Leo đồi tìm chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày nào cũng vậy, hành trình leo đồi đi tìm con chữ của lũ trẻ làng Kon Pia bắt đầu từ tờ mờ sáng. Các em phải vượt qua 4 quả đồi với quãng đường hơn 7 km để đến lớp.
Sau khi leo mấy quả đồi, từng tốp học sinh chạy vội đến lớp cho kịp giờ học. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Sau khi leo mấy quả đồi, từng tốp học sinh chạy vội đến lớp cho kịp giờ học. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Qua 4 quả đồi
Làng Kon Pia thuộc xã Đăk Hà (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum), nơi đây nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi 4 quả đồi cao. Nhiều năm trước, để giúp người dân ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã xây dựng một con đường nối Kon Pia với trung tâm huyện. Tuy được đầu tư xây dựng con đường nhưng việc giao thông đi lại vẫn còn khá khó khăn bởi những con dốc sâu hun hút.
Chúng tôi đến thăm Kon Pia vào một sáng mưa như trút nước. Khi con gà rừng chưa kịp cất tiếng gáy, làng Kon Pia vẫn còn chìm trong sương sớm, lũ trẻ trong làng đã trở dậy. Như đã hẹn từ trước, hơn chục nóc nhà cũng bắt đầu lên đèn. Chỉ vài phút sau, những bóng nhỏ quấn tạm mảnh ni lông lên cổ che mưa rồi tập trung tại cổng làng. Từ đây, những đứa trẻ sẽ cùng nhau leo qua các quả đồi đến lớp.
Với gương mặt tím tái vì cái lạnh của mưa rừng, cô bé Y Kiệt (lớp 4 D, Trường tiểu học Đăk Hà) run run sau lớp áo mỏng. Dưới màn mưa, cô bé khoác một tấm ni lông nhàu nhĩ, ố vàng. Đây là chiếc áo mưa tự chế do mẹ em cắt ra từ bao phân bón.
Những ngày đầu, vì leo đồi nhiều quá nên Y Yong “mệt cái chân”, ngại đến lớp
Những ngày đầu, vì leo đồi nhiều quá nên Y Yong “mệt cái chân”, ngại đến lớp
Thở hổn hển sau khi đã vượt qua một con dốc dài, Y Kiệt cho biết ngày nào cũng vậy, em phải thức dậy trước 5 giờ sáng. Bữa sáng của em thường là cơm nguội và nước mắm. Cũng có những hôm dậy trễ, không kịp ăn cơm, Y Kiệt đành ôm bụng đói đến trường.
Quãng đường từ nhà đến trường khoảng 7 km, có nhiều hôm em mệt lả đi vì đói và lạnh. Bố mẹ quanh năm bận bịu việc nương rẫy nên dù trời mưa hay nắng, cô bé cũng phải tự đi bộ đến trường. Hôm nay nhà không còn gì ăn nên Y Kiệt nhịn đói. Leo đồi mệt quá, cô bé chỉ đi từng đoạn ngắn rồi lại phải dừng lại nghỉ chân.
Y Kiệt leo hết con dốc này đến con dốc khác bằng đôi dép đã mòn vẹt. Qua thêm một con dốc nữa, cô bé lại ngồi phệt xuống lề đường nghỉ chân. “Trước ở trong làng cũng có nhà mua xe đạp cho con em đi học. Nhưng dốc cao quá đạp xe không nổi nên các bạn ấy vứt xe ở nhà không dùng tới. Em chỉ ước sao cho đường bớt dốc để chúng em đến trường dễ dàng hơn”, Y Kiệt nói qua tiếng thở dốc.
Ngồi nghỉ cách đó không xa, Y Yong (lớp 3B, Trường tiểu học Đăk Hà) co ro trong bộ quần áo lấm lem. Y Yong kể, năm lớp 1, lớp 2 em được học tại điểm trường trong làng. Tuy nhiên bắt đầu từ năm lớp 3, em và các bạn phải đi bộ ra trường chính cách nhà gần 7 km. Hằng ngày em phải thức dậy từ 5 giờ sáng. Sau khi lùa vội chén cơm nguội, Y Yong liền theo bạn bè ra lớp.
“Hồi mới chuyển ra học ở trường chính, em ngủ quên miết. Hôm nào mẹ cũng phải đánh thức em dậy. Có hôm phải dậy sớm, em buồn ngủ quá, mẹ phải cõng một đoạn từ nhà ra đến cổng làng”, Y Yong kể.
Y Kiệt khoác chiếc áo mưa tự chế do mẹ em cắt ra từ bao phân bón. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Y Kiệt khoác chiếc áo mưa tự chế do mẹ em cắt ra từ bao phân bón. ẢNH: ĐỨC NHẬT
Những ngày đầu đến lớp với
Y Yong như một cực hình, quãng đường đi quá xa khiến đôi chân cô bé mỏi rã rời. Có nhiều hôm mỏi chân quá, ngoài trời lại mưa lớn nên Y Yong ngại đến lớp. Không thấy Y Yong đi học, cô giáo tưởng học trò bị lạc nên vội vã đi tìm. Cuối cùng khi cô giáo tìm về nhà mới biết Y Yong nghỉ học vì leo đồi “mệt cái chân”. Ngay trong buổi sáng hôm đó, Y Yong được cô giáo chủ nhiệm đưa trở lại lớp bằng xe máy.
“Chúng em đi mãi cũng thành quen nên giờ cũng hết mệt cái chân rồi. Em chỉ ngại những ngày mưa, vì khi đến lớp người ai nấy cũng ướt cả. Bố mẹ bận trên rẫy không chở đi học được nên bọn em cứ đi bộ thôi”, Y Yong nói.
Cuộc trò chuyện chóng vánh kết thúc bởi lũ trẻ phải tiếp tục lên đường cho kịp giờ đến lớp. Trong màn mưa giăng giăng khắp lối, từng tốp học sinh rướn người về phía trước cố gắng đặt những bước chân trên ngọn đồi chênh vênh dốc.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà, cho biết năm học 2020 - 2021, trường có 622 học sinh. Các em đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên còn nhiều khó khăn. Theo cô Vân, hiện trường có hơn 200 em học sinh ở các làng Kon Pia, Ngọc Leang, Đăk Hà, Đăk Pơ Trang. Những em này phải vượt chặng đường từ 5 - 7 km, băng qua nhiều đồi núi để đến trường.
Cô Vân kể: “Các giáo viên trong trường đang lên kế hoạch góp tiền lập quỹ nấu cơm trưa cho học trò ở các cụm trong làng. Bữa cơm trưa sẽ giúp các em đỡ vất vả hơn trên con đường tìm con chữ. Qua đó, sĩ số các lớp được đảm bảo và chất lượng học tập được nâng cao. Tuy nhiên, số lượng học sinh đông nên kinh phí còn nhiều hạn chế…”
Nuôi giấc mơ con chữ
7 giờ sáng, sau khi đã vượt qua 4 quả đồi, hàng chục em học sinh tại làng Kon Pia đã có mặt tại lớp học. Những thân hình mảnh khảnh, run run sau lớp áo mỏng ướt át. Ngồi co ro ở một góc lớp, Y Thu (học lớp 5C) bảo rằng em là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Vì đông con nên nhà em nghèo lắm. Nhà em thường xuyên hết gạo, nhất là những ngày giáp hạt. Hầu như ngày nào mấy anh em nhà Y Thu cũng đến lớp với cái bụng trống không.
Hằng ngày cứ 5 giờ 30 sáng, Y Thu cùng các bạn trong làng bắt đầu cuộc hành trình ra lớp. Nhiều hôm mưa gió, cô bé vội chạy đến lớp cho kịp giờ học. Đã không ít lần cô bé ngã lăn trên con dốc chông chênh đá sỏi. Nhưng ngã rồi lại cũng tự đứng lên và tiếp tục chặng đường.
“Nhà nghèo quá nên tụi em nhịn đói miết mà. Em chỉ biết cố gắng học thật giỏi, thật chăm. Sau này lớn lên em ước mơ trở thành một bác sĩ vừa để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, vừa có thể chữa bệnh cho dân làng”, Y Thu nói.
Cô Dương Thị Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, cho biết các em học sinh tại làng Kon Pia hầu hết là người Xê Đăng. Kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào cây sắn, cây lúa nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, người Xê Đăng có tập tục ngủ rẫy để tiện đi làm nên họ rất ít khi ở nhà. Cũng vì vậy mà phụ huynh ít có thời gian quan tâm việc học tập của con em.
Theo cô Anh, các em học sinh lớp 1 và 2 thì theo học ở điểm trường tại làng. Tuy nhiên, từ lớp 3 trở đi, các em phải ra điểm trường chính để học tập. Quãng đường đến trường của các em cũng rất xa và qua nhiều đồi dốc. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ bận làm nương rẫy nên đa số các em đi bộ đến trường bất kể trời mưa hay nắng.
“Những hôm mưa lớn, các em vẫn phải tự đi bộ đến lớp. Trong cơn mưa, quần áo của lũ trẻ ướt nhẹp, bám đầy bùn đất. Nhìn học trò ngồi co ro trong lớp, chúng tôi thấy thương vô cùng. Thế nhưng không vì vậy mà các em chểnh mảng việc học hành. Thực tế cho thấy mặc dù phải đi bộ quãng đường xa như vậy nhưng học lực của nhiều em luôn ở mức khá”, cô Anh chia sẻ.
Theo cô Anh, nhà nghèo nên đa số các em không được ăn sáng trước khi tới trường. Cũng có hôm một vài em vừa mới đến trường đã ngất đi vì đói và lạnh. Rồi thì đường xa đã khiến một số em có tâm lý ngại tới lớp.
“Giáo viên trong trường thường xuyên đến nhà vận động các em cố gắng đi học đầy đủ. Những hôm mưa lớn, thầy cô giáo tranh thủ vào làng từ sáng sớm để chở các em ra lớp. Cuộc sống của bố mẹ các em đã khổ nên tôi mong các em được đi học đến nơi đến chốn. Có học mới có hy vọng thoát khỏi đói nghèo. Do đó, nếu có thể làm được điều gì giúp ích các em trong học tập, chúng tôi luôn sẵn lòng”, cô Anh tâm sự.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.