"Làng phụ nữ kiểu mẫu" ở xã Chư Mố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ấn tượng đầu tiên khi đến làng Ama Đá (xã Chư Mố, huyện Ia Pa) là hai bên trục đường bê tông chạy qua làng được quét dọn sạch sẽ, trồng đủ các loài hoa. Đó là một phần thành quả sau hơn 2 năm xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” nơi đây.

Làng Ama Đá nằm cách trung tâm xã Chư Mố chừng 1 km, có 225 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào Jrai (trong đó có trên 400 phụ nữ). Năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đã triển khai xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” tại Ama Đá theo 6 tiêu chí: không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; không có hộ vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình; không có trẻ em trong độ tuổi bỏ học hoặc trẻ em đến tuổi đi học mà không được đến trường, tỷ lệ trẻ em đến lớp đạt chỉ tiêu; có môi trường xanh, sạch, đẹp; có nhà sinh hoạt cộng đồng và duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao; chi hội Phụ nữ được xếp loại vững mạnh và có ít nhất 2 đảng viên nữ trong làng.

 

Con đường hoa của phụ nữ xã Chư Mố. Ảnh: T.Đ
Con đường hoa của phụ nữ xã Chư Mố. Ảnh: T.Đ

Để thực hiện tốt những tiêu chí trên, Hội LHPN xã Chư Mố đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia mô hình một cách hiệu quả nhất. Hội cũng thường xuyên cử cán bộ xuống làng để sinh hoạt cùng hội viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để từ đó kịp thời có hướng giải quyết. “Chúng tôi đã phối hợp với các đoàn thể của xã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, chi hội còn đóng góp xây dựng quỹ để hỗ trợ chị em khó khăn vay theo hình thức xoay vòng không tính lãi. Nhìn chung, chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Đến nay, trong thôn không còn hộ hội viên thuộc diện đói, số hộ nghèo giảm từ 80 hộ xuống còn 15 hộ”- chị Nay H’Djuên-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Ama Đá, cho hay.

Điều đáng mừng là từ khi triển khai xây dựng “Làng phụ nữ kiểu mẫu”, nhận thức mọi mặt của các chị em trong làng đã được nâng lên đáng kể. Các chị đã mạnh dạn hơn trong các hoạt động xã hội, nổi bật là việc vận động các gia đình không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như ngăn chặn, đẩy lùi nạn bạo lực. “Trước đây, thi thoảng vẫn có tình trạng các em gái bỏ học giữa chừng để lấy chồng do sự sắp đặt của gia đình, các dòng họ. Tuy nhiên, vài năm lại đây, nhờ chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhất là chị em phụ nữ gần gũi thuyết phục nên các bà mẹ Jrai đã phát huy vai trò của mình trong gia đình, cương quyết từ chối, không để xảy ra việc dòng họ sắp đặt bắt các em gái phải nghỉ học để lấy chồng khi chưa đủ tuổi”-chị Nay H’Djuên cho hay.

Với những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu”, hàng năm, chi hội Phụ nữ làng Ama Đá luôn đạt chi hội xuất sắc của xã. Chi hội cũng đã xây dựng được lực lượng hội viên phụ nữ nòng cốt, uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần giúp làng Ama Đá đạt danh hiệu làng văn hóa tiêu biểu 4 năm liền. Những kết quả đó là niềm cổ vũ, động viên chi hội Phụ nữ làng Ama Đá nỗ lực cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới thành công.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.