Lần theo đường dây bán rùa trái phép tại trung tâm Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần đây, TP.HCM xuất hiện hàng chục điểm bán rùa với nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau và giá cả dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
 
Cá thể rùa bị bán tràn lan trên địa bàn TP.HCM. ẢNH: THANH TÂM
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, những nhóm này phân chia địa bàn và thường xuyên thay đổi địa điểm khi xong một “phi vụ” bán rùa.
Tại các giao lộ, người bán ngồi sát vỉa hè rồi đặt rùa lên trên viên gạch và luôn có từ 1 - 2 người cảnh giới phía sau. Những cá thể rùa bị rao bán tại đây đều là loại nguy cấp quý hiếm được liệt kê trong danh mục những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm hạn chế khai thác cho mục đích thương mại, chỉ được phép khai thác, buôn bán nếu có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của các cá thể rùa này. Thế nhưng, tình trạng mua bán rùa trái phép trên đã diễn ra nhiều tháng qua và đang là hồi chuông báo động về việc bán động vật quý hiếm tràn lan. 
Buôn bán tràn lan, số lượng lớn
Từ tháng 6.2019, PV Thanh Niên nhận được nhiều tin phản ánh về tình trạng mua bán rùa trái phép xảy ra dày đặc ở các góc đường: Q.1, Q.3, Q.5, Q.7, Q.10, Q.11, Q.Thủ Đức (TP.HCM)... với cách thức buôn bán giống nhau. Nhóm phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu sự việc.
9 giờ ngày 19.6, tại góc đường Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo  (Q.1), một người phụ nữ khoảng 50 tuổi bán 1 cặp rùa (đực và cái - PV) với giá 5 triệu đồng mà theo bà là rùa săn được và mang về từ Campuchia.
 
Cá thể rùa được người đàn ông tên Khả báo giá 3,5 triệu đồng và quảng cáo đã được khoảng 100 tuổi. ẢNH: TRẦN TIẾN
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc, chủng loại cũng như số lượng, người này đon đả mời chào: “Rùa lấy từ Campuchia về đó, ở đây làm gì có loại này. Hiếm lắm mới có một cặp, chị bán rẻ thôi, 5 triệu 1 cặp, còn bán lẻ thì 2,8 triệu 1 con”.
Theo quan sát cũng chúng tôi, đầu và mình cá thể rùa có nhiều vết xước, tróc vảy. Thấy chúng tôi quan sát một lúc nhưng không mua, lập tức một người phụ nữ lạ mặt đến ngồi sát chúng tôi tỏ ra đề phòng.
Sáng cùng ngày, tại một điểm cách người phụ nữ này bán khoảng 200 m, cũng xuất hiện một đôi nam nữ bán 1 cá thể rùa với kích thước dài khoảng 40 cm, chiều ngang cá thể rùa khoảng 25 cm. Chúng tôi vừa trờ tới, người phụ nữ khoảng 30 tuổi lập tức đứng dậy đon đả hỏi han: “Mua rùa hả em, mua đi, về làm cảnh hay phong thủy cũng đẹp lắm!”.
Khi chúng tôi hỏi “con này bao nhiêu, loại gì?” thì người đàn ông tên Khả (khoảng 35 tuổi) ngồi trực sẵn phía sau nhanh nhảu bước đến quảng cáo: “Bán rẻ cho em 3,5 triệu một con. Đây là bà cụ (rùa cái - PV), rùa nước cạn 100 tuổi có rồi đó, con này còn lớn nữa, nó sống đến 300 năm cơ mà. Lấy bên Campuchia về chứ ở đây em tìm không ra đâu”.
Chúng tôi lắc đầu chê đắt, người đàn ông này trấn an: “Nếu em mua rùa rẻ thì bữa nào ghé lại anh bán cho rùa đất. Ở đây anh bán nhiều loại lắm, rùa đất, rùa núi vàng, rùa sen”. Nói xong, người này dẫn chúng tôi vào phía trong rồi lấy ra một cá thể rùa mà người này quảng cáo là rùa sen (tức rùa đất lớn - PV) và báo giá 1,8 triệu đồng. Thậm chí, Khả còn để lại số điện thoại chào mời khách nếu cần mua số lượng lớn có thể liên hệ và giao hàng tận nơi.
 
Cá thể rùa bị phơi năng, trên người có nhiều vết xước dẫn đến thể trạng yếu. ẢNH: C.T.V
Cùng ngày, PV cũng ghi nhận tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (Q.7) có đến 3 nhóm người chia nhau bán cá thể rùa ở 3 góc đường với cách thức tương tự.
Tại đây, một người đàn ông tên T. (khoảng 40 tuổi) mua một cá thể rùa răng với giá 5 triệu đồng. Anh T. cho biết vì thấy tội nên mua về để phóng sanh. Gặp được khách “sộp”, người phụ nữ tại đây niềm nở: “Chị còn một con nữa nè, em mua không chị bán rẻ cho!”. Nói rồi, người phụ nữ này vẫy tay ra hiệu, một người đàn ông từ xa chạy đến, trên tay cầm một cá thể rùa đựng trong bao rồi báo giá 4,5 triệu đồng.
Ngày 20.6, cũng tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập (Q.7), PV Thanh Niên tiếp tục ghi nhận tình trạng hoạt động rầm rộ của nhóm này. Từ 7 giờ, có khoảng 10 người, cả nam lẫn nữ tụ tập tại một góc đường với nhiều bao, nghi đựng cá thể rùa.
Tập trung khoảng 30 phút, nhóm này phân chia địa bàn rồi tản đi các điểm quanh khu vực TP.HCM. Thời điểm này, 6 người trong nhóm này tập chia 3 góc đường, để cá thể rùa lên viên gạch rồi mời chào người đi đường.
 
Một cá thể rùa được nhóm này bán với giá từ 1 triệu đến chục triệu đồng. ẢNH: TRẦN TIẾN
Từ 8 giờ đến 10 giờ cùng ngày, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhóm này bán được 2 con với giá khoảng 10 triệu đồng. Cứ bán xong một con rùa, những người này lập tức rời chỗ bán, đi thẳng sang đường vào quán cà phê vỉa hè ngồi. Sau khoảng 15 - 20 phút lại tiếp tục bày rùa ra để bán.
Lực lượng kiểm lâm kêu khó xử lý!
Tuy nhiên, sau những ngày đeo bám, 3 ngày tiếp theo PV không thấy những nhóm này hoạt động tại các địa điểm cũ. Đến ngày 23.6, một số người dân tiếp tục phản ánh tình trạng bán cá thể rùa tràn lan trên đường Cách Mạng Tháng 8 - Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh). Theo người dân phản ánh, tình trạng của các thể rùa rất yếu, trên người có nhiều vết xước.
Theo quy định của pháp luật, các loại rùa răng, rùa đất lớn, rùa núi vàng mà các nhóm này buôn bán đều là các loài động vật nguy cấp quý hiếm được liệt kê trong danh mục những loài động, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019, hạn chế khai thác cho mục đích thương mại.
 
Nhóm bán rùa quảng cáo các cá thể rùa chủ yếu nhập từ Campuchia về Việt Nam. ẢNH: C.T.V
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV, cho biết những loài động vật chỉ được khai thác, buôn bán khi có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đối với những trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù.
“Mọi hành vi buôn bán dù nhiều hay ít cũng tác động tiêu cực đến quần thể loài, kích thích nhu cầu tiêu thụ, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Tôi đánh giá trường hợp bán tràn lan cá thể rùa trên địa bàn TP.HCM là vi phạm rất nghiêm trọng. Theo Trung tâm bảo tồn thiên nhiên ENV, trong thời gian gần đây đơn vị này đã nhận được hơn 20 báo cáo các trường hợp buôn bán hàng rong các cá thể rùa nói trên tại TP.HCM và báo cáo với cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý”, bà Hà cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết có nắm thông tin về buôn bán cá thể rùa trên địa bàn TP.HCM và xác nhận tình trạng này đã diễn ra từ 5 - 6 tháng qua. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào do có nhiều khó khăn khách quan.
“Do lực lượng chúng tôi khá mỏng, phân bố trải dài trên toàn địa bàn TP.HCM. Các đối tượng cũng nắm tình hình kiểm tra của anh em nên khó bắt giữ, họ thấy lực lượng kiểm lâm từ xa là thông báo nhau tẩu thoát đó là chưa kể chống đối lại. Thời gian qua, chúng tôi cũng bắt giữ được nhiều tang vật là các cá thể rùa. Chúng tôi đã đưa lên trạm cứu hộ, sau một thời gian sẽ thả trong môi trường tự nhiên”, ông Hưng cho biết thêm.
Phan Giang (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.