Kỳ tích "đại thủy nông" Phú Ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được mệnh danh là công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung, hồ Phú Ninh (thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) với diện tích mặt nước hơn 3.200 ha, sức chứa 344 triệu m³ là một công trình đại thủy nông của cả nước. Đây không chỉ là công trình tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới mà còn là một danh thắng nổi tiếng trong khu vực.

Hạ Long thu nhỏ

Hồ Phú Ninh được ví như “Hạ Long thu nhỏ”, vùng đất sơn thủy hữu tình, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng đầy nét hoang sơ. Dọc các triền núi bao quanh lòng hồ là hệ thống rừng tái sinh với các loại cây lâm nghiệp.

 

Một góc lòng hồ Phú Ninh.
Một góc lòng hồ Phú Ninh.

Với hệ thống hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, như đảo Khỉ, đảo Su, đảo ông Sơ, đảo 61…, trên các đảo là rừng nguyên sinh, tái sinh tự nhiên, thực vật đa dạng với hơn 261 loài cây, trong đó có nhiều gỗ quý như lim, trắc... Tại các đảo Khỉ, đảo Rùa, đảo Ông Châu… có hệ động vật phong phú gồm 80 loài chim, 34 loài thú, 26 loài bò sát, nhiều động vật quý hiếm được bảo tồn như khỉ mặt đỏ, sói đỏ, gấu ngựa, sơn dương, khứa đầu trắng.

Bên cạnh thung lũng núi Chấp Trà có mỏ nước khoáng tự nhiên, nóng trên 70°C với nhiều nguyên tố vi lượng, không thua bất kỳ loại nước khoáng nào đang có mặt trên thị trường. Đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch như tắm khoáng, tắm bùn, chữa bệnh, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Hồ Phú Ninh.

Hiện nay, trên lòng hồ Phú Ninh đang hình thành nhiều tuyến tham quan du lịch đi các đảo. Ông Nguyễn Tấn Văn cho biết, hiện có 1 công ty du lịch hoạt động với diện tích khai thác 93ha, số lượng khách du lịch hàng năm đạt 30.000 lượt. Ngoài ra, cùng với các danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn như mỏ vàng Bồng Miêu, Thác Trắng, Hầm Hô… tạo cho Phú Ninh có một lợi thế rất lớn để phát du lịch. Ông Văn nhấn mạnh: “Hồ Phú Ninh ngoài vai trò điều tiết lũ còn có vai trò trong cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt, thủy điện; do vậy, các nhà đầu tư cần giữ các yếu tố về môi trường: rừng phòng hộ, nguồn nước và an toàn hồ đập”.

Dẫn thủy nhập điền

Sau 2 năm nghiên cứu và 9 năm xây dựng, đến năm 1985, toàn bộ hệ thống “đại thủy nông” hồ Phú Ninh đã hoàn thành. Trong đó, đập Tư Yên là điểm khởi đầu của hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh tổng chiều dài 51km, điểm cuối là địa phận huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Hồ Phú Ninh trở thành công trình rộng lớn nhất miền Trung được xây dựng sau ngày giải phóng, với bàn tay và khối óc của hàng ngàn con người tạo nên một “Hạ Long thu nhỏ”, mang lại hiệu quả trong cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất vùng hạ lưu.

Các tư liệu tại Phòng Văn hóa huyện Phú Ninh ghi lại, vào ngày 26-3-1987, đồng chí Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), khi nói đến công trình hồ Phú Ninh đã phát biểu: “Ước mơ ngàn đời của người dân các huyện phía Nam của tỉnh nhà đã trở thành hiện thực…”.

Từ xa xưa, các huyện phía Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất khắc nghiệt, ruộng đồng khô héo. Sau chiến tranh, người ly tán bắt đầu trở về quê hương và “ước mơ ngàn đời” được “ăn gạo” trên mảnh đất nhà cũng dần “khô” như đất. Khan hiếm nguồn nước tưới, ruộng đồng mênh mông không bóng người. Khi đó, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương lập tức chỉ đạo phải cải tạo đất thành hồ chứa nước cho dân. Dự án xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh lập tức được các cơ quan nghiên cứu bắt tay vào cuộc. Năm 1954, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, đã dẫn đoàn phá đá ngăn đập, nhưng vì tầng đá đèo Tư Yên quá cứng, không có máy móc hỗ trợ nên đành bỏ dở. 25 năm sau, đồng chí Hồ Nghinh quay lại, với lời thề “Người nào không hoàn thành nhiệm vụ, chết không nhắm mắt”.

Suốt 9 năm đùm khoai sắn, những công nhân quyết tâm xẻ núi làm thủy lợi và thủy điện với tổng khối lượng hơn 15 triệu m³ đất đá đào đắp được thực hiện. Đến tháng 3-1979, công trình đã hoàn thành việc chặn dòng sông Tam Kỳ, đến tháng 7-1979, nước hồ Phú Ninh đã qua phần đầu kênh Bắc, chảy xuống đồng bằng Tam Kỳ - Núi Thành, đến tháng 10-1979, nước chảy về địa phận huyện Thăng Bình, mở rộng vùng tưới cho vùng Đông huyện Quế Sơn và phía Nam huyện Duy Xuyên. Đến tháng 12-1985, “đại thủy nông” Phú Ninh căn bản hoàn thành cùng với trạm thủy điện công suất 2MW cung cấp sản lượng điện cho thành phố Tam Kỳ.

 

Khai thác du lịch ở “đại thủy nông” Phú Ninh.
Khai thác du lịch ở “đại thủy nông” Phú Ninh.

Đất chuyển mình sinh sôi

Khu vực hồ Phú Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành hậu phương vững chắc, căn cứ địa cách mạng. Tinh thần ấy tiếp tục sống mãi, khi hơn 16.000 đồng bào ở đây nhường đất lập hồ thủy lợi.

Vùng đất thôn 4 - Eo Gió (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn được nhiều người dân quen gọi là “thôn 4 lòng hồ”, khi nói đến xóm di cư từ hồ Phú Ninh về đất mới. Ông Phan Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc, cho biết: “Thôn có khoảng 153 hộ di cư từ lòng hồ Phú Ninh, người dân về đất mới, đã chỉnh trang ruộng đồng, làm kinh tế rừng nên đời sống bắt đầu khấm khá”.

Tam Lộc là vùng đất bán sơn địa, thuần nông, điều kiện còn khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, 70% dân số làm nông nghiệp. Nhờ có hệ thống kênh mương thủy lợi, nước tưới từ hồ Phú Ninh chảy về nên diện tích đất nông nghiệp được khai hóa, mở rộng và mang về thu nhập đáng kể cho người dân. Sản xuất lúa đạt 60 tạ/ha, hoa màu đạt 100 triệu đồng/ha/năm...

Không chỉ vùng đất Tam Lộc, người dân khắp nơi đều hưởng lợi từ công trình đại thủy nông này. Ông Nguyễn Tấn Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, nói: “Hồ Phú Ninh đưa vào sử dụng đã cung cấp nước tưới cho hàng ngàn hécta đất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Duy Xuyên và thành phố Tam Kỳ”.

Đặc biệt, hồ Phú Ninh với diện tích mặt hồ rộng lớn phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng như nuôi cá trắm, cá mè, cá chép..., hồ điều tiết hàng trăm cơn lũ lớn hàng năm, hạn chế thấp nhất hậu quả mưa lũ cho các vùng hạ lưu.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.