Lâm Đồng: Trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học, nông dân nâng cao chất lượng nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc hướng dẫn người dân tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) trồng xen canh thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học đã giúp người dân thay đổi thói quen sử dụng “quá đà” thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, giúp tăng chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường.
Xã Gia Hiệp (Di Linh) nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, là nơi có diện tích đất bazan màu mỡ lớn, thích hợp với nhiều loại cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu... và cả cây mắc ca đã được người dân địa phương trồng từ nhiều năm nay.
Thay đổi thói quen canh tác, trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học
Theo thống kê của Hội Nông dân (ND) xã Gia Hiệp, hiện nay trên toàn địa bàn xã có gần 139ha trồng cây mắc ca với hơn 27.000 cây. Diện tích này có khoảng 30ha cho thu hoạch, tuy nhiên do trồng giống cũ nên năng suất thấp vì trái nhỏ, vỏ dày. 
Chính vì vậy, hiện nay Hội ND tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành triển khai thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã Gia Hiệp.

Hội Nông dân huyện Di Linh đã tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học trực tiếp tại vườn. Ảnh: V.L
Hội Nông dân huyện Di Linh đã tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học trực tiếp tại vườn. Ảnh: V.L
Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng đã được phê duyệt để hỗ trợ người dân trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, 1ha sẽ trồng 121 cây mắc ca (Nhà nước hỗ trợ 85 cây, còn lại là cây trồng đối ứng của người dân), sử dụng giống QN1 Him Lam cho năng suất, chất lượng cao.
Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hội triển khai xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học nhằm đầu tư phát triển hệ thống canh tác trồng xen mắc ca với cà phê, chè và các loại cây trồng khác. 
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, đồng thời tăng diện tích cà phê, chè được trồng cây che bóng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích.
Là một nông dân đã trồng mắc ca từ lâu tại xã Gia Hiệp, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Đoàn Ngọc Tuyền (55 tuổi, trú thôn Gia Lành, xã Gia Hiệp) cho biết: Trước đây, người dân như ông trồng mắc ca hay cây cà phê thì thường xuyên sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học nên đất bị hư hỏng, chai lì. Vì thế, năng suất cây trồng không cao, chất lượng thấp.
Hiện nay, ông Tuyền bên cạnh việc chăm sóc và cải tạo hơn 100 cây mắc ca được trồng xen trong vườn cà phê của gia đình (số cây này gia đình tự trồng trước đây), còn chăm sóc 200 cây mắc ca mà Nhà nước hỗ trợ thông qua dự án ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học. 
"Hội ND và cán bộ kỹ thuật đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho nông dân chúng tôi, hướng dẫn cách chăm sóc, ghép cải tạo và chăm sóc cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học. Cách làm này hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, vì thế đang thu hút người dân tham gia" – ông Tuyền nói.
"Cách làm này hạn chế thuốc BVTV, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, vì thế thu hút người dân tham gia".
Nông dân Đoàn Ngọc Tuyền (thôn Gia Lành, xã Gia Hiệp)
Ông Tuyền cũng cho hay, mắc ca là cây trồng phù hợp với vùng đất ở huyện Di Linh. Đặc tính cây mắc ca dễ chăm bón, nếu tưới đủ nước thì tỉ lệ đậu trái rất lớn. Trung bình, nếu 1 cây mắc ca 10 năm tuổi sẽ cho thu hoạch từ 20-30kg/vụ. Với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg thì người dân vẫn có thu nhập ổn định.
Góp phần giảm nghèo
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Xuân Hóa – Chủ tịch Hội ND huyện Di Linh cho hay, trong khuôn khổ của dự án, Hội ND tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật cho 15 hộ dân; cán bộ kỹ thuật đã tổ chức 2 lớp tập huấn đầu bờ. 
Đồng thời, nhiều người dân tại địa phương cũng được tham gia các lớp tập huấn để trồng mắc ca theo hướng an toàn sinh học. Hiện nay, người dân đã mạnh dạn đầu tư các giống mới có năng suất cao như của Viện Eakmat Đăk Lăk, Công ty Him Lam, Macca Việt... 
Tuy nhiên việc phòng sâu bệnh đục trái gặp khó khăn. Vì vậy, người dân mong muốn được hỗ trợ một số giống mới để ghép cải tạo thay thế các giống cũ năng suất thấp, tổ chức các hội thảo giới thiệu các loại thuốc sinh học diệt côn trùng đục trái để sử dụng khi trồng cây.
Ông Đa Cát Vinh cũng cho biết, khi thực hiện dự án trên, Hội đã giúp cho 15 hộ dân tham gia được hỗ trợ giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật canh tác trồng xen thâm canh cây mắc ca theo hướng an toàn sinh học. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. 
Mặt khác, khi triển khai, cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Di Linh nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung có điều kiện tham quan, học tập, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào canh tác, trồng xen cây mắc ca đạt hiệu quả, ổn định đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng.
Dự án khi thực hiện còn khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến tiêu thụ, nhằm xây dựng thương hiệu mắc ca Lâm Đồng, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Đồng thời vận động người dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV theo quy định đảm bảo cho người tiêu dùng và môi trường. 
Đặc biệt, dự án sẽ góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và nâng cao vai trò, vị thế của các cấp Hội ND. 
Theo Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null