Làng hoa 'khai sơn phá thạch' ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hà Đông là làng hoa đầu tiên của thành phố ngàn hoa Đà Lạt, hình thành từ 1938. Sau 81 năm "khai sơn phá thạch", làng hoa đặc biệt này vẫn còn đó 3 thế hệ chuyên canh hoa dù diện tích đang bị thu hẹp dần.

 



Trở lại làng hoa Hà Đông (thuộc P.8, TP.Đà Lạt) vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, những vườn hoa cúc, salem, lily, cát tường… được trồng, chăm sóc bằng công nghệ cao phần lớn đều đã bung nụ vào những ngày xuân mới.

 

Một góc làng hoa Hà Đông ngày nay
Một góc làng hoa Hà Đông ngày nay



Nhớ thời lập ấp, đối mặt cọp beo, giá rét

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Vũ Hữu Xiêm (86 tuổi). Nhà cụ Xiêm nằm trên một triền đồi cao có thể nhìn bao quát khoảng nửa diện tích làng hoa. Cụ Xiêm là một trong những “chứng nhân” ít ỏi còn sót lại của làng hoa Hà Đông, trải nghiệm những thăng trầm, đổi thay của làng hoa này.

Cụ Xiêm cho biết, năm 1940, khi mới 7 tuổi, cụ theo bố vào Hà Đông lập nghiệp. Trước đó, năm 1936 ông bà nội của cụ Xiêm là Vũ Hữu Huệ và Nguyễn Thị Xuyên là những người đầu tiên rời bỏ vùng ven Hồ Tây thuộc Hà Đông cũ đặt chân lên vùng đất cao nguyên Đà Lạt.


 

 Ấp Hà Đông thập niên 1960
Ấp Hà Đông thập niên 1960


"Trải qua bao khó khăn gian khổ, ông bà ta vẫn không ngừng phát huy truyền thống lao động cần cù..., tích cực góp phần làm cho thành phố “ngàn hoa” ngày càng thêm tươi đẹp"-ông Phan Hữu Giản




“Lúc đó nơi đây còn là khu rừng hoang vắng, cây cối rậm rạp, những người đi đầu lập ấp dựng 3 lán trại gần suối nước dọc đường Nguyễn Công Trứ và Xô Viết Nghệ Tĩnh (ngày nay) để sống tập thể, người làng nào sống với làng đó…”, cụ Xiêm nhớ lại.

Sau khi uống cạn chén trà, cụ Xiêm nói: “Trẻ con tụi tôi lúc đó được người lớn căn dặn kỹ không được đi xa lán trại hoặc leo lên các ngọn đồi (nhà tôi hiện nay) vì cọp, beo đang ẩn trú trong đó. Lúc đó vào ban đêm và sáng sớm trời Đà Lạt lạnh buốt, nên các cụ phải nhóm củi đốt suốt đêm hai bên lán trại để giữ ấm”.

Theo cụ Xiêm, khi những người làng của ông muốn được vào Đà Lạt phải qua xét tuyển, phải là những thanh niên khỏe mạnh, đủ sức khỏe và có kiến thức về canh tác rau, hoa. Điều cụ Xiêm nói được ghi lại trong cuốn địa chí Đà Lạt, và các công trình khảo cứu khoa học - xã hội nhân văn.


 

Anh em cụ Vũ Hữu Xiêm và Vũ Hữu Thừa (bên trái) tìm lại ký ức ấp Hà Đông
Anh em cụ Vũ Hữu Xiêm và Vũ Hữu Thừa (bên trái) tìm lại ký ức ấp Hà Đông



Theo đó, ấp Hà Đông được hình hành theo sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu; quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và thương tá Canh nông Hà Đông Lê Văn Định cần tuyển dụng một số người từ tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt khai hoang để trồng rau, hoa, cung cấp thực phẩm tươi sống cho người Pháp, du khách và cư dân Đà Lạt…

 

 Cụ Vũ Hữu Xiêm, thế hệ thứ nhất của làng hoa Hà Đông
Cụ Vũ Hữu Xiêm, thế hệ thứ nhất của làng hoa Hà Đông




Hồi đó, ông Lê Văn Định đã lập một chương trình cổ động trên báo chí về tiềm năng của vùng đất cao nguyên Đà Lạt và chủ trương di dân Hà Đông vào thành phố này. Đợt đầu tiên, ông Lê Văn Định đã tuyển lựa được hơn 30 người và giao cho ông Vũ Đình Mấm, Tham tá Canh nông tỉnh Hà Đông hướng dẫn thêm về cách trồng rau, hoa. Sau đó, họ được đưa đi tham quan và học tập phương pháp trồng rau, hoa của người Pháp tại làng Ngọc Hà, trong đó có vườn của ông Victor Vouillon và còn đến trại nuôi gà của ông Hoàng Trọng Phu. Họ cũng được bác sĩ Cao Xuân Cẩm khám và tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm và cấp giấy chứng nhận sức khỏe trước khi “Nam tiến”. 

 



Ngày xưa, người dân Hà Đông chuyên canh hoa lay ơn, cúc Nhật và dâu tây, xà lách... Còn bây giờ, Hà Đông là vùng sản xuất hoa tập trung, với trên 200 hộ canh tác hoa.


Ngày 30.12.2009, Hà Đông vinh dự được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Bằng công nhận là “Làng nghề truyền thống”, UBND TP. Đà Lạt tặng danh hiệu là “Làng hoa đầu tiên” của xứ sở ngàn hoa Đà Lạt.

Ông Lê Văn Định đã đứng ra vay 500 đồng từ quỹ của Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ để thực hiện cho đợt di dân này. Số tiền vay được, ông trích ra 300 đồng gửi vào Đà Lạt cho Quản đạo Trần Văn Lý chuẩn bị cơ sở vật chất ban đầu, phần còn lại mua vé tàu hỏa và cấp cho những người được tuyển chọn vào có chút vốn ban đầu chi tiêu, mua sắm công cụ sản xuất.

Năm 1936, có 35 người từ các làng chuyên canh rau, hoa nổi tiếng lâu đời quanh Hồ Tây như Quảng Bá, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc, Nghi Tàm (thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông nay là Hà Nội) xung phong vào Đà Lạt. Sau 6 tháng đến vùng đất mới, nơi khí hậu giá lạnh, núi đồi hoang vu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn cùng nỗi nhớ nhà nên có 15 người bỏ về quê cũ. Những người ở lại vẫn kiên trì khai phá đất đai. Họ viết thư về động viên vợ con, anh em họ hàng vào đoàn tụ gia đình hợp sức làm ăn. Nhờ đó, ấp Hà Đông được hình thành vào năm 1938 và tên gọi Hà Đông chính thức được ghi nhận trong giao dịch hành chính ở Đà Lạt.



 

 Cụ Vũ Hữu Xiêm chăm sóc vườn lan ở nhà riêng của cụ
Cụ Vũ Hữu Xiêm chăm sóc vườn lan ở nhà riêng của cụ
Bản đồ ấp Hà Đông
Bản đồ ấp Hà Đông




Đến làng hoa Hà Đông 81 năm lịch sử


Làng hoa Hà Đông ngày nay, không chỉ có người dân gốc Hà Đông mà có sự hiện diện của cư dân 44 tỉnh, thành phố từ mọi miền đất nước.

Đầu năm 1939 có thêm 19 người nữa vào Đà Lạt, và từ năm 1940 đến 1942 lại có thêm 47 người nữa. Dân cư ngày càng đông hơn và cuộc sống trên vùng đất mới đã bắt đầu ổn định và phát triển, tính đến nay đã 81 mùa xuân.


 

Người dân ấp Hà Đông thu hoạch dâu tây
Người dân ấp Hà Đông thu hoạch dâu tây




Nói về nghề trồng hoa, cụ Xiêm vẫn nhớ trong các đợt người “ngoài quê” khăn gói vào Đà Lạt đều mang theo hạt giống, củ giống các loại rau hoa để canh tác. Trong ký ức của cụ Xiêm thì ông Nguyễn Văn Dụng là người trồng hoa huệ (lay ơn) đầu tiên ở Hà Đông với nhiều màu sắc rực rỡ; còn cụ Nguyễn Phượng Toàn lại là người tiên phong trồng thử nghiệm thành công cây dâu tây trên đất Hà Đông.

“Lúc đó quanh ấp Hà Đông có ba khu biệt thự dành cho các quan chức người Pháp sinh sống, nên họ thường tới ấp Hà Đông mua hoa về chưng và mua rau để tiêu dùng”, cụ Xiêm nhớ lại.


Với tinh thần chịu thương chịu khó, hăng say lao động, người dân Hà Đông còn biết ứng dụng kinh nghiệm nhiều đời trồng rau, trồng hoa ở đất Bắc và có nhiều sáng kiến nhằm khắc phục những khó khăn của thời tiết giá lạnh để rau, hoa cho năng suất cao.



Theo các nhà nghiên cứu về Đà Lạt, thì cụ Ngô Văn Ngôn là người đầu tiên trồng hoa thương phẩm, khi cụ cất công mang 2.000 củ hoa lay ơn từ Hà Nội vào Hà Đông trồng thành vườn hoa đầu tiên ở Đà Lạt. Tiếp đó là hoa thược dược, violet… Hoa bán cho các gia đình công chức Pháp rất được giá. Từ đó, nhiều gia đình khác tiếp tục mang theo nhiều giống hoa cúc, huệ vào trồng…


 

 Ngày xưa người dân ấp Hà Đông tưới nước bằng đôi thùng trên vai
Ngày xưa người dân ấp Hà Đông tưới nước bằng đôi thùng trên vai



Cụ Xiêm và cụ Vũ Hữu Thừa (76 tuổi, em ruột cụ Xiêm) vẫn nhớ như in đôi thùng tưới nước gánh trên vai. Mỗi sáng sớm, vườn dâu, vườn hoa bị sương muối giăng phủ trắng xóa là lúc nông dân làng hoa phải chuẩn bị thùng tưới, đốt sẵn đống lửa bên bờ hồ, chờ khi mặt trời bắt đầu mọc, thì lội xuống hồ múc nước tưới cho sương muối tan, nếu không kịp thời thì hoa, rau, dâu sẽ bị “cháy” vì giá rét. “Cứ tưới được vài ba đôi lại phải chạy tới đống lửa để hơ tay chân khỏi bị cóng”, cụ Thừa kể. Đến những năm 60 của thế kỷ 20 thì ấp Hà Đồng mới có máy bơm để tưới rau, hoa.

 

 Canh tác hoa cúc công nghệ cao ở làng hoa Hà Đông
Canh tác hoa cúc công nghệ cao ở làng hoa Hà Đông


Tuy diện tích làng hoa Hà Đông chỉ khoảng 30 ha, nhưng hầu hết canh tác theo công nghệ cao trong nhà kính nên thu nhập từ nghề trồng hoa rất ổn định.

Ông Vũ Nhuần (con ông Vũ Thiên), Phó làng hoa Hà Đông cho biết: “Làng hoa hiện canh tác các loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa cúc. Mỗi hecta cho thu nhập bình quân 1,5 tỉ đồng/năm. Làng hoa có hơn 10 cơ sở ươm các giống hoa mới, đa dạng chủng loại cho năng suất cao”.

Làng hoa Hà Đông góp mặt nhiều gương mặt nông dân sản xuất giỏi của TP.Đà Lạt như ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn lan Anh Quỳnh, chuyên canh tác địa lan; ông Nguyễn Văn Đông, chủ vườn hoa Đông Nga, đang thiết kế khu du lịch canh nông mà “điểm nhấn” là vườn hoa hồng cổ độc đáo. Ông Vũ Nhuần chuyên canh hoa cúc, loa kèn; ông Tạ Văn Minh, chuyên sản xuất giống hoa cúc các loại; ông Tạ Minh Quân, chuyên canh hoa cát tường; ông Nguyễn Đình Bộ, người có nhiều kinh nghiệm canh tác hoa quỳnh…


 

Chăm sóc hoa ở làng hoa Hà Đông
Chăm sóc hoa ở làng hoa Hà Đông




Ông Phan Hữu Giản (người Hà Nội, nghỉ hưu tại làng hoa Hà Đông, nguyên Bí thư Thành Ủy Đà Lạt) nhận định: “81 năm qua, các bậc tiền bối của ấp Hà Đông ngày ấy và hậu duệ của các cụ đã cùng đồng bào từ nhiều vùng miền trong cả nước đoàn kết phấn đấu “phá thạch khai sơn” xây dựng nên cộng đồng dân cư trên quê hương mới là làng hoa Hà Đông bây giờ”.

Không giấu được niềm tự hào, ông Phan Hữu Giản nói: “Trải qua bao khó khăn gian khổ, ông bà ta vẫn không ngừng phát huy truyền thống lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo, kinh nghiệm sản xuất và tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của đất “ngàn năm văn hiến”; khai thác các tiềm năng thế mạnh của cao nguyên Lâm Viên được thiên nhiên ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của bản thân và gia đình mình. Đồng thời, tích cực góp phần làm cho thành phố “ngàn hoa” ngày càng thêm tươi đẹp”.




 

Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông
Nhà văn hóa Làng hoa Hà Đông




Năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Phan Hữu Giản đã vận động TP.Hà Nội hỗ trợ làng hoa Hà Đông chỉnh trang, nâng cấp Nhà Văn hóa làng hoa Hà Đông. Nơi đây được lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu thời lập ấp, các kỷ vật, công cụ lao động… của làng hoa.

Hiện nay, một số trang trại của làng hoa Hà Đông trở thành điểm tham quan, trải nghiệm, học tập của du khách, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng.

Lâm Viên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm