Lâm Đồng phát huy hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi giúp các doanh nghiệp (DN) vượt qua thách thức, mở rộng thị trường, phát triển và hội nhập quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận kiểm tra tình hình sản xuất tại Nông trường Vineco Đa Nhim (Lạc Dương). Nguồn: Báo Lâm Đồng
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận kiểm tra tình hình sản xuất tại Nông trường Vineco Đa Nhim (Lạc Dương). Nguồn: Báo Lâm Đồng
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
Diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN được Lâm Đồng tổ chức định kỳ 2 lần/năm. Đây là hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong xúc tiến đầu tư, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và chủ động hội nhập quốc tế.
Trong 5 năm qua, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho DN đã được rút ngắn 20% so với thời gian quy định, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện tích cực, luôn được xếp hạng thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá và đứng đầu 5 tỉnh Tây Nguyên.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất giống, công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic...
Giai đoạn 2016-2020, đã có 9.768 lượt DN và hơn 179.000 lao động được hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO... hỗ trợ kinh phí trực tiếp từ ngân sách 1.670 triệu đồng để DN, HTX tự đào tạo nghề cho 2.400 lao động gắn với tuyển dụng.
Các sản phẩm nếp quýt Đạ Tẻh, sầu riêng Đạ Huoai, Trà B’Lao, rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành... được hỗ trợ đăng ký xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu sở hữu cộng đồng hoặc gia hạn văn bằng đã góp phần quảng bá sản phẩm, tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, kết nối cung cầu hàng hóa từ nhà sản xuất tại Lâm Đồng với nhà phân phối như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống chợ trong cả nước, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Khuyến khích các DN Khoa học và Công nghệ (Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật H.Q, Công ty TNHH một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, Công ty Cổ phần PAN - SALADBOWL) đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, ưu tiên hỗ trợ tham gia các chương trình phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ trong và ngoài nước.
Hiệp hội DN đã tham gia chủ trì và phối hợp với một số tổ chức, BUM (Hà Lan), Cục Xúc tiến Mậu dịch Hồng Kông, Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), VCCI, BNI Lâm Đồng... đẩy mạnh công tác tập huấn, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị điều hành DN, hỗ trợ liên kết hợp tác, xúc tiến thương mại, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Nhiều doanh nghiệp phát triển
Trong giai đoạn 2016 - 2020 số DN thành lập mới tăng bình quân mỗi năm 10%, đến nay có khoảng 10.000 DN (gấp 1,7 lần so với năm 2015), số vốn bình quân một DN đăng ký là 7,8 tỉ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, thu hút 99 dự án (trong đó, có 21 dự án FDI), tổng vốn đăng ký đầu tư là 5.985 tỉ đồng và 91,57 triệu USD. Tỉ lệ các DN lấp đầy Khu công nghiệp Lộc Sơn là 80%, Khu công nghiệp Phú Hội là 100%, các cụm công nghiệp 52%.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 400 HTX (tăng 23% so với cuối năm 2014) với hơn 61.370 thành viên và tổng số lao động thường xuyên trong khu vực kinh tế tập thể 10.807 lao động, trong đó có 60 HTX đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.
Hiện có 4 Liên hiệp HTX (tăng 100% so với cuối năm 2014), trong đó có 1 Liên hiệp HTX phi nông nghiệp và 3 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Có 25 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (tăng 19% so với năm 2014), với tổng số khoảng 50.000 thành viên, gần 400 lao động làm việc thường xuyên (tăng 38% so với năm 2014)...
Nhiều DN từng bước cải tiến và hoàn thiện năng lực quản lý và đáp ứng yêu cầu của các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được giải thưởng chất lượng sản phẩm hàng hóa quốc gia và quốc tế như: Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương và Giải Vàng chất lượng quốc gia (2016), Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng đạt Giải Bạc chất lượng quốc gia (2016)...
ĐỨC THIỆM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm