Làm gì khi trộm vào nhà?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 2 ngày, một nhà báo ở TP. Hồ Chí Minh đăng lên facebook cá nhân tấm ảnh “chế” về cuộc đối thoại giữa chủ nhà với tên trộm đột nhập. Theo nội dung tấm ảnh, khi phát hiện tên trộm vào nhà mình ban đêm, chủ nhà rất nhã nhặn: “Tôi hỏi khí không phải, bác có phải là ăn trộm không?”. “Vâng, em là ăn trộm đây”-tên trộm trả lời.

Chủ nhà tiếp tục hỏi: “Chết thật, đêm hôm thế này bác đã ăn uống gì chưa?”. Khi tên trộm trả lời chưa, chủ nhà liền quát vợ nấu cơm để mời… “bác trộm”. “Lúc nãy may thật, tôi mà nóng tính chém bác thì giờ ở tù mọt gông rồi”-chủ nhà nói khi tên trộm ngồi ăn cơm. Tên trộm đáp lời: “May là bác mời cơm chứ hô hoán lên là em đã xiên bác vài nhát”.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những dòng đối thoại giữa chủ nhà và tên trộm mà nhà báo nọ gọi là “Bộ quy tắc ứng xử khi trộm vào nhà” xuất hiện trên mạng xã hội chỉ ít ngày sau khi ông Lê Minh Phương (một người dân ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội danh “Giết người” do cầm kiếm chém một thiếu niên đột nhập vào nhà trộm cắp tài sản gây thương tích tạm thời 61%. Vậy cái gọi là “Bộ quy tắc ứng xử khi trộm vào nhà” khá hài hước mà cộng đồng mạng đang chia sẻ nói lên điều gì? Phải chăng đó là một sự giễu nhại đầy chua chát với quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Minh Phương của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm? Hay rộng hơn, đó là phản ứng không đồng tình của nhiều người với các quy định hiện thời của pháp luật, cụ thể ở đây là Bộ luật Hình sự?

Trong thực tế, không phải sự phản ứng nào của dư luận cũng đúng. Nhưng sự bức xúc của dư luận xung quanh việc liên tiếp các chủ nhà bị vướng vòng lao lý vì bắt trộm, đánh lại kẻ trộm là điều có thể hiểu được. Bởi lẽ, lâu nay, nạn trộm cắp tài sản đã trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ và căm phẫn của người dân khắp mọi nơi. “Của đau, con xót” nhưng điều nhiều người dân lo sợ không hẳn chỉ là việc mất trộm tài sản, mà lớn hơn là sợ kẻ trộm manh động ra tay tấn công, sát hại khi bị phát hiện, chống lại. Những vụ án như Lê Văn Luyện ở Bắc Giang năm 2011, Nguyễn Văn Kỳ ở Hà Nội năm 2015 hay Nguyễn Văn Tiến ở Đức Cơ năm 2014 ra tay sát hại nhiều người khi bị phát hiện là minh chứng điển hình cho điều này.

Ngay sau khi ông Lê Minh Phương bị khởi tố và bắt tạm giam, trước phản ứng của dư luận, nhiều luật sư, chuyên gia tội phạm học uy tín đã lên tiếng. Bên cạnh việc chia sẻ với sự bức xúc của người dân, nhiều luật sư cho rằng, dù vụ án này có nhiều tình tiết còn cần làm rõ song quyết định của Cơ quan Điều tra là có cơ sở bởi hành vi của ông Phương đã có dấu hiệu vượt quá mức phòng vệ chính đáng được pháp luật quy định. Còn về cách ứng phó khi đối mặt với kẻ trộm, theo Trung tá Đào Trung Hiếu-một chuyên gia tội phạm học-cách tốt nhất là tránh đối đầu với chúng vì ưu tiên số một của người dân là bảo vệ sự an toàn của bản thân và gia đình.

Về việc đánh phủ đầu kẻ gian ngay khi phát hiện như nhiều người đã làm, Trung tá Hiếu cũng ủng hộ, song vị chuyên gia này lưu ý: “Để chắc chắn việc phòng vệ không khiến bản thân vướng vào lao lý, mọi người hãy nhớ một điều rằng, mọi hành động chống trả lại kẻ gian là nhằm bảo vệ sự an nguy của bản thân và gia đình, hãy dừng lại ở mức độ đủ để vô hiệu hóa nguồn nguy hiểm hoặc hành vi tấn công đang thực tế diễn ra của tội phạm”.

Những hướng dẫn, khuyến cáo của Trung tá Đào Trung Hiếu nói trên rất đáng để mọi người lưu tâm, áp dụng trong tình huống phát hiện trộm đột nhập vào nhà. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hành vi phòng vệ chính đáng với hành vi cố ý gây thương tích, thậm chí giết người khi tấn công lại kẻ trộm theo quy định pháp luật hiện nay còn khá mong manh.

Vì vậy, để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, tránh phải vướng vào vòng lao lý, mỗi người dân cần tự có phương án đảm bảo an toàn cho ngôi nhà của mình, không cho kẻ xấu có cơ hội xâm nhập. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần có sự đổi thay phù hợp nhằm đảm bảo hơn nữa quyền bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân khi bị xâm hại. Đồng thời, cơ quan Công an cũng cần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng-chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp, để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tránh để người dân rơi vào hoàn cảnh “tiền mất, tội mang”.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.