ lực là hoa cúc, còn lại là lily, cát tường, cẩm chướng, sa lem…
Công ty Dalat Hasfarm sau những tháng khó khăn do dịch Covid-19 cũng đã phục hồi sản xuất. Đơn vị này tập trung xuống giống các loại hoa cắt cành như hoa hồng, lily, cẩm chướng, hoa cúc để phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần. Đặc biệt, cứ dịp Tết Nguyên đán đơn vị này độc quyền đưa ra thị trường hàng chục ngàn chậu hoa tulip Hà Lan chất lượng cao. Với hoa chậu, Dalat Hasfarm cũng chuẩn bị hàng trăm ngàn chậu các loại. Được biết từ giữa tháng 1.2022 đơn vị này sẽ vận chuyển hoa đến Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành để phục vụ thị trường tết.
Theo Lâm Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.