Lâm Đồng: 100% hộ nông dân xã kinh tế mới đều vào "sân chơi tỷ phú" nhờ trồng sầu riêng theo cách này

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mô hình "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú" ở xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng là mô hình "có một không hai" đã giúp nhân dân xã kinh tế mới này vươn lên trở thành địa phương giàu nhất huyện.
Tôi thực sự bị "hấp dẫn" khi lãnh đạo huyện Đạ Huoai giới thiệu mô hình "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú" ở xã Hà Lâm. Sau khi làm việc với Đảng ủy và thăm một số hộ tỷ phú tiêu biểu của Câu lạc bộ (CLB); quả thực, đây là mô hình "có một không hai" đã giúp Nhân dân xã kinh tế mới này vươn lên trở thành địa phương giàu nhất huyện.
 
Sầu riêng, loại cây cho thu nhập cao của nông dân xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai
Sầu riêng, loại cây cho thu nhập cao của nông dân xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai
"Câu lạc bộ nông dân tỷ phú" - tên gọi không ngoa
Năm 1986, xã Hà Lâm được thành lập. Toàn xã hiện có 4 thôn, 926 hộ với 3.721 nhân khẩu.
Nhận thấy Hà Lâm rất có triển vọng về phát triển kinh tế vườn theo mô hình tập thể, lãnh đạo huyện Đạ Huoai, trực tiếp Bí thư Huyện ủy - Nguyễn Quý Mỵ đã chỉ đạo, gợi mở ý tưởng… Và, đây cũng là tâm huyết của Đảng ủy, UBND xã Hà Lâm muốn xây dựng một mô hình nhằm tập hợp nông dân để hỗ trợ nhau sản xuất, làm giàu…
Sau khi UBND và Hội Nông dân xã phối hợp, đề xuất và được Trung tâm Nông nghiệp huyện tư vấn, hướng dẫn thủ tục, các bước…, ngày 10/7/2013, “CLB làm vườn thu nhập cao” xã Hà Lâm được thành lập, với 47 hội viên tham gia. Trước đó, CLB này còn có tên “CLB thu nhập 200 triệu”.
Để thuận lợi trong hoạt động, CLB chia hội viên thành 2 CLB có tên: CLB số 1 (gồm các hội viên ở Thôn 1 và Thôn 2); CLB số 2 (các hội viên ở Thôn 3 và Thôn 4). CLB có Ban Chủ nhiệm phụ trách, điều hành sinh hoạt. 
Hội Nông dân xã Hà Lâm trực tiếp quản lý hoạt động 2 CLB này. Tổng diện tích cây sầu riêng của hội viên trong 2 CLB góp để cùng sản xuất, chủ yếu giống sầu riêng ghép (Ri 6 và Monthong) là 78 ha/tổng số 162,4 ha vườn của các hội viên đang sở hữu.
Ông Vương Đình Hảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lâm cho biết: Mục đích thành lập “CLB làm vườn thu nhập cao” nhằm tập hợp những hộ gia đình có thu nhập cao từ sản xuất sầu riêng để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) và hướng dẫn áp dụng công nghệ mới vào thâm canh, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác để nông dân vươn lên làm giàu...
Ban Chủ nhiệm các CLB xây dựng kế hoạch hoạt động và duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Mỗi tháng, CLB phối hợp với Hội Nông dân xã và Trung tâm Nông nghiệp mời cán bộ kỹ thuật của Công ty Dona - techno tổ chức trao đổi lý thuyết cho các hội viên tại hội trường. 
Sau đó cùng ra vườn thực hành với hình thức “cầm tay chỉ việc” về kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, bón phân, cách phòng, trừ sâu bệnh trên cây sầu riêng ở từng giai đoạn phát triển cụ thể. Từ tháng 1 đến tháng 6: Bón phân, tỉa hoa, tỉa quả; từ tháng 7 -10: Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sau thu hoạch. Từ tháng 11 - 12: Chăm sóc sầu riêng chuẩn bị ra hoa…
Nhiều năm qua, Trung tâm Nông nghiệp huyện còn mời kỹ sư nông nghiệp ở các tỉnh Đông Nam bộ về tập huấn, chuyển giao KHKT, kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng, cây ăn quả cho hội viên CLB và nông dân xã Hà Lâm. Vì trước nay, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm cũ nên rất lúng túng, đặc biệt đối với các giống sầu riêng mới, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn; được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đúng cách, khống chế sâu bệnh, nhất là bệnh xì mủ trên cây sầu riêng… đã giúp sản lượng và chất lượng nông sản của nông dân nâng lên rõ rệt; thu nhập các hộ tăng gấp đôi so với trước.
Nhân rộng mô hình nông dân tỷ phú
“CLB làm vườn thu nhập cao” xã Hà Lâm thực sự trở thành “điểm sáng” trong nông dân của huyện Đạ Huoai. Để nhân rộng, phát triển mô hình nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng địa phương, từ năm 2016, UBND xã Hà Lâm đã thành lập thêm 2 Tổ hợp tác (THT) với 51 hội viên. Đến năm 2017 thành lập “Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn xã Hà Lâm”. 
Lúc thành lập, Hợp tác xã (HTX) có 17 xã viên, nay nâng lên 25 xã viên tham gia, tự góp vốn điều lệ (gần 500 triệu đồng). Hoạt động của HTX: Cung cấp dịch vụ đầu vào (các loại phân bón, thuốc BVTV…), bao tiêu sản phẩm của xã viên; tổ chức du lịch vườn; chuyển giao KHKT, áp dụng công nghệ vào sản xuất; hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap… Đến nay, HTX đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn xã có 51 hội viên, xã viên đã đăng ký hỗ trợ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng và cam kết tuân thủ các điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm sầu riêng Đạ Huoai.
HTX hoạt động có hiệu quả đã giúp xã viên áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Chỉ hơn 2 năm đầu hoạt động, có 11/25 xã viên có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, nhiều hộ xã viên có mức thu nhập rất cao như: Hộ ông Lê Quang Sơn (Thôn 1) thu nhập 2,4 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Long (Thôn 3) thu nhập 2 tỷ đồng; hộ ông Nguyễn Thanh Nghị (Thôn 1) thu nhập 3,7 tỷ đồng; hộ ông Phạm Doãn Chín (Thôn 4) thu nhập 2 tỷ đồng; cá biệt, hộ ông Nguyễn Minh Hồng Điệp (Thôn 2), với 17 ha rầu riêng và cây ăn quả, mỗi năm thu nhập từ 6 - 7 tỷ đồng…
Điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi lướt qua danh sách hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi xã Hà Lâm, có tới 369 hội viên; (nghĩa là số hộ có mức thu nhập khá, giàu chiếm gần 40% tổng số hộ trong toàn xã).
Ngoài “CLB nông dân tỷ phú”, “HTX Nông nghiệp và Du lịch miệt vườn” và 2 THT hoạt động rất hiệu quả nhiều năm qua, đến nay, tại 4 thôn của xã Hà Lâm đã thành lập mới 4 THT trồng sầu riêng và cây ăn quả, thu hút 90 hộ gia đình tham gia.
Như vậy, 100% hộ gia đình ở xã Hà Lâm đều tham gia “sân chơi tỷ phú” - mô hình kinh tế hợp tác tự nguyện đã và đang mang lại sự giàu có, sung túc cho Nhân dân ở một địa phương, chắc lẽ “có một không hai” trong cả nước hiện nay!
Lãnh đạo xã Hà Lâm cho biết, từ hoạt động có hiệu quả của các mô hình CLB, HTX, THT những năm qua đã tạo ra phong trào thi đua sản xuất mạnh mẽ trong Nhân dân; qua đó, nâng số hộ gia đình thu nhập cao và số hộ tỷ phú ngày càng gia tăng. Đặc biệt, hiện nay, xã Hà Lâm không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo…
Theo THANH DƯƠNG HỒNG (baolamdong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

Hỏi cây K'nia

Hỏi cây K'nia

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, người có vốn hiểu biết đáng nể về Tây Nguyên, vừa gặp tôi và than: "Em đang tìm làm một vệt clip về cây K'nia mà giờ khó tìm quá, hầu như đã hết".

null