Làm giàu nhờ thay đổi tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Đak Pơ, Gia Lai phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều nông dân nhờ thay đổi tư duy sản xuất đã vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. 
Hàng ngàn hộ sản xuất kinh doanh giỏi
Gia đình ông Lê Văn Sáu (làng Krong-Hra, xã Yang Bắc) có 20 ha đất chuyên trồng mía. Năm 2015, khi nguồn thu từ cây mía trở nên bấp bênh, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng 7 ha keo, 3 ha na, mãng cầu, dừa xiêm, 2 ha dứa Queen và đào 2 ao nuôi cá. Ông Sáu cho biết: “Đến nay, trừ cây keo còn đang chăm sóc, các loại cây khác đều đã được thu hoạch. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng”.
Cũng là nông dân sản xuất giỏi, anh Phạm Thành Công (thôn Tân Phong, xã Tân An) chia sẻ, gia đình anh có 3 sào đất trước đây chỉ trồng rau theo lối truyền thống. Năm 2012, anh vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đầu tư làm 1 nhà lồng với diện tích 1 sào để trồng rau giống cung cấp cho người dân trong vùng. Đến nay, anh đã mở thêm 2 nhà lồng nữa để trồng rau. “Lúc mới làm, do chưa nắm vững kỹ thuật, tôi phải học hỏi qua bạn bè, bà con nông dân trong vùng và tự tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, tôi dần tích lũy được kinh nghiệm để trồng rau đảm bảo hiệu quả. Bà con đặt giống rau gì thì tôi trồng giống đó. Rau giống được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên khả năng kháng sâu bệnh tốt, năng suất, chất lượng đạt cao. Mỗi năm, gia đình tôi lãi khoảng 250 triệu đồng từ trồng rau giống”-anh Công cho biết thêm.
 Ông Lê Văn Năm (thị trấn Đak Pơ) bên vườn quýt sai quả của gia đình. Ảnh: L.A
Ông Lê Văn Năm (thị trấn Đak Pơ) bên vườn quýt sai quả của gia đình. Ảnh: L.A
Tại tổ 3 (thị trấn Đak Pơ), gia đình ông Lê Văn Năm có tiếng là làm ăn giỏi. Có 20 ha đất, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng mía. Năm 2015, ông quyết định phá mía để trồng 1,5 ha quýt đường, 5 sào hồ tiêu và 150 cây chuối cấy mô. Ông Năm vui vẻ cho biết: “Năm 2018, gia đình tôi thu được 18 tấn quýt, bán với giá 23.000 đồng/kg được hơn 400 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình còn lãi 200 triệu đồng. Năm nay, ước tính thu nhập sẽ còn cao hơn. Từ khi chuyển bớt diện tích mía sang trồng cây ăn quả, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 700 triệu đồng”.
Theo Hội Nông dân huyện Đak Pơ, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội trên địa bàn đã tổ chức cho hơn 4.450 hội viên đăng ký xây dựng gia đình sản xuất kinh doanh giỏi. Hiện trên địa bàn huyện có 3.120 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, thu nhập bình quân hàng năm từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có 2.165 hộ; thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng có 790 hộ; thu nhập 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có 150 hộ; thu nhập trên 500 triệu đồng có 15 hộ. Toàn huyện hiện có 359 trang trại và dịch vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của hội viên, nông dân.
Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân
Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt hiệu quả thiết thực, Hội Nông dân huyện Đak Pơ đã có nhiều hoạt động phối hợp hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật. Hội đã xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân được hơn 440 triệu đồng, cho 93 hội viên, nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương hỗ trợ cho Quỹ 700 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Phú An và An Thành với 10 hộ hội viên, nông dân tham gia, tổng kinh phí 200 triệu đồng; dự án trồng rau an toàn tại xã Tân An với 40 hội viên tham gia, tổng kinh phí 200 triệu đồng; dự án trồng rau an toàn và trồng dứa, mỗi dự án có kinh phí 100 triệu đồng, 20 hội viên tham gia. Ngoài ra, từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, Hội tiếp tục quản lý tốt dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tân An (có 20 hộ tham gia, tổng kinh phí 600 triệu đồng); từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội tiếp tục đầu tư dự án trồng na tại xã Cư An (có 15 hội viên tham gia, tổng kinh phí 450 triệu đồng).  
Ngoài nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Đak Pơ còn ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho 2.102 hộ hội viên vay với tổng dư nợ hơn 73,3 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Đak Pơ đã giải ngân cho 907 hộ vay với tổng dư nợ 87 tỷ đồng. Qua những hoạt động tích cực trên, ngày càng có nhiều hộ nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Từ năm 2017 đến nay, Hội đã kết nạp được thêm 500 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 7.714 người.
Ông Nguyễn Đình Nhỏ-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Pơ-cho biết: “Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng phát triển, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cấp, các ngành trong vấn đề tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.
 LAN ANH

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.