Lo ngại doanh nghiệp trong nước "xin" dự án năng lượng bán lại cho nhà đầu tư Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng là rất cần thiết, tuy nhiên cũng cần đặc biệt cân nhắc đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước "xin" dự án năng lượng rồi "sang tay" cho nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc.
Cách đây không lâu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo gấp về thông tin một số doanh nghiệp yếu kém năng lực song vẫn xin được dự án năng lượng tái tạo rồi bán cho nhà đầu tư ngoại kiếm lời.
Trước đó, một số ý kiến đã đặt vấn đề về một vài nhóm nhà đầu tư trong nước không có năng lực, song vẫn dễ dàng xin dự án rồi chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc.
 Đơn cử như dự án Điện mặt trời VSP Bình Thuận II tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận hay bộ đôi điện mặt trời HCG&HTG tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, xã Tiên Thuận & Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng thâu tóm các dự án năng lượng, với đặc điểm là sử dụng quỹ đất rất lớn, không khỏi dẫn tới những nghi ngại về vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt ở khu vực biên giới với Campuchia vốn là những địa bàn nhạy cảm.
Trong bối cảnh như vậy, vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (China Power Construction) và Công ty Chaoneng của Trung Quốc đã tổ chức hội nghị trực tuyến, chính thức ký kết hợp đồng phát triển dự án điện mặt trời 550MW tại Lộc Ninh, Bình Phước, Việt Nam.
 
Nhiều doanh nghiệp trong nước xin dự án năng lượng
Tại hội nghị, ông Jormsup - Chủ tịch tập đoàn Super Energy Coporation (SEC) của Thái Lan đã cùng các đối tác Trung Quốc là ông Ji Xiaoyong (Tổng Giám đốc Power Construction International Corporation) và ông Feng Shurongm (Chủ tịch Central South Institute) ký kết hợp đồng.
Theo đó, dự án điện mặt trời 550MW sẽ được chia làm 3 giai đoạn, phát triển đồng thời, là Lộc Ninh 1 (lắp đặt 200MW), Lộc Ninh 2 (lắp đặt 200MW) và Lộc Ninh 3 (lắp đặt 150MW), cùng với đó là việc lắp đặt một trạm tăng áp 220kV (dùng chung cho ba giai đoạn).
Phạm vi của hợp đồng EPC là thiết kế, mua sắm và xây dựng các dự án phát điện mặt trời các giai đoạn 1-3, tổng tổng công suất 550MW.
Ở Bình Phước, cụm 5 dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-5 do Tập đoàn Hưng Hải làm chủ đầu tư, với tổng công suất 800MW, trong đó Lộc Ninh 1,2 và 4 có công suất 200MW mỗi nhà máy, Lộc Ninh 3 có công suất 150MW và Lộc Ninh 5 có công suất 50MW.
Với nhu cầu sử dụng đất không quá 1,2ha/MW theo Thông tư 16/2017/BCT, siêu dự án điện mặt trời của Hưng Hải Group có thể sử dụng tới cả nghìn ha đất, đều là các vị trí nằm sát biên giới với Campuchia.
Cuối tháng 3/2020, Tập đoàn Super Energy Corporation (SEC) của Thái Lan cuối tháng 3/2020 bất ngờ công bố việc mua lại 4 dự án điện mặt trời tại Lộc Ninh (từ 1-4) với giá phí mua tối đa 76,05 triệu USD. Cộng thêm chi phí đầu tư, tổng giá trị thương vụ có thể lên tới 456,7 triệu USD.
Thông tin từ phía tập đoàn Thái dấy lên nghi ngại rằng Hưng Hải Group sẽ bán 4 dự án Lộc Ninh cho nước ngoài và thu về số tiền chênh lệch khổng lồ.
Phản hồi với báo giới, CTCP Năng lượng Lộc Ninh (chủ đầu tư dự án Lộc Ninh 1) khẳng định không có chuyện Hưng Hải bán các nhà máy điện cho Thái Lan. "Chúng tôi đã có văn bản chính thức yêu cầu SEC điều chỉnh lại các thông tin đã công bố trên báo nước ngoài để đảm bảo chính xác và minh bạch", dẫn lời đại diện CTCP Năng lượng Lộc Ninh trên một tờ báo.
Tuy nhiên, dường như phía đối tác Thái Lan không thực sự "phối hợp" ăn ý với Hưng Hải Group của đại gia Trần Đình Hải, bởi ngày 14/4/2020, SEC tiếp tục có văn bản gửi Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cho biết tập đoàn này đã hoàn tất ký Hiệp định khung ở 3 dự án Lộc Ninh 1,2,3 với tổng công suất 550MW. Cách đây ít hôm, như đã biết, China Power Construction công bố ký kết với SEC để triển khai thi công 3 dự án Lộc Ninh 1,2,3.
Không rõ Chủ tịch Trần Đình Hải có nắm bắt được những thông tin hệ trọng trên. Biết rằng ngoài tổ hợp Lộc Ninh, tập đoàn của doanh nhân sinh năm 1964 đang theo đuổi hai dự án năng lượng tái tạo rất lớn khác là dự án Điện gió Hưng Hải Gia Lai có vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng, công suất 600MW và dự án Nhà máy điện mặt trời Sông Bình 6 công suất 250MW, vốn đầu tư 5.613 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư của bộ 3 dự án của Hưng Hải lên tới gần 39.000 tỷ đồng, là rất khập khiễng nếu so sánh với mức vốn điều lệ vỏn vẹn chỉ 200 tỷ đồng của pháp nhân CTCP Tập đoàn Hưng Hải, hay có khá hơn, là Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (1.200 tỷ đồng).
Với bối cảnh như vậy, một khi xin xong dự án, liệu có khả năng Hưng Hải lại tiếp tục sang tay dự án? Nếu kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư nào sẽ hứng thú nhất với hàng nghìn ha đất ở Việt Nam, nếu không phải là các nhà đầu tư Trung Quốc hoặc gốc gác Trung Quốc?
Người Trung Quốc "hứng thú" với đất đai Việt Nam
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng, tính tới ngày 30/11/2019, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng đất Việt Nam với tổng diện tích 162.467,7ha, trong đó có 943,7ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển.
Từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô đất, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê đất tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, khu đô thị phường Phước Mỹ.
Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ. Vì thế, theo Bộ Quốc phòng, cử tri và dư luận xã hội lo ngại về việc Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho người Trung Quốc là có cơ sở.
Trước thực trạng này, Bộ Quốc phòng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ 2 việc.
Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của luật Đầu tư, luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động.
Thứ hai, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm; chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá; kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn.
Quang Lê (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.