Lâm Đồng: Trồng vườn cây đặc sản, mới hái trái từ 250 cây mà một nông dân đã thu 500 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi năm, vườn măng cụt của ông Vũ Phi Hùng (xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thu hoạch trung bình 15 tấn trái. Những năm không ảnh hưởng dịch bệnh, ông bán được với giá trung bình 60 ngàn đồng/kg.
Một trong những người đầu tiên trồng măng cụt thương phẩm, góp phần tạo nên những vườn măng cụt xanh tốt trên đất núi Bảo Lộc cũng như định hướng nông dân liên kết tiêu thụ măng cụt với sản lượng lớn, giá ổn định và tha thiết với thương hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”; đó là ông Vũ Phi Hùng, người mà ai trồng măng cụt xứ B’Lao cũng biết.
 
Ông Vũ Phi Hùng ((xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn cây măng cụt 33 tuổi
Ông Vũ Phi Hùng ((xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bên vườn cây măng cụt 33 tuổi
Bắt đầu từ cây măng cụt cổ thụ
Đất Bảo Lộc xưa vốn chỉ nổi tiếng với những đồi chè bát ngát, những vườn cà phê trĩu trái. Giống như bà con xung quanh, ông Vũ Phi Hùng, đường Lê Đình Chinh, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc cũng mua đất làm cà phê. 
Trong khu vườn mênh mông có vài cây măng cụt được chủ cũ trồng từ năm 1972, trái vẫn ra đều, chất lượng trái ngon, màu đẹp. Vì vậy, ông Hùng mày mò tìm giống, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng cụt, một loại cây được mệnh danh với cái tên mỹ miều “Nữ hoàng trái cây”. 
Và trời không phụ lòng người, từ 200 cây măng cụt con được trồng năm 1998, hiện nay ông Hùng có trên 4 ha măng cụt với 700 cây, trong có 250 cây đang cho trái, chủ lực là 200 cây trồng lứa đầu tiên.
Mỗi năm, vườn măng cụt của ông Vũ Phi Hùng thu hoạch trung bình 15 tấn trái. Những năm không ảnh hưởng dịch bệnh, ông bán được với giá trung bình 60 ngàn đồng/kg. Mùa măng cụt năm nay, dù dịch bệnh ảnh hưởng, ông vẫn bán được với giá 42 - 45 ngàn đồng/kg. 
Theo ông Hùng, măng cụt Bảo Lộc có giá trước tiên là do lệch vụ với măng cụt các vùng khác, thường măng cụt thu từ tháng 2-6 Âm lịch, riêng Bảo Lộc măng cụt tới tháng 8 mới bắt đầu rộ.
Và quan trọng, chất lượng trái măng cụt Bảo Lộc rất khác biệt.
“Do khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên trái măng cụt rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày - trắng muốt, độ chua ngọt rất thanh và tỷ lệ hư hao thấp. Măng cụt nhà tôi đóng thùng đi xa, trăm trái mới hư vài trái, khách hàng rất chuộng”, ông Hùng chia sẻ.
Điều đặc biệt là trừ thời gian chăm sóc ban đầu hơi khó một chút, khi đã trưởng thành cây măng cụt đòi hỏi rất ít công chăm sóc. 
Mỗi cây măng cụt chỉ “ăn” khoảng 10 kg phân/năm, chia làm 2 lần, chủ yếu vào thời gian ra hoa đậu quả. Chi phí cho nguyên 4 ha măng cụt không quá 50 triệu đồng/năm, trong khi doanh thu đạt trung bình 500 triệu đồng, thuộc dạng trái cây “làm ít, ăn nhiều”. 
Vì vậy, nông dân Bảo Lộc đang tích cực mở rộng diện tích măng cụt, có trồng xen trong vườn cà phê, với các loài cây ăn trái khác và cũng có nhiều vườn trồng thuần.
Góp sức cho thương hiệu măng cụt Bảo Lộc
Ông Hùng cho biết, không chỉ là nhà vườn trồng măng cụt, điều ông chờ đợi là tất cả nông dân trồng măng cụt đều có thu nhập tốt. Vì vậy, ông là người tiên phong liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các nông hộ trồng măng cụt. 
Hàng năm, ông thu mua trái măng cụt cho bà con nông dân Lộc Sơn, Lộc An từ 200 - 300 tấn trái. 
Ông cho biết: “Tôi đã tìm được đầu ra rất ổn định cho trái măng cụt Bảo Lộc, sản lượng bao nhiêu cũng hết với giá thành có thể nói khá có lời cho người trồng, từ 40 - 45 ngàn đồng/kg măng cụt bán xô. Quan trọng là nông dân phải sản xuất cùng một tiêu chuẩn, đầu ra sẽ ổn định, tạo danh tiếng cho thương hiệu măng cụt Bảo Lộc”. 
Hiện thành phố Bảo Lộc có khoảng 250 - 300 ha trồng măng cụt, cả trồng xen và trồng thuần, là nguồn cung ứng trái dồi dào.
Riêng vườn măng cụt nhà ông Hùng năm 2021 đã được Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc hỗ trợ xây dựng chứng chỉ VietGAP, làm măng cụt sạch. 
Theo ông Hùng, phải mở rộng việc xây dựng chứng chỉ cho các nông hộ trồng măng cụt bởi trên thực tế, xưa nay nông dân trồng măng cụt rất sạch. Chỉ cần phun ngừa nấm, sâu vẽ bùa 1 - 2 đợt/năm là cây khỏe mạnh. 
Việc giúp nông dân “chuẩn hóa” quy trình sẽ giúp tăng giá trị trái măng cụt. Anh Đinh Quang Chung, nông dân Thôn 7, xã Đại Lào cho biết, anh cũng là một trong các nông hộ thống nhất với sự vận động của ông Vũ Phi Hùng, cùng đồng hành xây dựng tiêu chuẩn vườn sạch, trái ngon, cung ứng trái cùng ông Vũ Phi Hùng. 
Không chỉ anh Chung, rất nhiều nông hộ đang hợp tác cùng ông Vũ Phi Hùng để có một thị trường rộng mở cho trái măng cụt B’Lao.
Là người nông dân, ông Vũ Phi Hùng rất tâm đắc với cây măng cụt phố núi. Ông bảo, cây măng cụt có sức sống cả trăm năm, cha mẹ trồng cây, đến con cháu vẫn thu trái. Với chất lượng và giá trị khá đặc biệt của cây măng cụt, nếu phát huy tốt thương hiệu “Măng cụt Bảo Lộc”, đây sẽ là loài cây đồng hành lâu bền với người nông dân, góp phần tạo nên sự thịnh vượng cho nông nghiệp cao nguyên.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm