Lại sụp lún gần hồ bùn đỏ Nhà máy Alumin Nhân Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình trạng sụp lún khu vực hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới canh tác và đời sống của người dân
Trong những ngày qua, nhiều diện tích đất quanh khu vực hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) tiếp tục sụp lún nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Gia đình ông Trần Có (thôn 1, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp) có diện tích đất khoảng gần 3 ha nằm gần hồ bùn đỏ của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Trong đó có 5.000 m2 nằm giáp với hồ bùn đỏ bị sụp lún nghiêm trọng, có nhiều chỗ đất bị sụp xuống cả 2 m, khiến gia đình ông lo lắng. Theo ghi nhận của phóng viên, những vết nứt từ 30 - 40 cm trước đây nay đã tăng lên gấp nhiều lần, nhiều đoạn đất bị sụp xuống từ 1,5 m đến gần 2 m.
Diện tích đất canh tác của người dân quanh hồ bùn đỏ tiếp tục sụp lún nghiêm trọng. Ảnh: Cao Nguyên
Diện tích đất canh tác của người dân quanh hồ bùn đỏ tiếp tục sụp lún nghiêm trọng. Ảnh: Cao Nguyên
Theo ông Trần Có, sau khi đất bị sụp lún từ tháng 8-2017, ông và những hộ dân xung quanh đã có đơn kiến nghị gửi khắp nơi, đề nghị chỉ đạo Công ty Nhôm Đắk Nông khắc phục việc sụp lún. Ngày 20-8 vừa qua, ông tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng nhưng 2 tuần qua vẫn chưa thấy có đả động gì. "Nếu được, gia đình tôi mong cơ quan chức năng xem xét bồi thường thỏa đáng về cây trồng rồi thu hồi đất để chúng tôi có vốn đi nơi khác làm ăn, chứ ở đây không yên tâm chút nào" - ông Trần Có nói.
Theo phản ánh của người dân, việc sụp lún đất sản xuất giáp với hồ bùn đỏ xảy ra lần đầu vào tháng 8-2017, ảnh hưởng đến 3 hộ dân sinh sống tại đây. Thời gian gần đây, tình trạng sụp lún càng trở nên nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người dân thêm lo lắng. Ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, cho biết năm 2017, UBND xã có nhận được đơn của các hộ dân ở thôn 1 bị ảnh hưởng sụp lún. Sau đó, xã có cử cán bộ địa chính xuống xác minh và báo cáo hiện trạng kèm với đơn gửi UBND huyện Đắk R’lấp. Năm nay, những hộ dân này không gửi đơn lên xã nhưng UBND xã cũng nắm được thông tin. Nếu có gửi, xã cũng chỉ phối hợp với các cơ quan chức năng để đo đạc, kiểm tra chứ không có thẩm quyền để xử lý hay khắc phục gì.
Ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, xác nhận UBND huyện vừa tiếp nhận đơn của ông Trần Có phản ánh về việc đất sản xuất nông nghiệp bị sụp lún. Huyện đã họp bàn với Công ty Nhôm Đắk Nông và báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Đắk R’lấp và Công ty Nhôm Đắk Nông có đề nghị xin thêm 25 ha đất để làm vành đai chắn gió và trồng rừng chống sạt lở. Về việc này, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ TN-MT xem xét, giải quyết.
Sụp lún do… trời!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 4-9, ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, cho biết việc sụp lún đã xảy ra từ năm 2017 và công ty đã khắc phục nhưng năm nay do lượng mưa lớn hơn nên tiếp tục sạt trượt. Công ty muốn thu hồi toàn bộ diện tích xung quanh làm vành đai và đã được UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đồng ý. Tuy nhiên, hiện đang mùa mưa và thủ tục thu hồi đất mất khoảng 6 tháng đến 1 năm nên chưa thể khắc phục được ngay. "Việc sụp lún này không ảnh hưởng gì đến an toàn hồ bùn đỏ, chỉ tác động đến mương thoát lũ ngoại vi. Hiện nay hồ vẫn chứa nước bình thường" - ông Ninh cho biết thêm.

Trong vụ sụp lún vào năm 2017 được Báo Người Lao Động phản ánh trên số báo ra ngày 9-11-2017 , ông Ninh cũng phát biểu y chang như vậy và có lẽ "thủ phạm" chính vẫn là… ông trời!

 Cao Nguyên (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm