Lần đầu tiên giới y khoa ghi nhận: 2 anh em ruột chết do whitmore

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai bé trai 5 tuổi và hơn 1 tuổi - là hai anh em ruột ở Sóc Sơn, Hà Nội - đã tử vong tại Bệnh viện Nhi T.Ư hôm 31-10 và 16-11 cùng do bệnh whitmore.
 

Tránh tiếp xúc trực tiếp vào đất và nước nhiễm bẩn khi tay bị trầy xước - Ảnh: T.T.
Tránh tiếp xúc trực tiếp vào đất và nước nhiễm bẩn khi tay bị trầy xước - Ảnh: T.T.


Bệnh whitmore có thể lây sang người qua vết thương hở, qua không khí, nhưng với 2 cháu bé này thì Bệnh viện Nhi T.Ư sẽ đồng hành với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội để làm rõ xem nguồn bệnh ở đâu, các cháu có yếu tố nguy cơ nào hay không, nếu có vết thương hở thì cha mẹ chăm sóc như thế nào, từ đó cảnh báo chung cho cộng đồng.

Ông Trần Minh Điển
 

Đây là lần đầu tiên giới y khoa ghi nhận bệnh nhân là anh em ruột sống trong cùng một gia đình, cùng mắc bệnh whitmore, đều tử vong rất nhanh, nhưng nguồn lây ở đâu lại chưa rõ ràng.

Theo điều tra dịch tễ của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, ngoài hai bé trai này, gia đình kể trên còn có một bé gái 7 tuổi tử vong tháng 4-2019, do chứng nhiễm khuẩn huyết và viêm ruột hoại tử.

3 chị em mất có 2 bé mất do whitmore

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư Trần Minh Điển (đại diện bệnh viện đã điều trị cho 2 bé trai) cho biết bé gái điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, không có hồ sơ cho thấy cháu nhiễm vi khuẩn whitmore, nhưng 2 bé trai thì nhiễm whitmore tử vong nhanh.

Gia đình các cháu bé cho biết cháu trai 5 tuổi có sốt hôm 28-10, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư và có kết quả máu dương tính với vi khuẩn whitmore, đến 31-10 cháu tử vong. Em của cháu sinh năm 2018, khởi bệnh hôm 11-11, đến 16-11 thì tử vong và cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với whitmore.

Điều lạ lùng là từ trước đến nay bệnh hay gặp ở người lớn, những người dễ có yếu tố nguy cơ (đi làm đồng, lội bùn đất có vi khuẩn, thâm nhập qua vết thương hở trên da). Lần này bệnh lại xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt cháu bé hơn 1 tuổi mới biết đi, nguy cơ tiếp xúc bùn đất như thế nào rất khó xác định.

Ông Điển còn cho hay Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhi nhiễm whitmore ở trẻ em.

Hà Nội có chậm cảnh báo?

Từ sáng 18-11, mạng xã hội lan nhanh thông tin về nghi vấn cả ba cháu bé của gia đình này đều tử vong do whitmore, nhiều người lo ngại với vụ việc nghiêm trọng này. Thế nhưng TP Hà Nội chưa cảnh báo cho người dân, cũng chưa có khuyến cáo để người dân đỡ lo lắng, biết cách phòng bệnh.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội - cho rằng do đây là bệnh chưa có bằng chứng có lây từ người sang người và hiện chưa ghi nhận thêm ca bệnh tương tự nào khác trong thành phố, nên Hà Nội đang có những hành động đúng mực.

"Về kiến thức liên quan đến bệnh, ông Cảm cho biết từ nửa năm nay, báo chí đã thông tin nhiều về căn bệnh này, người dân cũng đã có những kiến thức nhất định về bệnh. Hà Nội sẽ sớm có khuyến cáo", ông Cảm nói.

Theo ông Cảm, whitmore được ghi nhận từ đầu thế kỷ 20, trước đây rất hãn hữu mới ghi nhận một bệnh nhân, gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện có tăng lên, tỉ lệ tử vong (ở bệnh nhân là người lớn) cũng lên tới 40-50%. Đây là hai ca whitmore bệnh nhi tử vong đầu tiên Hà Nội ghi nhận được trong năm nay.

Whitmore lây qua vết thương hở

Whitmore lây qua vết thương hở và khi lao động, tiếp xúc với bùn đất không có bảo hộ lao động. Một số ít trường hợp có thể lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Ông Điển khuyến cáo để phòng bệnh, người dân cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, chăm sóc vết thương hở bằng cách sử dụng sát trùng làm sạch vết thương, có công cụ bảo hộ lao động, lau dọn các bề mặt nhà cửa, bàn ghế... để đảm bảo vệ sinh.

Dù không phải là bệnh có tần suất xuất hiện nhiều, nhưng whitmore là căn bệnh nguy hiểm do tỉ lệ tử vong cao, những người được cứu sống thì khó điều trị do dễ nhầm sang bệnh khác, thời gian điều trị dài. Vì vậy, nên tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế để phòng tránh căn bệnh này, đảm bảo sức khỏe và tính mạng chúng ta.


 

Nhiều ca bệnh whitmore

Trong năm nay, Bệnh viên Đa khoa tỉnh Yên Bái phát hiện 6 bệnh nhân mắc bệnh whitmore, đã cứu chữa thành công 2 người, 4 người tử vong do vào viện quá muộn. Nhiều ca bệnh whitmore xuất hiện tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, Bình Định...

 

5 biện pháp phòng bệnh whitmore

1. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

2. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

3. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

4. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm

sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

5. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Thái Thịnh



Lan Anh (TTO)

Có thể bạn quan tâm