Lâm tặc hạ gỗ quý gần chốt bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lâm tặc ung dung đốn hạ những cây gỗ pơ-mu quý hiếm hàng trăm tuổi gần chốt bảo vệ rừng nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng cho rằng không biết

Ngày 23-2, lực lượng chức năng huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào rừng để khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ pơ-mu quý hiếm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Liên quan đến vụ việc này, Công an huyện Krông Bông mật phục bắt giữ 9 đối tượng đang dùng 5 con trâu chở 7 m3 gỗ pơ-mu khai thác trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Theo báo cáo của công ty vào ngày 23-2, có tổng cộng 15 điểm nằm trong tiểu khu 1198 và 1219, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị lâm tặc chặt hạ cây pơ-mu (nhóm IIA). Tổng cộng có 15 cây đường kính từ 70-100 cm bị hạ, khối lượng còn lại hiện trường hơn 32 m3.


 

Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk bắt vụ khai thác gỗ pơ-mu ở lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông
Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk bắt vụ khai thác gỗ pơ-mu ở lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông



Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, cho biết vào đêm 30 Tết vừa qua, trên 20 đối tượng mang theo 5 cưa máy vào sát chốt quản lý bảo vệ rừng của phân trường Ea Tlong (thuộc tiểu khu 1164) phá rừng.

Trước tình hình này, lực lượng của công ty chỉ biết vận động các đối tượng dừng phá rừng. Trả lời câu hỏi vì sao không thông báo cho Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Krông Bông xử lý, ông Tuấn cho hay: "Lúc đó vào đêm 30 Tết, nếu thông báo cho các lực lượng khác cũng khó (!)".

Cũng theo ông Tuấn, ngoài vụ việc nói trên, trong 2 tháng đầu năm 2021, trên lâm phần của công ty xảy ra 88 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ hàng chục mét khối gỗ lậu và gây thiệt hại khoảng 20 ha rừng. Còn trong năm 2020, trên lâm phần của công ty xảy ra 14 vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng hơn 31 m3 gỗ và 204 vụ phá rừng để lấn chiếm đất gây thiệt hại hơn 48 ha rừng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực khai thác gỗ lậu cách chốt quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 1219 khoảng 1,5 km. Trong khi tiếng cưa máy có thể vang xa đến hơn 3 km. Sau khi phá rừng, lâm tặc đã dùng 5 con trâu chở những tấm gỗ pơ-mu có đường kính cả mét ung dung vượt chốt quản lý bảo vệ rừng của tiểu khu 1206.

Lý giải về việc này, ông Tuấn cho rằng trong dịp Tết nguyên đán, lực lượng quản lý bảo vệ rừng nghỉ nhiều. "Chúng tôi mong muốn cơ quan công an sớm điều tra, làm rõ có hay không việc cán bộ phân trường, trực chốt làm ngơ cho lâm tặc và xử lý theo quy định" - ông Tuấn nói.

 

Tái xuất hiện tình trạng phá rừng chiếm đất

Ngày 23-2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết các cơ quan chức năng trên địa bàn TP Đà Lạt đang phối hợp điều tra vụ phá rừng phòng hộ với hơn 3.600 m2 tại tiểu khu 158B, xã Tà Nung (TP Đà Lạt), được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty TNHH Thanh Đa quản lý. Lực lượng chức năng đã xác định 2 đối tượng là Đào Khắc Quý (68 tuổi; trú xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) và Vũ Hồng Cường (57 tuổi; trú xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) có hành vi phá rừng tại khu vực trên. Cơ quan chức năng xác định đây là vụ phá rừng lấn chiếm đất. Theo ghi nhận, trong năm 2020, tại các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh, Đam Rông (Lâm Đồng), liên tục xảy ra tình trạng phá rừng lấn chiếm đất.

Đ.Thi


Bài và ảnh: Cao Nguyên
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm