Lễ hội đặc sắc nhất của người Thái vượt ngàn cây số đến Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dịp đầu xuân, cộng đồng người Thái tại huyện biên giới Ia H'Drai (Kon Tum) lại tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội Kìn chiêng bốc mạy. Đây là lễ hội truyền thống của người Thái để tế mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông… cầu may, cho dân làng mạnh khỏe, cuộc sống thanh bình.

Bà Lục Thị Đương (59 tuổi, ở thôn 4, xã Ia Đal, H.Ia H'Drai) cho biết: Năm 2010, những người Thái đầu tiên từ Thanh Hóa di cư đến xã biên giới Ia Đal sinh sống. Dù xa quê cả ngàn cây số nhưng người Thái vẫn giữ phong tục, tập quán của cha ông ở vùng đất mới như một sự hoài vọng cố hương.

Trong những ngày tháng khó nhọc, vì điều kiện kinh tế chưa đảm bảo nên lễ hội truyền thống dường như đã dần xa vắng đối với cộng đồng người Thái ở xã Ia Dal. Từ năm 2023, khi kinh tế có nhiều đổi thay, đời sống được nâng cao, người dân thôn 4 đã tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống Kìn chiêng bốc mạy, hay còn gọi là hát múa ăn mừng dưới cây bông.

Dân làng tham gia múa hát trong lễ hội Kìn chiêng bốc mạy
Dân làng tham gia múa hát trong lễ hội Kìn chiêng bốc mạy
Bà Lục Thị Đương làm lễ tế mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông... cầu cho dân làng khỏe mạnh
Bà Lục Thị Đương làm lễ tế mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông... cầu cho dân làng khỏe mạnh

Thông qua lễ hội, người dân mong ước có cuộc sống bình yên, khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc và biết ơn các đấng thần linh đã phù hộ, chở che cho bản làng. Các hình thức, tín ngưỡng trong lễ hội phản ánh nhiều mặt đời sống người Thái như: văn hóa sản xuất, phong tục, tập quán; các mối quan hệ về tự nhiên, con người…

Kìn chiêng bốc mạy là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc nhất của dân tộc Thái, diễn ra vào thời điểm đất trời lập xuân, với không khí vui tươi, rộn rã, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng dân tộc Thái.

Sau phần cúng tế, ông mo, bà tày sẽ phát lộc là những chiếc bánh truyền thống cho dân làng
Sau phần cúng tế, ông mo, bà tày sẽ phát lộc là những chiếc bánh truyền thống cho dân làng
Nam thanh nữ tú tham gia trò chơi dân gian ném còn
Nam thanh nữ tú tham gia trò chơi dân gian ném còn
Người dân tham gia các trò chơi dân gian tại lễ hội Kìn chiêng bốc mạy
Người dân tham gia các trò chơi dân gian tại lễ hội Kìn chiêng bốc mạy

Anh Hà Văn Lưu (19 tuổi) cho biết gia đình anh đã chuyển đến huyện biên giới Ia H'Drai sinh sống hơn 10 năm nay. Trước đây, khi còn ở quê, anh Lưu thường xuyên được chứng kiến nghi lễ truyền thống Kìn chiêng bốc mạy. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến sinh sống ở vùng đất mới, lễ hội Kìn chiêng bốc mạy như dần bị lãng quên.

"2 năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cộng đồng người Thái tại xã Ia Đal đã phục dựng lễ hội truyền thống này. Đây cũng là cơ hội để người dân, nhất là những người trẻ như chúng tôi, được học hỏi, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình", anh Lưu nói.

Theo anh Lưu, trong lễ hội lần này, người dân còn tổ chức "chơi bói hoa" và mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất, nhằm phản ánh và tái hiện một số trò chơi dân gian của cộng đồng người Thái thời xa xưa.

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Xuân trên đỉnh đèo

Xuân trên đỉnh đèo

Măng Đen rực lên một màu hồng êm dịu từ muôn vạn cánh hoa bé nhỏ. Có khi chỉ là một cội mai anh đào già, cành tỏa rộng khuất sau hàng thông, có khi là cả một hàng mai anh đào non đang e ấp mở những cánh hoa bé nhỏ cạnh đường đi.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.