Mở rộng công suất, vùng nguyên liệu
Nhà máy Đường An Khê được thành lập ngày 22-10-2000 thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi. Ban đầu, Nhà máy có công suất thiết kế 2.000 tấn mía/ngày và vùng nguyên liệu khoảng 2.400 ha tại khu vực phía Đông tỉnh.
Để mở rộng vùng nguyên liệu mía, nhiều năm qua, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi và Nhà máy đã thực hiện đồng thời 4 chương trình lớn: cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa quản lý. Trong đó, tập trung quản lý vùng nguyên liệu, xem đây là chương trình đột phá để nâng năng suất bình quân từ 50 tấn/ha lên 80 tấn/ha, giúp người trồng mía có lợi nhuận cao hơn so với một số loại cây trồng khác.
Nhà máy cũng đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, giá thu mua ổn định. Nhờ thế, vùng nguyên liệu ngày càng mở rộng. Đến nay, vùng nguyên liệu của Nhà máy phủ rộng trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh với gần 32.000 ha. Niên vụ 2024-2025, Nhà máy thu mua hơn 2,1 triệu tấn mía.

Song song với mở rộng vùng nguyên liệu, Nhà máy chú trọng đầu tư trang-thiết bị hiện đại, từng bước nâng cao công suất từ 2.000 tấn mía/ngày lên 4.000 tấn mía/ngày (năm 2006). Đến năm 2016, Nhà máy nâng công suất từ 10.000 tấn mía/ngày lên 18.000 tấn/ngày; đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa trong các khâu vận hành giúp nâng cao hiệu suất ép, thu hồi đường tối đa, giảm thất thoát đường trong quá trình chế biến.
Dây chuyền đường tinh luyện với công suất 1.000 tấn/ngày là hệ thống chế luyện đường hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, loại bỏ tạp chất bằng phương pháp cacbonat hóa, khử màu bằng hệ thống trao đổi ION. Với máy móc hiện đại, Nhà máy tập trung sản xuất đường RE, RS, đường vàng, đường thô, rỉ đường, các sản phẩm sau đường.
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: “Các sản phẩm của Nhà máy đa dạng từ các loại đường đến sản phẩm sau đường. Thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước, cung cấp nguyên liệu đường của nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp hàng đầu như sữa Vinasoy, Vinamilk, sữa Cô Gái Hà Lan, Pepsi, Nutifood, Number One, Bibica, Masan…
Sản phẩm đường túi của Nhà máy đã có mặt tại 4 hệ thống siêu thị hàng đầu Việt Nam như: Bic C, Bách Hóa Xanh, Co.op Mart, Winmart/Winmart+, bước đầu xuất khẩu đường túi An Khê sang thị trường Đài Loan và các nước trên thế giới”. Nhiều năm liền, sản phẩm đường An Khê đạt thương hiệu quốc gia, được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Với tầm nhìn chiến lược lâu dài và tối đa hóa lợi nhuận, bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp mía-đường-điện hiện đại. Nhà máy Điện sinh khối An Khê công suất 95 MW đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Nhà máy Đường An Khê được đầu tư hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, Halal, 5S; tiêu chuẩn FSSC 22000, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mía của người dân kịp thời, hiệu quả, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi quyết định đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày và mở rộng, nâng công suất Nhà máy Điện sinh khối An Khê từ 95 MW lên 135 MW với tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng.
Cùng với đó, trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu từ mật rỉ của sản xuất đường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, Công ty lập dự án đầu tư Nhà máy Ethanol An Khê với mức đầu tư 1.741 tỷ đồng nhằm chủ động trong hoạt động chế biến, đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của cây mía.
Ngày 3-4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã trao quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi.
Với sản lượng mía hiện có và công suất ép như trên, hàng năm, sản lượng đường chế biến của Nhà máy Đường An Khê đạt trên 300.000 tấn, chiếm trên 20% sản lượng đường cả nước. Mỗi năm, Nhà máy nộp ngân sách tỉnh 200 tỷ đồng. Dự kiến diện tích mía khu vực phía Đông tỉnh trong những năm đến sẽ đạt trên 40.000 ha, sản lượng mía 3-3,2 triệu tấn/niên vụ.
Nhiều hoạt động, chính sách thiết thực
Không chỉ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, mỗi năm, Nhà máy Đường An Khê còn phối hợp với chính quyền địa phương tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công; đóng góp kinh phí làm cầu, đường giao thông nông thôn tại các huyện, thị xã phía Đông.
Hướng đến lợi ích của người trồng mía, Nhà máy phối hợp với Công ty Phân bón Việt Nhật sản xuất các loại phân đặc hiệu bón cho cây mía trong vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập. Đầu tư tiền hom giống mía trồng tơ đối với 3 giống Uthoong11, KK3, LK92-11 với mức 5-10 triệu đồng/ha, không đầu tư cho diện tích mía trồng các giống khác. Hỗ trợ không thu hồi tiền bã bùn 50-70 tấn/ha tùy từng loại đất đã được nhà máy kiểm tra. Về phân bón, Nhà máy đầu tư 800-1.000 kg phân/ha cộng với 1.000 kg vôi/ha và công cày, bừa, trồng bằng cơ giới. Tất cả các khoản đầu tư đều không tính lãi.

Những năm qua, Nhà máy liên tục tăng giá thu mua, đem lại lợi nhuận tối đa cho người trồng mía. Niên vụ mía 2024-2025, Nhà máy thu mua 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng; hỗ trợ đầu vụ 20 ngàn đồng/tấn mía thuần (mía chưa tính chữ đường); hỗ trợ cước vận chuyển bình quân 160 ngàn đồng/tấn về đến Nhà máy (tùy theo cự ly bến bãi mà giá cước khác nhau).
Cuối tháng 10-2024, Nhà máy thông báo bổ sung chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu mía và bảo hiểm giá mua mía từ vụ ép 2024-2025 đến 2027-2028 với những diện tích đất chuyển sang trồng mía.
Trong đó, diện tích đất trồng keo, bạch đàn, cây công nghiệp dài ngày, đất khai hoang chuyển sang trồng mía được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; đất trồng mì chuyển sang trồng mía được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Bảo hiểm giá mua mía 4 vụ thu hoạch: 2024-2025, 2025-2026, 2026-2027, 2027-2028 tại ruộng là 1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường. Khi triển khai các vụ thu hoạch mía, căn cứ vào tình hình thực tế, Nhà máy ban hành giá mua mía trong từng thời kỳ, đảm bảo không thấp hơn mức bảo hiểm giá mía.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà máy tổ chức kết nghĩa với làng Hòa Bình (xã Tú An, thị xã An Khê) và xã Sró (huyện Kông Chro) nhằm giúp đỡ các địa phương phát triển.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động và lời kêu gọi của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương phía Đông tỉnh, Nhà máy đã ủng hộ 120 triệu đồng giúp các địa phương sớm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Giám đốc Nhà máy Đường An Khê Trần Quang Kiên cho biết: Việc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày, công suất Nhà máy Điện sinh khối An Khê lên 135 MW sẽ tạo thêm hàng ngàn việc làm mới, đóng góp lớn vào ngân sách và phát triển kinh tế-xã hội phía Đông tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ trao quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 25.000 tấn mía/ngày của Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung nhấn mạnh: Thời gian qua, Nhà máy Đường An Khê đã có sự đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của tỉnh; luôn đồng hành trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động và sát cánh với người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Liên quan đến các dự án đầu tư của Công ty trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung khẳng định: Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp về hồ sơ thủ tục liên quan đến việc triển khai dự án, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.