(GLO)- Đã trở thành nét riêng trong bản sắc văn hóa ở đây, vào tháng 3 hàng năm đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Đak Lak nói riêng nhiều lễ hội tưng bừng được tổ chức, tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng.
Trong những lễ hội đó phải kể đến lễ hội đón xuân, lễ hội mừng cơm mới, lễ Pơthi, lễ hội thôi nôi, lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột… Tuy nhiên, hiện nay một nghịch lý đang xảy ra với những chú voi đó là khối lượng công việc phục vụ các “Thượng đế” tăng lên gấp bội lần làm cho voi vốn đã yếu lại càng yếu hơn.
Voi ở Bản Đôn, Buôn Đôn, Đak Lak bị khai thác quá mức trong những ngày tháng 3 này. Ảnh: B.T |
Đến với Tây Nguyên, lễ hội là dịp để quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như giới thiệu với du khách trong và ngoài nước ghé thăm quan, du lịch. Một trong những loại hình du lịch “ăn khách” nhất là du lịch cưỡi voi. Theo lý lẽ thông thường thì khi có lễ hội diễn ra thì du khách đến nhiều và doanh thu sẽ tăng cao. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì lễ hội là giai đoạn voi du lịch bị bóc lột sức lao động nhiều nhất trong năm, bởi lượng khách tăng lên gấp bội và voi phải phục vụ cũng tăng lên theo cấp số cộng.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm Lâm Đak Lak, hiện nay đàn voi nhà của tỉnh đã giảm từ 502 con năm 1980 xuống còn 166 con năm 1998 và hiện chỉ còn lại hơn 50 con, nhưng hầu hết đàn voi đã có tuổi đời từ 50 đến 60 năm, còn voi rừng thì di chuyển trong vùng rừng giáp ranh giữa Đak Lak với Gia Lai còn không đáng kể. |
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có mặt tại Khu Du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn (Đak Lak) để chứng kiến cảnh đàn voi phục vụ các “Thượng đế’ du lịch như thế nào. Nếu như thời điểm trước lượng khách du lịch thưa hơn thì voi chỉ phải làm việc trung bình khoảng 7-8 giờ, thời gian còn lại được nghỉ ngơi. Tuy nhiên vào dịp lễ hội cà phê này, lượng khách du lịch ghé Bản Đôn tăng lên đột ngột (gấp 10 lần). Những ngày này, một ngày những con voi quý ở Buôn Đôn phải làm việc 10 đến 12 giờ đồng hồ mà không hết khách.
Chị Hồng-một du khách tham quan khu Du lịch Bản Đôn cho biết: “Chúng tôi từ ngoài Bắc vào thăm quan lễ hội, tiện thể ghé lên đây để được tận mắt xem con voi Bản Đôn như thế nào? Đến đây thấy loại hình du lịch cưỡi voi hấp dẫn quá muốn thử… tuy nhiên xếp hàng cả tiếng đồng hồ mà chưa đến lượt vì nhiều khách muốn cưỡi voi quá”.
Theo tính toán sơ bộ được biết, cứ mỗi giờ khách du lịch cưỡi voi, quản lý voi thu 400 ngàn đồng, sau mỗi ca làm việc cật lực, phần thưởng cho những con voi quý này chỉ là 1-2 cây mía. Như vậy, một ngày làm việc, một con voi có thể mang về khoản lợi nhuận 4 đến 5 triệu đồng.
Những ngày diễn ra lễ hội này, trung bình, mỗi ngày nơi đây đón tới cả ngàn lượt du khách tới du lịch (trong đó đa phần là du lịch cưỡi voi) thì sẽ như thế nào? Điều nữa là hiện chỗ ăn ở, chăm sóc voi lại quá tồi tệ, hôi hám, đồng thời một số con bị chặt đuôi, cưa ngà cũng làm cho sức khỏe của voi bị giảm sút nghiêm trọng. Rõ ràng voi bị sử dụng, khai thác đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm cũng như tình cảm, nhận thức của chính chủ nhân nó.
Con voi trong đời sống đồng bào Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt, ngoài giá trị về vật chất, voi còn là con vật mang nét đẹp văn hóa đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, số lượng voi ở Đak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang dần ít đi và có nguy cơ vắng bóng hẳn, một trong những nguyên nhân đó là tình trạng những chú voi bị ngay những chủ, đơn vị quản lý sử dụng voi một cách bất công để phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt, lao động và vui chơi của con người nhất là mỗi dịp lễ hội, dịp Tết đến Xuân về.
Một số người từng gắn bó nhiều năm với việc bảo tồn voi tâm sự: “Phải xem voi như một thành viên trong cộng đồng. Cho voi nghỉ ngơi trong rừng từ lúc ông mặt trời xuống núi ở phía Tây và thức dậy ở phía Đông. Những khi nước mắt voi chảy xuống, là khi có biểu hiện của bệnh tật, phải để voi trong rừng cả tháng, thậm chí cả năm để nó tự tìm lá cây rừng để chữa bệnh”.
Bá Thăng