Lẽ sống cao đẹp từ một vị tướng anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong đời cầm bút tôi đã được viết khá nhiều về những người lính Bộ đội Cụ Hồ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có duyên may được viết về ông-vị tướng hai danh hiệu anh hùng. Có thể đã có nhiều người viết về ông, nhưng đây là lần đầu tiên có một tập truyện ký khắc họa tương đối đầy đủ về cuộc đời của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động-Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang-nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15-nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

“Chiến trường xưa là người lính/Hòa bình vẫn màu áo xanh/Tay súng bên tay cày cuốc/Phủ xanh lên các buôn làng”-những câu thơ như sống dậy phần lát cắt một đời người. Những câu thơ ấy là một chương phần đặc biệt trong cuốn sách đặc biệt- “Vị tướng hai danh hiệu anh hùng”. Có lẽ nói đặc biệt bởi vì nhân vật mà nó thể hiện là một người đặc biệt-Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang-vị tướng mang hai danh hiệu anh hùng, mà như tác giả đã nói trong Lời vào sách một cách đầy trân trọng: “…cho đến nay đất nước ta mới chỉ có hai con người ưu tú được nhận song hành hai danh hiệu vinh quang ấy!”.

 

Bằng giọng văn súc tích giàu hình ảnh, văn thực và người thực, nhà thơ, nhà báo Đoàn Mạnh Phương đã thổi hồn cho từng con chữ, trang viết, tái hiện một cách chân thực mà sinh động vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ; để rồi cao hơn sâu hơn đằng sau con người cá nhân anh hùng là cả một tập thể Binh đoàn 15 anh hùng, là quê hương “chang chang cồn cát” anh hùng. Cuốn sách là tâm nguyện của người cầm bút vốn đã rất nặng lòng với mảnh đất Tây Nguyên của nắng, của gió và người anh hùng thời đại mới… “Tôi đã nhiều lần gõ cửa ký ức mong tìm về những năm tháng đã đi qua để viết nên câu chuyện về ông”.

Lời văn tha thiết, mỗi câu mỗi từ đều như được bóc tách từ gan ruột. Ký ức và thực tại đan xen. Ký ức là để “hồi âm” cho tác giả “bao cay đắng mặn nồng để làm nên một đời người, bao mưa nắng bão giông, bao đau thương mất mát để luyện nên một tố chất, một tư duy, một khí phách của con người anh hùng…”.

Và thực tại với tác giả chính là những câu chuyện, những chuyến đi “đã tạo thành những mảnh ghép đa sắc” để anh có được những ghi chép chân thực, tạo dựng nên trọn vẹn một chân dung toàn diện về ông.

Yêu mến, trân trọng và càng viết dường như tác giả càng cảm nhận thấu đáo và cảm phục trước những gì mà người lính Nguyễn Xuân Sang đã sống cho quê hương, đất nước, cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hình tượng người lính đi qua hai cuộc chiến (cuộc chiến chống giặc ngoại xâm và cuộc chiến chống đói nghèo) có mất mát, đau thương, có sự hy sinh không gì đong đếm để góp phần làm nên những hào quang chiến thắng.

Vị tướng trải lòng: “Danh hiệu anh hùng của tôi có máu xương, có sự hy sinh của đồng bào đồng chí… đã cùng tôi suốt bao năm ròng, trải qua bao khó khăn gian khổ để có được vinh quang ngày hôm nay…”. Cuốn truyện ký đã thành công khi để ký ức và thực tại đồng hành và cất lên tiếng nói. Ý tưởng của người viết được thể hiện trọn vẹn qua bút pháp, qua từng chương phần và câu hỏi lớn “Điều gì đã làm nên tố chất và khí phách của vị tướng hai danh hiệu anh hùng?” đã được trả lời thỏa đáng.

Chính vì vậy, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đại tướng Phạm Văn Trà-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong lời tựa cuốn sách, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta rất tự hào về những người anh hùng, vì họ đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Một trong những người góp mặt xứng đáng trong đội hình đó chính là Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang- nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15-người được phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Cuốn sách “Vị tướng hai danh hiệu anh hùng” được xuất bản với mong muốn chuyển tải tới bạn đọc “chuyện kể về chân dung người anh hùng bằng tất cả sự chân thực đem đến cho bạn đọc một câu chuyện có ý nghĩa về cuộc đời một con người. Một con người bình dị, một người lính Cụ Hồ đã tỏa sáng những phẩm chất cao đẹp của thời đại mình”.

Đi qua năm tháng rộng dài, cuốn sách còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, có ý nghĩa hơn đối với bạn đọc trẻ, cuốn sách giúp chúng ta định nghĩa sâu sắc về hoài bão và lý tưởng sống của một con người anh hùng gắn với một tình yêu lớn, xứng đáng là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và làm theo. Trong thời đại của bộn bề thông tin thì vẫn cần lắm những cuốn sách viết về những con người như Nguyễn Xuân Sang.

Vị tướng đi giữa lòng dân gánh việc quân là câu chuyện ngắn dài kể về lòng dũng cảm, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng và tầm nhìn, để rồi tỏa sáng phẩm chất anh hùng thời đại mới. Những thử thách quyết liệt trên cương vị một Tư lệnh, một Tổng Giám đốc thời kỳ đổi mới đã góp phần làm đổi thay cả một vùng đất Tây Nguyên rộng dài từng ngày vươn vai phát triển và đi lên cùng đất nước…

Đúng như Đại tướng Phạm Văn Trà đã viết: Binh đoàn 15 trong suốt hành trình xây dựng, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để phát triển vượt bậc cả trong xây dựng kinh tế, cả về giữ vững an ninh quốc phòng, bình yên biên giới, xây dựng địa bàn dân cư xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đem văn minh và đời sống mới tới cộng đồng đồng bào dân tộc ít người, thúc đẩy Tây Nguyên hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước…

Cuốn sách có 288 trang, khổ 17 x 24 cm, bìa cứng được thiết kế đựng trong một chiếc hộp hoàn toàn mới lạ, đẹp mắt thể hiện được sự sang trọng, chu đáo của người cầm bút dành cho nhân vật của mình.

Trần Văn Miêu

Có thể bạn quan tâm