Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì việc học online là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thế nhưng, đối với con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông thì việc học online là điều hết sức thử thách, thậm chí không trở thành hiện thực.
Gia đình lên núi dựng chòi cho em Tài học online. Ảnh: Phan Tuấn |
Khó khăn trăm bề
Gia đình em Triệu Văn Tài, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nằm ở dưới hẻm núi, thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Khi biết ngành giáo dục tổ chức dạy học online gia đình em Tài hết sức lo lắng vì nhà ở không có sóng điện thoại.
Lo lắng cho việc học của con, ông Triệu Tiến Lâm (bố của em Tài) đã sử dụng chiếc điện thoại thông minh, lội hết quả đồi này sang quả đồi khác để dò tìm sóng 4G. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, ông Lâm đã dò tìm được một vị trí có sóng 4G nằm cách xa nhà ở của gia đình cả cây số.
Ngay sau khi việc dò tìm kiếm có kết quả, ông Lâm mừng rỡ dựng một cái chòi tạm trên núi cho đứa con "luyện chữ".
Không có điều kiện như gia đình ông Lâm, gia đình Nhà ông Y Wi, ở xã Đắk Búk So chỉ có vài sào đất nông nghiệp, cuộc sống khó khăn trăm bề. Lâu nay, gia đình ông Y Wi chủ yếu đi làm thuê, làm mướn cho bà con trong vùng. Thế nên, khi nhắc đến chuyện học của đứa con đang học lớp 3 ông Y Wi hết sức lo lắng.
Ông Y Wi cho biết, cả gia đình chỉ có 1 chiếc điện thoại “cục gạnh” đang sử dụng và 1 chiếc ti vi đã hỏng. Do đó, gia đình chưa có cách nào kết nối với chương trình học online ngành giáo dục đang tổ chức thực hiện.
Con cái ông Y Wi không có điện thoại, ti vi để học online. Ảnh: Phan Tuấn |
"Ngay cả miếng ăn, gia đình còn phải chạy từng bữa thì lấy đâu ra tiền mà mua điện thoại thông minh cho con cái học tập online. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 2 đứa lớn đã phải gác lại giấc mơ đèn sách khi mới học hết lớp 5”- ông Y Wi buồn bã.
Tương tự, gia đình chị Lầy Thị Máy, ở xã Đắk Ngo nhiều năm nay luôn ở trong tình cảnh ngặt nghèo. Năm nay, chồng chị Máy đi làm thuê ở Bình Dương nhưng do dịch COVID-19 nên không có việc làm và chưa thể về nhà. Ở xã Đắk Ngo chị Máy không có đất đai sản xuất mà công việc chủ yếu đi làm thuê nay đây, mai đó.
Hiện nay, chị Máy đang nuôi 4 người con ăn học (1 đứa học lớp 6 và 3 đứa học tiểu học). Nghe đến chuyện học online chị Máy cũng chưa thể mường tượng ra chứ chưa nói đến các con. Cả nhà chị Máy không có thứ gì đáng tiền, đặc biệt là cái ti vi dùng để nghe nhìn phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng không có. Tài sản có giá trị duy nhất của chị Máy là chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi.
Do đó, khi chia sẻ về việc học của các con chị Máy buồn bã: “Cái đói, cái nghèo còn bám riết lấy thì gia đình lấy đâu ra tiền mà mua điện thoại thông minh, máy tính cho các con ăn học online. Ngay cả, việc cho con học theo hình thức phiếu giao bài cũng rất khó khăn bởi tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số, không biết tiếng Kinh. Rơi vào bối cảnh này, chuyện học của các con gia đình chỉ còn biết thì được thế nào hay thế đó chứ mọi thứ đều lực bất tòng tâm”.
Gia đình chị Máy còn phải chạy ăn từng bữa, không có điều kiện mua sắm các thiết bị cho con học online. Ảnh:Hồ Hương |
Không riêng gì những trường hợp nêu trên, theo kết quả khảo sát của Sở Giáo dục - Đào tạo thì toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 31.600 học sinh các bậc học từ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông không bảo đảm các thiết bị tiếp cận phương pháp học trực tuyến.
Nỗ lực hỗ trợ học sinh
Theo Sở Giáo dục - Đào tạo, trong điều kiện còn nhiều học sinh, gia đình khó khăn, các cấp chính quyền và ngành giáo dục đã phát động chương trình quyên góp, hỗ trợ máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập trực tuyến, thông qua chương trình “sóng và máy tính cho em”.
Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông, trước mắt, Ban giám hiệu và giáo viên các nhà trường sẽ hỗ trợ các em qua phiếu học tập. Ngoài ra, nhà trường cũng hướng dẫn các em tận dụng thiết bị của bạn bè, học theo nhóm nhưng phải đảm bảo gin cách và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Nhiều người lao động, nông dân nghèo ở tỉnh Đắk Nông còn thiếu cả cái ăn, cái mặc còn điện thoại thông minh, ti vi là những thứ “xa xỉ” mà họ chưa dám nghĩ tới. Ảnh: Phan Tuấn |
Mặt khác, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị Đài Phát thanh truyền hình tỉnh tiếp sóng lại Đài Truyền hình Việt Nam về việc dạy học trên tivi và phát sóng lại 2 lần để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập.
"Đặc biệt, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các em học sinh trở lại trường học tập trung thì ngành giáo dục, nhà trường sẽ xây dựng phương án bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ các em nắm vững những nội dung cốt lõi của chương trình học tập”- ông Thành chia sẻ.
https://laodong.vn/xa-hoi/len-nui-do-song-4g-dung-choi-cho-con-hoc-online-955188.ldo
Theo PHAN TUẤN (LĐO)